Xuất khẩu gặp khó
Tháng trước, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tụt xuống 19.000 - 20.000 đồng/kg và hiện cũng đang ở mức khoảng 20.500 đồng/kg, đều ở dưới giá thành khá xa. Hiệp hội Chế biến và XNK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, khó khăn của cá tra, trước hết đến từ nguyên nhân khách quan là XK cá sang Mỹ bị sụt giảm mạnh do Bộ Thương mại Mỹ tăng thuế chống bán phá giá trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu (NK) vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.
Cũng theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2019, XK cá tra sang Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 6/2019, giá trị XK cá tra sang Mỹ giảm mạnh tới 40,8%. Bên cạnh đó, một thị trường lớn khác là Trung Quốc cũng tăng trưởng thấp. 6 tháng đầu năm nay, XK mặt hàng này sang Trung Quốc giảm mạnh so với thời gian trước đó. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD. Xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng ở Nam Mỹ như Brazil, Colombia… cũng giảm.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất lại đến từ việc do giá cá tra nguyên liệu năm 2018 quá cao, quá hấp dẫn nên nhiều người lại đổ xô vào nuôi cá. Điều đó khiến cho trong nhiều thời điểm của năm nay, sản lượng cá tra thu hoạch cao hơn nhiều lần so với nhu cầu và khả năng thu mua của các DN.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch danh dự VASEP cho rằng, nuôi cá tra cần vốn đầu tư rất lớn nên khi giá thành giảm mạnh, dù chỉ vài giá cũng đã khiến người nuôi thua lỗ. “Hiện, giá cá tra có thời điểm thấp hơn giá thành từ 3.000 - 5.000 đồng nên cả người nuôi và DN đều đăng gặp rất nhiều khó khăn”, lời bà Minh.
Bỏ ngỏ thị trường trong nước
Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, câu chuyện cá tra rớt giá thảm hại như hiện nay không phải lần đầu. Trước đó, năm 2008 với tổng sản lượng 1,1 triệu tấn đã dẫn đến “khủng hoảng thừa” do vượt quá nhu cầu chế biến và tiêu thụ.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho hay, cá tra đang rớt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, do cá tra chủ yếu dành cho thị trường XK nên các DN trong lĩnh vực này cũng khốn đốn không kém người nuôi.
Theo vị này, sau năm 2008, Chính phủ, Bộ NN&PTNN mà trực tiếp là Tổng cục Thủy sản đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trọng điểm có sản lượng cá tra lớn như An Giang, Đồng Tháp về liên kết sản xuất theo chuỗi để chủ động sản xuất, tiêu thụ.
Ông Luân nói: “Cá tra “dính” phải cuộc khủng hoảng kép như hiện nay bởi người nuôi nhận thấy lợi nhuận lên cao, ồ ạt nuôi thả không theo quy hoạch, hướng dẫn nên đã dẫn tới thừa. Tổng cục cũng đã có cuộc họp với VASEP để tìm cách tháo gỡ, mở thêm thị trường mới tìm hướng khắc phục lượng cá đang tồn quá nhiều”, ông Luân nói.
Phía đại diện VASEP cho biết thêm, hiện cá tra XK sang thị trường Bỉ đang khá khả quan bởi đây là một thị trường mới nhưng giàu tiềm năng. Trong khi đó, các đơn hàng XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, khó khăn sẽ còn tiếp tục kéo dài với cá tra, ít nhất là hết năm 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, sản phẩm cá tra đang gặp khó khăn có nguyên nhân do thị trường trong nước hoàn toàn bị bỏ ngỏ và chưa được quan tâm: “Người tiêu dùng trong nước chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng mà con cá tra mang lại, không có thói quen dùng sản phẩm đông lạnh (sản phẩm được bảo quản -40 độ C) nên từ trước đến nay, hầu như cá tra ít được quan tâm ở thị trường nội địa. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu cá tra được tiêu thụ mạnh sẽ giảm được khó khăn phần nào”, bà Minh tin tưởng.
Trong cuộc họp sắp tới giữa VASEP và Tổng cục Thủy sản, bà Minh cho biết sẽ nêu ý kiến để Câu lạc bộ Cá tra có chiến lược quảng bá về sản phẩm này với người tiêu dùng trong nước, tránh lặp lại việc dư thừa và rớt giá như hiện nay.
“Hiệp hội cá hồi Na Uy đã mất 10 năm để thay đổi việc ăn cá hồi tự nhiên và nuôi trồng không khác gì nhau. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm được để thay đổi tư duy, thói quen của người tiêu dùng trong nước về con cá tra”, bà Minh nói thêm.