Người lớn vô tình làm đổ lọ cồn khi nướng mực, trẻ 2 tuổi bỏng nặng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vô tình làm đổ lọ cồn khi nướng mực, trẻ đang ngồi chơi gần đó bị lửa cồn bắn vào gây bỏng nặng vùng mặt, ngực.
Bệnh nhi bỏng nhiệt vì sự bất cẩn của người lớn
Bệnh nhi bỏng nhiệt vì sự bất cẩn của người lớn

Thông tin từ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, một tuần gần đây, đơn vị liên tục tiếp nhận 20 trường hợp nhập viện do các tai nạn bỏng nước sôi, bỏng cồn.,…

Trường hợp mới nhất là bệnh nhi N.H.M, 2 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện đêm ngày 25/4 với tổn thương nghiêm trọng vùng mặt, ngực, tay phải do bỏng cồn.

Mẹ bệnh nhi cho biết, khoảng 9h tối khi gia đình đang nướng mực, chẳng may lọ cồn bị đổ, bé M. đang ngồi chơi gần đó bị lửa cồn bắn vào gây bỏng nặng vùng mặt, ngực. Nghe tiếng bé khóc, chị chạy vào cũng bị lửa cồn gây bỏng 2 chân. Đứa cháu họ và một người bác cũng bị lửa cồn gây bỏng, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn đã được xuất viện điều trị tại nhà.

"Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt nhiều; tổn thương bỏng rộng 10% độ II, III vị trí vùng mặt, ngực, tay phải; tổn thương xung huyết, trợt vòm, tiết dịch nhiều, vùng mặt phù nề, môi miệng sưng, quấy khóc nhiều…" - BS Hồ Thị Vân Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị Bỏng trẻ em (Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác) thông tin.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khám toàn trạng, truyền dịch chống sốc, sử dụng thuốc giảm đau, tiêm kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn. Hiện tại bé vẫn duy trì chế độ nuôi dưỡng, thay băng hàng ngày, theo dõi tại chỗ vết thương…

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi B.T.T.Đ, 10 tháng tuổi (Uông Bí, Quảng Ninh), bị bỏng nước sôi 25%, 10 % độ sâu (II, III, IV) vùng ngực, bụng, tứ chi…

Người nhà cho biết, cách đây 22 ngày, khi đang nấu nước trong bình siêu tốc, bé chơi gần đấy thấy nước sôi bốc hơi, tò mò đã bò lại gần khiến nước đổ vào người gây bỏng nặng. Ngay lập tức người nhà làm mát và đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.

Tại đây bé đã điều trị hồi sức tích cực 12 ngày, chuyển xuống Khoa Điều trị Bỏng trẻ em được 11 ngày, đã thực hiện 2 lần phẫu thuật cắt hoại tử - ghép da, chưa biết khi nào được xuất viện.

TS. Vân Anh cho biết, với bệnh nhân bỏng không hẹn trước ngày xuất viện chính xác bởi phụ thuộc vào tốc độ phục hồi tổn thương và phòng chống sẹo cho người bệnh.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bỏng nhiệt đang điều trị tại Khoa Điều trị Bỏng trẻ em của bệnh viện. Khoảng một tuần gần đây khoa tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị bỏng do các tác nhân nước sôi, cồn, bỏng điện…

Tuy nhiên, theo TS. Vân Anh con số này chưa phải là nhiều vì có thời điểm khoa trong một tuần khoa tiếp nhận tới 40 bệnh nhân và con số này càng tăng lên vào mùa hè khi học sinh được nghỉ hè đã rủ nhau đi bẫy chim gây ra nhiều vụ bỏng điện cao thế.

Khoảng 80% trường hợp nhập viện do bỏng nhiệt (lửa, nước sôi, cồn…), 10% các trường hợp bỏng điện và 10% còn lại là bỏng do hóa chất", TS. Vân Anh chia sẻ thêm.

Các bước sơ cứu khi bị bỏng

Theo TS. Vân Anh, với các bệnh nhân bỏng việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, nếu cấp cứu ban đầu không đúng cách sẽ làm tăng thêm tổn thương độ sâu, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm độc… gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí có thể phải cắt bỏ chi…

Do vậy, khi phát hiện trường hợp bị bỏng cần nhanh chóng thực hiện cách bước sau:

Tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng.

Làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch trong khoảng 30 phút (sử dụng nguồn nước sẵn có như nước uống, nước máy, nước giếng…. Lưu ý sử dụng nước mát không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng) đồng thời cắt bỏ quần áo khỏi vùng tổn thương.

Che phủ vết thương bằng khăn, vải sạch, bông gạc… Sau đó nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Lưu ý: Trong quá trình cấp cứu chú ý bồi bổ dịch thể cho người bệnh, vẫn cho trẻ bú bình thường.

Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nam, kem đánh răng, rượu… để bôi vào vùng tổn thương vì có làm vết bỏng tổn thương sâu hơn, gây nhiễm trùng.

Đọc thêm