Hiện một quả thận đã phải cắt bỏ, quả còn lại mắc bệnh khiến sức khỏe em vô cùng yếu. Nguy hiểm hơn, Trâm đang bị thần kinh bàng quang, không thể tự đi tiểu, phải có người thông tiểu suốt đời. Bước đường cùng, người mẹ bất hạnh, từng bị “chồng” bỏ quyết định hiến thận cho con. Nhưng, để thực hiện tâm nguyện đó là điều không hề đơn giản.
11 tuổi, 11 lần lên bàn mổ
Gặp cô bé Phan Thị Ngọc Trâm (11 tuổi, ngụ xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vào buổi trưa mùa đông khi em vừa được mẹ chở từ trường về. Vội vàng lấy các dụng cụ thông tiểu, chị Phạm Thị Loan (37 tuổi) tâm sự, 3 năm trở lại đây ngoài bệnh thận, bé còn mắc thêm chứng thần kinh bàng quang, nên không thể tự đi tiểu được.
Do vậy, hàng ngày, chị phải đều đặn 6 lần dùng dụng cụ thông tiểu cho con gái. “Mỗi lần thông, cháu đau lắm, hai tay bấu chặt lấy chiếc ghế, mắt nhắm nghiền lại. Nhìn con như vậy, tôi xót xa vô cùng, nhưng bác sỹ bảo bệnh này hiện không nơi nào có thể chữa được, phải sống chung với bệnh suốt đời”, chị Loan nhìn con đứa con gầy xanh xao, cố giấu nước mắt.
Người mẹ cho hay, do phải dùng ống y tế thông tiểu nên vùng kín của con gái thường xuyên bị viêm nhiễm. Chị đã tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của bác sỹ nhưng vẫn không thể tránh khỏi những tổn thương ấy. Chị Loan cho biết, cứ mỗi lần bị viêm nhiễm là cháu lại sốt cả đêm, không ăn uống được. Đợt nào nặng quá, hai mẹ con mới dắt díu nhau xuống bệnh viện nhờ can thiệp.
Kể về bệnh tình của con gái, người mẹ trẻ đơn thân đã nhiều lần lau nước mắt. Chị bảo, bé Ngọc Trâm là kết quả chuyện tình của chị và người đàn ông quê Hà Tĩnh, hơn chị tận 14 tuổi. Trước đó, trong thời gian đi làm thuê, hai bên tình cờ gặp và đến với nhau.
Chị không hề biết rằng người đó đã có vợ con ở quê nhà. Đến khi bé Trâm ra đời, chị Loan mới biết sự thật về “người chồng”. Bản thân chị đã nhiều lần khuyên bảo “chồng” quay về với gia đình, nhưng người đàn ông kia nhất quyết không chịu. Sau đó chị chấp nhận làm vợ không hôn thú.
Ngôi nhà nơi mẹ con chị Loan sinh sống |
Vì “chồng” không có nghề nghiệp, nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Cả gia đình phải tá túc trong căn nhà nhỏ, cũ kỹ của mẹ đẻ chị Loan là bà Nguyễn Thị Ngân (78 tuổi). Hàng năm, ngoài công việc đồng áng, chị còn vào Tây Nguyên hái cà phê kiếm thêm thu nhập. Người phụ nữ ấy luôn cặm cụi làm việc những mong cuộc sống khấm khá hơn, nhưng tai ương đã ập đến.
Khi bé Ngọc Trâm lên 5 tuổi, chị Loan bỗng thấy những dấu hiệu bất thường từ đứa con nhỏ. Không những sốt, nôn liên tục, đứa con đó còn kêu đau hai bên thắt lưng. Lo lắng, chị đưa con đến viện khám thì được bác sỹ chẩn đoán thận phải của cháu bị teo, thận trái bị giãn, ứ nước, niệu quản trào ngược, bàng quang nhỏ.
Sau khi điều trị tại Bệnh viện Nhi Nghệ An nhưng không có kết quả, chị chuyển con ra Hà Nội. Tại đây, đứa trẻ 5 tuổi đã trải qua 2 lần phẫu thuật, trong đó có việc tạo hình một số bộ phận, cắt ruột non để tăng dung tích bàng quang cho bé. Tuy nhiên, sức khỏe Ngọc Trâm vẫn không được cải thiện đáng kể.
Càng đau buồn hơn khi người “chồng” sau bao năm chung sống đã cuốn gói ra đi vì thấy con bệnh tật. Nhắc lại người đàn ông mà mình từng chung sống, chị Loan tâm sự, từ khi con gái bị bệnh, liên tục đi chữa trị, tiền bạc trong nhà lần lượt ra đi nên người đàn ông tỏ vẻ chán nản.
“Con bị bệnh, tôi thì bế con đi khắp nơi chữa trị, nhưng anh ấy không hề đoái hoài gì. Thậm chí có lần, anh ta còn gọi điện ra Hà Nội trách tôi chăm con mà quên chồng ở quê. Lo lắng bệnh tình con gái, lại gặp người chồng vô tâm, tôi càng buồn chán trong lòng”. Sau đó không lâu, người đàn ông ấy đã khăn gói rời khỏi nhà chị Loan.
