Tại Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ tổ chức chiều 12/10, góp ý vào dự án Luật, các đại biểu đã phân tích, cho ý kiến vào tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật; điều kiện, tiêu chuẩn, xét thi đua khen thưởng; về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua khen thưởng...
Cụ thể, ý kiến đại biểu cho rằng, việc áp dụng quy định về tỷ lệ khen thưởng, bình xét khen thưởng mang tính chất cộng dồn thành tích tính theo thâm niên sẽ dẫn đến tình trạng nuôi phong trào, nể nang trong khâu lựa chọn, bình xét dẫn đến tình trạng đối tượng khen cao cơ bản là xét đối tượng có quá trình cống hiến, niên hạn (công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước), nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp phấn đấu để được tặng thưởng Huân chương Lao động từ hạng Nhì trở lên hầu như không có.
Hiện nay, mô hình cơ sở giáo dục dân lập, tư thục hay các loại hình doanh nghiệp được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên đội ngũ giáo viên, công nhân lao động chưa được biểu dương khen thưởng hoặc có nơi có nhưng rất ít do đơn vị chủ quản chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền khen thưởng theo luật định, dẫn đến tình trạng các đối tượng thuộc lĩnh vực này tiếp cận được các hình thức cao hơn theo hệ thống khen thưởng của Nhà nước còn hạn chế và hầu như không có. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán điều chỉnh cho phù hợp.
Các đại biểu cũng đề nghị, nên áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ khen thưởng. Đối với những trường hợp thành tích được cấp trên phát hiện trực tiếp biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng ở cấp cao hơn nên áp dụng đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản.