Theo chia sẻ trên trang cá nhân, bà T.T.N (Hải Dương) có người con trai duy nhất, sau khi học xong Đại học Thủy Lợi, con trai bà công tác tại Công ty thủy lợi 1 ở Bắc Ninh. Dự định cuối năm 2020, con trai bà sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng tai họa ập xuống, anh bị TNGT chấn thương sọ não, cấp cứu tại BV Đa khoa Bắc Ninh, sau đó chuyển lên Bệnh viện TWQĐ 108.
Mặc dù được các y bác sỹ tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh tình quá nặng, con trai bà N. không qua khỏi.
Dù đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai, nhưng bà vẫn đồng ý hiến tạng của con cho y học để cứu người bệnh hiểm nghèo, người suy tạng giai đoạn cuối.
Trước khi đồng ý hiến tạng con trai, bà thể hiện nguyện vọng được biết những người đã nhận tạng của con mình để biết phần cơ thể của con ở trên đời có ổn không.
“Bệnh viện TWQĐ 108 đã tổ chức lễ tang cho con tôi rất trang trọng. Và tôi cũng được biết Ban giám đốc Bệnh viện và rất đông các cán bộ, nhân viên, có cả một số thân nhân của những người nhận tạng của con tôi cùng về thăm viếng. Chỉ riêng nhà nhận trái tim của con tôi cho đến lúc này không một lời hỏi thăm trên điện thoại. Chính vì lẽ đó mà tôi luôn được nghe tin như dót vào tai là nhà tôi đã bán trái tim với giá rất cao tới 2 tỷ đồng nên họ không cần biết đến tôi nữa. Tôi cũng rất mong cộng đồng mạng chia sẻ và người nhận trái tim của con tôi hiểu cho niềm khao khát của tôi”, bà N. chia sẻ.
|
Thông tin bà N. chia sẻ trên trang cá nhân. |
Bệnh viện không thể cung cấp thông tin người nhận tạng
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết ông đã biết được thông tin này và có đề nghị Trung tâm điều phối Quốc gia liên lạc với gia đình người hiến để giải thích về quy định trong việc cung cấp thông tin giữa người hiến và ghép mô tạng.
“Chúng tôi rất chia sẻ với nguyện vọng của bà mẹ. Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp, bệnh viện và các bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra. Chúng tôi rất trân trọng nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng. Việc hiến nội tạng cho người khác là một nghĩa cử vô cùng nhân văn nên chúng tôi sẽ làm việc bằng tất cả y đức của người bác sĩ để nối tiếp sự sống cho người bệnh”, GS Giang cho hay.
Ông Giang cũng cho biết trên thế giới, các thông tin về người hiến và ghép đều được mã hoá, không được phép tiết lộ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người được nhận tạng, nhất là trong quá trình khám chữa bệnh.
"Đối với người nhận tạng, người ta phải được chữa bệnh và sống một cuộc sống bình thường chứ không phải vì nhận tạng mà người ta phải sống trong sự chịu ơn." - ông Giang nói.
“Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên bệnh viện nghe được thông tin về việc gia đình người hiến tạng mong muốn tìm kiếm người nhận tạng. Chưa bao giờ chúng tôi nhận được đề nghị từ gia đình người hiến tạng mong muốn gặp người nhận để có thể cảm nhận sự sống của người thân của họ ở một cơ thể người khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh viện cũng không thể cung cấp thông tin về người nhận tạng cho phía gia đình. Gần đây nhất, ngay trong cuộc tri ân những gia đình có người thân hiến tạng, nhiều người vợ, người mẹ người chết não hiến tạng cũng chỉ chia sẻ về người thân của mình trước đó và bày tỏ mong muốn những người nhận tạng sẽ có cuộc sống khỏe mạnh”, GS Giang chia sẻ.
|
Các bác sĩ BV 108 cúi đầu mặc niệm, tri ân người hiến tạng chết não. |
GS Giang cũng cho biết theo quy định đối với người hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác thì sau khi chết, cơ thể người hiến tạng sẽ được chăm sóc tùy thuộc vào di nguyện của người hiến tạng hay nguyện vọng của gia đình. Theo quy định thì người hiến tạng chết sẽ được Nhà nước hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Người hiến tạng cũng sẽ được truy tặng kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.
Cũng theo GS Trần Bình Giang, đến thời điểm này, người được ghép tim từ người thanh niên hiến tạng chết não (con trai người mẹ nói trên) vẫn đang sống khỏe mạnh.