Người phụ nữ kiên cường đứng sau chàng nhạc sĩ bại não tài năng

(PLO) -Thật khập khiễng khi so sánh ai đó mà nhất lại là đàn ông mạnh mẽ với một loài hoa, nhưng những gì tôi đã chứng kiến từ nhạc sỹ trẻ Vũ Quốc Hùng (nghệ danh Thiên Ngôn, sinh năm 1993, ở Hà Nội) thì tôi muốn được gọi Hùng là một đóa hướng dương. Bởi mang trong mình căn bệnh bại não bẩm sinh nhưng chàng trai ấy chưa bao giờ đầu hàng số phận. Và đứng sau sự dũng cảm, kiên cường đó là tình mẫu tử bao la của một người mẹ…
Người phụ nữ kiên cường đứng sau chàng nhạc sĩ bại não tài năng

Nước mắt mẹ lặn vào trong tim

Trong căn phòng nhỏ chỉ có bốn bức tường và chiếc máy vi tính cũ, cậu bé 9 tuổi Vũ Quốc Hùng bắt đầu tự đi tìm niềm vui, nuôi hy vọng cho chính mình từ những con chữ ê a, những nốt nhạc trắng đen được viết bằng chính đôi chân còn chút sức cử động. Nhưng để có được như ngày hôm nay, như bao người biết đến chàng nhạc sĩ thiên tài ấy luôn có một người phụ nữ kề bên, chăm lo cho cậu từng chút, từ giấc ngủ, từ bữa ăn, từng bước đi từ ấu thơ. Đó chính là mẹ của Hùng, người phụ nữ có sức mạnh can trường. 23 năm đồng hành cùng con trai, 23 năm đôi chân đưa con đi muôn phương, 23 năm đối đầu với trăm ngàn  gian lao, khó nhọc, tủi cực; người phụ nữ đó cứ thế gồng gánh trên vai. 

Tôi đã gặp gỡ người phụ nữ đó - cô Tạ Thị Mùi (sinh năm 1964) vào một chiều đông. Vừa trò chuyện với tôi, cô Mùi vừa làm công việc đã quen bao năm - chăm sóc cho con trai mình. Chia sẻ cùng tôi những nỗi buồn sâu kín lâu nay cô Mùi cho biết, ngày sinh Hùng là một ngày hè oi ả, hai vợ chồng cô hạnh phúc nâng niu trên tay cậu con trai bé bỏng đầu lòng, chăm chút cho con từng miếng ăn, giấc ngủ cô thấy con trai mình phát triển chậm hơn so với trẻ cùng lứa. Hùng được 6 tháng tuổi nhưng chưa biết bò, biết lẫy, tay nắm chặt, thấy con có dấu hiệu không bình thường gia đình đưa con đi khám, và rồi tiếng sét ngang tai hai vợ chồng phải đón nhận là con trai mình bị bại não bẩm sinh. 

Cuộc chiến với căn bệnh cùng con trai bắt đầu từ đó. Người mẹ trẻ gác hết công việc lại, ròng rã tháng ngày cùng con đi tìm điều kỳ diệu. Cô Mùi kể lại những tháng ngày đã đi qua: “Mỗi ngày, cô lại bế Hùng đi xích lô từ Thanh Xuân đến Bệnh viện Nhi Trung ương để học lớp phục hồi chức năng cho con. Có bệnh thì vái tứ phương, cứ nghe ai mách ở đâu có thầy lang, bác sĩ nào chữa trị được là vợ chồng, cái con bồng bế nhau đi.

Xa xôi đến mấy, vào Nam, ra Bắc cô chẳng ngại, có lần điều trị dài bằng phương pháp bấm huyệt, châm cứu cô Mùi cùng Hùng ăn ở lại nhà thầy lang…” Nhưng dường như ánh sáng nhiệm màu vẫn không chịu le lói cho người mẹ luôn mong ước được nhìn con đứng trên đôi chân đi những bước đi đầu đời. Cô Mùi lặng lẽ nuốt hết những giọt đắng vào tim để tiếp tục hành trình với con trai. Trong nước, ngoài nước, đâu đâu cũng thành nhà của hai mẹ con. Nhưng rồi mọi phép màu đều quay mặt đi với cậu con trai của cô… 

Thời gian chữa lành vết thương

Thời gian thật sự là liều thuốc tốt chữa lành vết thương, nhưng thời gian với người mẹ và cậu con trai như cô Mùi và Hùng thì nó thật đáng sợ, bởi nó thiêu đốt hao mòn ý trí của con người. Những giấc mơ không về là Hùng đi lại được, Hùng được đến trường, Hùng được tự tay chăm sóc cho chính bản thân, nhưng giấc mơ chỉ là giấc mơ mà thôi!

