Những công trình nghiên cứu khoa học thiết thực
Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS.TS. Lê Minh Thắng là xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại Việt Nam và đã được đưa vào sử dụng trong thực tế.
Thực tế đã và đang cho thấy, Thủ đô Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn thường xuyên nằm trong nhóm những nơi có chất lượng không khí ô nhiễm cao. Một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường là khí thải phương tiện, trong đó khí thải xe máy chiếm phần lớn. Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường thấy là CO, NOx, SOx, HC... Những chất này về lâu dài sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm về hô hấp, tim mạch, vô sinh, ung thư…
Trăn trở trước vấn đề này, với công trình nghiên cứu xúc tác ba thành phần để xử lý khí thải động cơ xăng, GS.TS. Lê Minh Thắng và nhóm nghiên cứu đã chế tạo được bộ xúc tác khi lắp đặt vào xe máy đã đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về khí thải xe máy, thậm chí có khả năng xử lý tốt ở nhiệt độ thấp hơn hẳn so với xúc tác kim loại quý.
Nhóm nghiên cứu cũng công bố một bằng độc quyền sáng chế “Bộ xúc tác hỗn hợp oxit kim loại trên nền gốm coordierit để xử lý khí thải của động cơ đốt trong và phương pháp chế tạo bộ xúc tác này”. Hiện nay bộ xúc tác này đã được hoàn thiện và đang tìm kiếm các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, nghiên cứu bộ xúc tác xử lý khí thải (xúc tác xử lý hợp chất thơm dễ bay hơi) cũng được ứng dụng tại nhiều nhà máy ở Việt Nam để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường…
Khoa học không giới hạn phụ nữ
GS.TS. Lê Minh Thắng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học: bố chị là cựu sinh viên Trường ĐHBKHN, mẹ là cựu du học sinh Trường Đại học Bách Khoa Budapest (Hunggary); ông ngoại là Giáo sư nông học; bà ngoại là Giáo sư, Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Năm 1997, chị tốt nghiệp ngành Hữu cơ - Hoá dầu (Trường ĐHBKHN) với điểm tổng kết đứng đầu khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp năm ấy. Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Vương quốc Bỉ, chị quyết định trở về nước cống hiến và tiếp tục công việc giảng viên tại Trường ĐHBKHN và nghiên cứu Tiến sỹ tại Đại học Ghent (Bỉ) từ năm 2000 – 2005. Về nước, chị tiếp tục nghiên cứu về xúc tác hóa dầu với nhiều dự án nghiên cứu và được công nhận đạt chức danh Phó Giáo sư năm 2009, chức danh Giáo sư năm 2019.
Theo đuổi các nghiên cứu trong ngành Hóa dầu, GS.TS. Lê Minh Thắng không chỉ miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm mà còn đi thực nghiệm rất nhiều. Trả lời phỏng vấn truyền thông, GS.TS. Lê Minh Thắng từng cho biết, “khi thực hiện những đề tài liên quan đến môi trường, tôi phải đến các công ty, nhà máy để tiếp cận với các nguồn ô nhiễm. Từ đó có cái nhìn thực tế, xác định được hướng đi đúng cho nghiên cứu của mình. Có những nhà máy trong quá trình sản xuất xả ra khí thải độc hại, nước bẩn và bốc mùi nhưng tôi không ngại mà chỉ mong sớm tìm ra giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Đối với GS.TS. Lê Minh Thắng, chị luôn tâm niệm khi có đủ yêu thích và đam mê thì sẽ không có giới hạn nào cho phụ nữ làm nghiên cứu khoa học. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, chị cảm thấy may mắn vì luôn nhận được những lời động viên, khích lệ từ gia đình cùng sự hỗ trợ của bạn bè, đồng nghiệp. Và hơn hết, thành công ấy xuất phát từ sự nghiêm túc của chị trong công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, không ngại vất vả, không sợ thất bại.
Khi một số sinh viên nữ lo ngại nhà tuyển dụng trong ngành kỹ thuật sẽ không đánh giá cao năng lực của nữ giới, GS.TS. Lê Minh Thắng đưa ra lời khuyên, trong các ngành kỹ thuật, nữ giới hoàn toàn có thể có năng lực chuyên môn tương đương hoặc thậm chí tốt hơn nam giới. Vì vậy, trước khi tham gia tuyển dụng, các bạn nữ sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng vị trí công việc mà mình mong muốn ứng tuyển, đánh giá một cách khách quan năng lực, sức khỏe, sở thích và sự phù hợp của mình với vị trí công việc đó. Nếu sau khi có đánh giá khách quan, các bạn vẫn thấy mình yêu thích và phù hợp với công việc đó thì các bạn cần chuẩn bị các ý kiến để thuyết phục nhà tuyển dụng, phân tích cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn hiểu biết rõ ràng về vị trí công việc đó và nhận thức khách quan về năng lực của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc đó. Nữ giới luôn cần làm cho thế giới hiểu rằng khi đã yêu thích và cân nhắc kỹ lưỡng, khách quan một công việc căn cứ vào đặc điểm và năng lực của mình thì nữ giới hoàn toàn có thể làm được tất cả những việc mà nam giới có thể làm được”.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của Trường ĐHBKHN, nhiệm kỳ 2015-2020, GS.TS. Lê Minh Thắng đã có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Hội đồng Trường và xây dựng mô hình Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học 2018…
Dự kiến trong ngày 7/3, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 cho 1 tập thể khoa học nữ là Bộ môn Hoá dược, Khoa Công nghệ Hoá dược, Trường Đại học Dược Hà Nội.
Trong khoảng 5 năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của bộ môn tập trung vào hai lĩnh vực cơ bản: nghiên cứu tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc và nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc. Tính tới thời điểm báo cáo của nhóm nghiên cứu, đã có hơn 450 hợp chất hoàn toàn mới được tổng hợp và chưa từng được công bố trong bất kỳ tài liệu nào trên thế giới (số liệu tra cứu dựa trên phần mềm SciFinder, PubChem, …). Các hợp chất này đều được khẳng định cấu trúc và đưa vào thử hoạt tính sinh học.
Toàn bộ hơn 450 dẫn chất trên đã đóng góp rất đáng ghi nhận vào Ngân hàng các hợp chất tiềm năng của ngành dược thế giới dùng trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới hướng điều trị ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ … Các dãy chất có tiềm năng nhất đã được đăng ký bảo hộ bản quyền với 17 bản quyền quốc tế (Hàn Quốc) và 01 bản quyền Việt Nam. Với kiến thức chuyên môn về hóa dược, các nhà khoa học nữ của bộ môn đã ứng dụng thành công trong việc tổng hợp một số tạp chuẩn, chất chuẩn được sử dụng trong kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm thuốc và thuốc thành phẩm. Bên cạnh đó, nhiều quy trình, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu và thuốc thành phẩm đã được xây dựng, chuyển giao cho các Viện, Trường, cơ sở sản xuất thuốc.