Đã điều chỉnh nhưng vẫn chưa được chấp thuận
Sau hai buổi đối thoại ba bên giữa người lao động, người sử dụng lao động và Công đoàn (diễn ra ngày 19/10 và 23/10), Công ty Cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã quyết định điều chỉnh Phương án sử dụng lao động đối với công nhân Nhà máy Dệt.
Theo đó, bổ sung thêm 1 lao động nghỉ chế độ thai sản, 5 lao động (được điều chuyển đi Hà Nam đã xin chấm dứt hợp đồng lao động nhưng đang trong thời gian báo trước 45 ngày) để nâng tổng số lao động trong Phương án sử dụng lao động thành 44 người. Công ty cũng gia hạn thời gian đăng ký đi hoặc không đi Hà Nam đến trước ngày 10/11/2017.
5 lao động được bổ sung thêm là: Bùi Thị Kim (công nhân Dệt), Nguyễn Hồng Hằng (công nhân Dệt), Lê Thị Hoa (công nhân Dệt), Nguyễn Thị Tuyết (công nhân Dệt), Lý Thị Kiệm (công nhân nối trục). Cả năm công nhân này đều khẳng định rằng chưa từng “xin chấm dứt hợp đồng lao động” với công ty bằng bất cứ một loại giấy tờ nào.
Chị Nguyễn Thị Kim (số nhà 30A, ngõ 281 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai), một trong 5 công nhân lên tiếng: "Chúng tôi đã nhận thông báo nhưng vẫn chưa thấy thỏa đáng và không đồng ý với mục “Bổ sung thêm 05 Lao động (được chuyển đi Hà Nam đã xin chấm dứt hợp đồng Lao động nhưng đang trong thời gian báo trước 45 ngày) để nâng tổng số lao động lao động trong phương án sử dụng lao động lên 44 người”.
Các nữ công nhân cho rằng, từ Quyết định trên có thể thấy chính sách trợ cấp thất nghiệp cho công nhân (trong trường hợp không chuyển tới làm việc tại nhà máy Dệt Hà Nam) không có gì thay đổi. Trong khi nguyện vọng của toàn bộ công nhân là muốn phía công ty xem xét lại, cố gắng trả cho họ một khoản trợ cấp xứng đáng với những gì mà họ đã làm và gắn bó với công ty.
Thông báo điều chỉnh phương án sử dụng lao động của Công Ty Dệt Hà Nội ngày 25/10 |
Công nhân xin trợ cấp 2 tháng tiền lương/năm
Trong phương án sử dụng lao động của Công ty Cổ phần Dệt 19/5 đối với nhà máy Dệt Hà Nội có nêu rõ “Các cán bộ, công nhân viên đăng ký không đi làm Hà Nam được công ty giải quyết chế độ chấm dứt hợp đồng với mức trợ cấp mất việc theo quy định tại Điều 49- Bộ luật Lao động năm 2012”.
Như vậy, công nhân nhà máy sẽ được công ty hỗ trợ mỗi năm 1 tháng lương, tính từ thời điểm ký hợp đồng Lao động đến năm 2008. Từ năm 2008 trở đi việc chi trả sẽ do công ty bảo hiểm phụ trách. Điều đó có thể hiểu, những người kí hợp đồng lao động sau năm 2008 sẽ không được nhận bất cứ một khoản trợ cấp thất nghiệp từ phía công ty nào cho dù họ đã gắn bó 9 năm với nhà máy.
Trước đó, trong đối thoại giữa các bên, chị Nguyễn Hồng Hằng, thay mặt cho toàn bộ công nhân nhà máy Dệt Hà Nội đề nghị Công ty trích quỹ phúc lợi để hỗ trợ thêm cho người lao động 1 tháng lương. Việc này đã không được phía công ty chấp thuận. Tuy nhiên phía công ty vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính xác bằng văn bản và hứa sẽ có quyết định cuối cùng công nhân trước ngày 10/11.
Vấn đề cổ phiếu sẽ giải quyết thế nào cho thỏa đáng?
Các công nhân chia sẻ, sau khi Công ty Dệt 19/5 cổ phần hóa đã cho công nhân quyền được mua hai loại cổ phiếu gắn bó và cổ phiếu ưu đãi. Mỗi người sẽ được mua 2000 cổ phiếu với giá 10.300đ/ một cổ phiếu. Do không đủ khả năng mua số cổ phiếu đó nên công nhân đề đạt nguyện vọng muốn bán quyền mua cổ phần ấy cho công ty (tức là chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác).
Ông Đỗ Văn Minh- TGĐ Công ty Cổ phần Dệt 19/5 có yêu cầu phải bán số cổ phiếu đó cho công ty, không được bán cho người ngoài. Công nhân nhà máy đã đồng ý và kí giấy chuyển nhượng cho công ty cả hai loại cổ phiếu thông qua người trung gian là Gám đốc Nhà máy. Giấy đó chỉ phía công ty giữ.
Hai năm sau khi hết thời hạn việc chuyển nhượng thì Giám đốc nhà máy thông báo với công nhân sẽ chỉ trả phần chênh lệch một loại cổ phiếu ưu đãi mà công nhân được hỗ trợ mua với giá chỉ 60 % giá thị trường. Cổ phiếu ưu đãi được trả có giá 18.300/một cổ phiếu sau nhiều lần thỏa thuận lại giá. Còn cổ phiếu gắn bó không được trả lại với lý do sẽ bị thu hồi về nhà nước do không có ai mua, nhưng không thông báo trước cho công nhân và không có giấy tờ chứng thực.
Chị Trịnh Thị Thanh (công nhân nhà máy Dệt) cho biết thêm: Theo luật đúng là công nhân không mua loại cổ phiếu gắn bó thì sẽ không có quyền bán ra là đúng, nhưng công nhân vẫn được phép chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác. Nếu bên phía công ty không mua, công nhân cũng không mua thì trong thời gian hai năm kể từ khi được trao quyền mua, mỗi người vẫn có quyền chuyển nhượng lại quyền mua cho người khác. Việc bên công ty im lặng trong hai năm đã khiến công nhân lầm tưởng rằng cả hai loại cổ phiếu đấy đã được bên công ty mua.
"Về lý, việc chuyển công nhân đến Hà Nam làm việc, chế độ trợ cấp thất nghiệp và thu hồi cổ phiếu gắn bó cho Nhà nước là không sai luật, công nhân phải chấp hành Tuy nhiên việc giải quyết rất cần sự kết hợp giữ “lý” với “tình”. Mong rằng phía công ty sẽ cố gắng hết sức để chúng tôi có những lợi ích trong khả năng hiện có của công ty", chị Thanh bày tỏ.