Trong tiếng thở dài, cô Mùi gạt nhẹ hàng nước mắt đang vô thức lăn dài nói tiếp: “Thế rồi những lời xì xào quanh cuộc sống gia đình, những đêm hai vợ chồng buồn tủi thương con không ngủ yên. Nhưng rồi phải tự động viên mình không được nản chí. Hùng không thể đến trường thì cô cùng Hùng học từng con chữ, Hùng không thể đi lại, mẹ lại làm đôi chân đưa Hùng đi. Mỗi bài học là những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt mà cả hai mẹ con cố gắng gạt đi, cùng nhau vượt qua…”. 

Có lẽ điều thần kỳ không đến nhưng điều phi thường lại không phụ lòng người. Hùng lên 9 tuổi, bắt đầu thấy thích học đàn khi thấy hai em gái học. Cô Mùi cười vui kể lại tháng ngày Hùng học nốt nhạc đầu tiên: “Dạy Hùng cả cô giáo và Hùng rất vất vả, Hùng viết còn khó nói gì đến chơi đàn, nghĩ cho Hùng học cho vui thôi. Nhưng dường như đó là định mệnh của Hùng với nghệ thuật, nên Hùng cứ mày mò tự học. Hùng thích sáng tác lắm, mỗi lần viết xong một ca khúc đều vội khoe với mẹ.

Trước Hùng viết chưa được hay, nhưng sau lần chia tay với người yêu thì cảm xúc cứ thế thành lời hát giai điệu. Thấy con được bạn bè ủng hộ, cô cũng vui và động viên con nhiều hơn. Cũng từ đó Hùng lấy nghệ danh là Thiên Ngôn”.

Ngồi cạnh mẹ, Hùng chỉ cười khi nghe mẹ kể lại những câu chuyện đã qua. Hùng cho biết, nhà văn Sơn Paris là người giúp cậu đưa những sáng tác của mình đến gần hơn với những ca sĩ trẻ và khán giả Việt. Hùng phải cảm ơn chính người yêu cũ của mình đã cho cậu những cảm xúc chân thật để viết lên những bản tình ca.

Hiện tại, nhạc sĩ Thiên Ngôn có trên dưới 10 sản phẩm được các ca sĩ thể hiện như: “Đừng bắt em phải quên” và “Em muốn quên” (Miu Lê thể hiện), “Dù không là định mệnh” (Minh Vương M4U thể hiện), “Hạnh phúc của anh” (Tăng Nhật Tuệ thể hiện), “Người đứng sau em”, “Anh vẫn quen có em” (Hồng Dương M4U thể hiện)…. Và mới đây nhất ca khúc “Giờ con mới biết” nhạc sĩ Thiên Ngôn đã sáng tác dành tặng cho mẹ của mình.

Cảm động trước tình cảm của con trai, cô Mùi tâm sự: “Không thể chữa trị lành bệnh cho con là nỗi đau của một người mẹ như cô. Cô hạnh phúc vì con mình đã làm được nhiều điều hơn cả gia đình kỳ vọng và Hùng là người có ích cho xã hội”.

Được gặp một con người như Hùng – một thiên tài không đầu hàng trước số phận tôi thật sự cảm phục, nhưng còn cảm phục gấp trăm lần trước sự hi sinh thầm lặng của người mẹ của Hùng. Tôi không tin phép nhiệm màu từ cổ tích kỳ diệu nhưng tôi tin những điều phi thường đến với những người nỗ lực thực sự. Giữa ngàn hoa Hùng và mẹ là những đóa hoa hướng dương rực rỡ nhất vươn lên với nắng mai.

Đọc thêm