Người mẹ cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Trâm liên tục trải qua 6 lần phẫu thuật tại nhiều bệnh viện. Mỗi lần như vậy tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ. “Bò, lợn trong nhà đều đã bán hết, nhưng vẫn không đủ cho những chi phí đắt đỏ ở bệnh viện. Chồng thì bỏ đi, mẹ già lại đau yếu nên tôi không biết bấu víu ai. Cũng may đợt gần đây có một số người hảo tâm biết đến, phụ giúp mẹ con phần nào chi phí khám chữa trị”, người mẹ kể.
Từ khi sinh ra đến nay tổng cộng bé Ngọc Trâm đã phải trải qua 11 lần phẫu thuật. 11 lần phải lên bàn mổ là 11 lần người mẹ nín thở, chừng ấy lần chị mong từng phút, chờ từng giây để đợi câu trả lời của bác sĩ. Nhưng bệnh tình của con vẫn không có tiến triển gì, con ngày càng xanh xao, gầy gò, đau đớn vì bệnh tật.
Sự sống mong manh
Mới đây nhất, do thận phải bị suy, teo nên cháu Ngọc Trâm đã phải phẫu thuật cắt bỏ. Mất một quả thận, quả còn lại bị suy nên người cô bé “xanh như tàu lá chuối”. Các bác sĩ bảo nếu muốn tiếp tục sống thì bé cần được ghép thận. Để cứu con, chị Loan quyết định hiến quả thận của mình cho con, ai ngờ chi phí cho ca phẫu thuật này quá lớn.
“Các bác sĩ nói, nếu lấy thận của mẹ ghép cho con thì chi phí cũng phải mất khoảng 500 triệu đồng. Bây giờ mẹ con tôi lấy đâu ra số tiền lớn đến như vậy. Nhưng, nếu không được ghép thận thì con tôi sẽ …”, người mẹ lặng đi khi nghĩ đến cảnh tồi tệ nhất.
Ngồi cạnh mẹ, đứa con nhỏ gầy gò tỏ ra khá bản lĩnh. Em trả lời dõng dạc những câu hỏi mà khách đưa ra. Thậm chí, khi thấy mẹ khóc, em liền ôm lấy mẹ để động viên. Lúc đó, chị Loan nhanh chóng lấy lại được dũng khí.
Chị Loan tâm sự: “Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu rõ mọi chuyện. Lúc trước mỗi lần đi bệnh viện, bị bác sỹ lấy máu, hay tiêm thuốc cháu sẽ khóc toáng lên. Nhưng giờ đã chủ động đưa tay cho y tá lấy máu. Mỗi khi lên bàn mổ đều chuẩn bị tinh thần rất tốt, có khi cháu còn nở nụ cười hẹn mẹ ít tiếng sau sẽ gặp lại”. Điều đó giúp chị có thêm nghị lực để tiếp tục cùng con giành giật sự sống.
Mẹ chị Loan lại vừa bị gãy tay khiến cuộc sống càng khó khăn |
Tuy nhiên, cũng không ít lần, đứa trẻ đó đã bật khóc khi thấy các bạn vui vẻ cười đùa, khỏe mạnh. Chị Loan kể, có hôm con gái ôm lấy mẹ mà hỏi rằng: “Mẹ ơi, sao không ai bị bệnh, mà con lại mắc nhiều bệnh thế này?”. Nghe đứa con thơ thủ thỉ, chị Loan chỉ biết nuốt nước mắt ôm con vào lòng vỗ về.
Vì bệnh tật, sức khỏe ngày càng yếu nên con đường đến trường của Ngọc Trâm lắm chông gai hơn các bạn. Người mẹ kể, khoảng 3 năm nay, do liên tục phải đi viện nên bé Trâm đi học “bữa đực bữa cái”. Cũng may, nhà trường luôn tạo điều kiện dạy bù để em tiếp thu kịp các bạn. Mỗi khi con đi học, chị Loan ở nhà lại túc trực điện thoại, đề phòng trường hợp xấu, cô giáo gọi điện về báo.
“Vì không thể tự đi vệ sinh được nên mỗi khi cháu bí tiểu phải do tôi trực tiếp thông tiểu. Cô giáo không quen làm việc đó nên phải gọi điện bảo tôi lên trường giúp con. Nhiều khi thấy bất tiện, nhưng con bé ham học quá nên tôi luôn phải ở bên sát sao”, người mẹ bộc bạch.
Sau hàng loạt tai ương, dường như bất hạnh vẫn chưa dừng lại trong gia đình này. Cách đây hơn 1 tuần, mẹ chị Loan do bất cẩn, ngã xuống đất dẫn đến gãy tay. Chị Loan lại vừa phải chăm con, vừa xuống bệnh viện chăm nuôi mẹ già.
“Vất vả vô cùng, nhiều hôm mình tôi xoay không kịp. Nhưng vì mình không làm cũng không có ai thay thế, trợ giúp nên phải cố gắng. Nhiều hôm làm nhiều, tối muốn ngủ một giấc, nhưng phải canh chừng đồng hồ để dậy thông tiểu cho con”, chị Loan thở dài.
Dù vậy, nhưng người mẹ trẻ vẫn không bao giờ buông xuôi. Với người mẹ nghèo, chị chỉ có duy nhất một đứa con này. Đứa bé ấy là lẽ sống, là tất cả tương lai, niềm vui mỗi sớm mai thức giấc của chị, là động lực để chị vượt qua vất vả của công việc hàng ngày, là niềm hy vọng để tiếp tục cố gắng trong cuộc sống khốn khó trăm bề.