Gương sáng Pháp luật

Người phụ nữ mê tre và tâm huyết nối dài “bức tường xanh” trên những vùng đất khô cằn

(PLVN) -Người phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười đôn hậu và mái tóc bạc phơ, đó là TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh- linh hồn của Làng tre Phú An (Bình Dương)- khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vươn ra khỏi “lũy tre làng”, nhà khoa học này đang ấp ủ dự án “Con đường tre Việt Nam” để nối dài “Bức tường xanh” trên những vùng đất khô cằn …

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (người cầm nón) nhận giải thưởng xích đạo năm 2010 tại NewYork

Vào một ngày đầu tháng 6 không khí oi bức, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh đã bay ra Hà Nội để có cuộc thuyết minh dự án “Con đường tre Việt Nam” với lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Niềm vui, nhiệt huyết và cả kỳ vọng hiện lên trong ánh mắt người phụ nữ rất đặc biệt này…

Từ cơ duyên với tre..

Tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 1974, 20 năm sau, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Paris 12 (Pháp) và hiện là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh.

Nói về cơ duyên đến với tre, bà Hạnh nhớ lại, trong một lần về thăm quê ở Phú An (Bình Dương), bà đã bị mê đắm bởi những rặng tre xanh mát quanh làng. Đặc biệt hình ảnh những bụi tre được người dân trồng trên chính các hố bom - di tích thời chiến tranh, đã khiến bà xúc động và nảy sinh ý tưởng “Biến tam giác sắt thành tam giác xanh”…

Từ đó, bà bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt và nghiên cứu ứng dụng để chế tạo những sản phẩm thân thiện môi trường từ tre, nâng cao giá trị cây tre Việt Nam trong vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do dự án ban đầu nhỏ nên việc xin tài trợ gặp rất nhiều khó khăn. TS Diệp Thị Mỹ Hạnh quyết định viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône- Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử. Chính quyền mới không muốn thực hiện dự án, nên cử ông Jean Philipe Bayon - Phó Chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định từ chối việc tài trợ. Thế nhưng khi đến Làng tre Phú An, được thuyết minh về mục tiêu của dự án bảo tồn tre, ông đã thay đổi ý định. Sau đó, TS Mỹ Hạnh được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị: Tỉnh Bình Dương, vùng Rhône- Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat – Cộng hòa Pháp và Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh

Bên cạnh tài trợ từ vùng Rhône Alpes, tỉnh Bình Dương cũng quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng Làng tre Phú An. Làng Tre Phú An được thành lập từ năm 1999, và sau khi hoàn thành Giai đoạn 1 của Chương trình Rhone Alpes, Đai học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với nhiệm vụ Nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và phát triển cộng đồng…

Một góc Làng tre Phú An

Một góc Làng tre Phú An

Năm 2010, Làng tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2016, Làng tre Phú An được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới. Cá nhân TS Diệp Thị Mỹ Hạnh được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, vì sự nghiệp giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học năm 2009…

… đến ý tưởng “con đường tre Việt Nam”

Song song với việc xây dựng Làng tre Phú An, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh và nhóm cộng sự đã đi sưu tầm tre ở khắp Việt Nam và đến nay đã sưu tầm hơn hơn 300 mẫu ( specimens), trong đó có 150 mẫu được trồng và Bảo tồn tại Làng Tre Phú An để định danh phân loại, số còn lại được trồng trên các điểm của con đường tre…

Giới thiệu bộ sưu tập tre tại Làng tre Phú An, bà Hạnh hào hứng chia sẻ: “Hễ nghe ở đâu có giống tre mà làng Phú An chưa có là tôi tìm đến ngay…”. Mỗi loại tre ở Làng tre Phú An đều gắn với kỷ niệm những chuyến đi. Đó là những chuyến đi trèo đèo lội suối để tìm tre vuông ở miền núi phía Bắc, tre dây ở Thanh Hóa, tre gai ở đỉnh Fansipan, tre leo ở rừng Bạch Mã…“Có lẽ chỉ có niềm đam mê mới giúp tôi làm được điều đó. . “- Bà tâm sự.

Người phụ nữ mê tre và tâm huyết nối dài “bức tường xanh” trên những vùng đất khô cằn ảnh 3Một góc Làng tre Phú An

Không chỉ sưu tập và bảo tồn bộ sưu tập gen tre hiện có tại Làng tre Phú An, TS Diệp Thị Mỹ Hạnh và nhóm cộng sự đã phát triển ra nhiều điểm bảo tồn khác trên những vùng sinh thái khác như ngập nước theo mùa hay khô hạn.

Từ năm 2016 đến nay, TS Hạnh và nhóm cộng sự đã thực hiện thành công bảo tồn chuyển vị ( ex-situ) tại Phú An, Gáo Giồng (Đồng Tháp), Đắk Nông, và bảo tồn tại vị (in-situ) tại Chiềng Ban, Chiềng Kheo (Sơn La) với cộng đồng dân tộc Thái.

“Người dân tộc miền núi, kiến thức bản địa của họ về thực vật nói chung, hay cây tre nói riêng là một kho báu quý, cần được bảo tồn và phát triển bền vững. Sự kết nối được với người dân tộc Thái, đã giúp tìm được nhiều giống tre mới trong Bản làng của họ, và ngược lại, cũng giúp họ bảo tồn tại chỗ những giống họ sẵn có nhưng có rủi ro bị tuyệt chủng. Mô hình bảo tồn tại chỗ in- situ trong cộng đồng là mô hình mới để bảo tồn đa dạng sinh học và giúp cộng đồng địa phương phát triển bền vững…”- Bà Hạnh chia sẻ.

Đặc biệt, tại Phan Rang, vùng đất khô hạn nhất của cả nước với lượng mưa rất thấp (khoảng 700- 800mm/năm), cùng với tác động của sự phá rừng, biến đổi khí hậu, vùng này có nguy cơ bị sa mạc hoá rất mạnh. Từ điều kiện khó khăn đó, nhóm đã thử nghiệm thành công “bức tường xanh”, chắn gió và làm giảm bớt sự xói mòn đất nhờ hệ thống rễ tre rất mạnh và biện pháp canh tác hữu cơ che phủ và tưới tiết kiệm nước.

Từ những thành công đó, TS Hạnh và nhóm cộng sự đã mạnh dạn đề xuất phát triển thêm nhiều con đường tre Việt Nam giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo TS Diệp Thị Mỹ Hạnh, con đường tre không những giúp tạo cảnh quan, thu hút du lịch sinh thái độc đáo cho Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người dân., mà sẽ tạo những điểm nhấn- vừa bảo tồn tre, vừa là mô hình thích ứng của tre trên nhiều hệ sinh thái, vừa là bức tranh sống diễn tả các nét đẹp độc đáo và đa dạng của các loài tre Việt Nam…

Từ thực tế xây dựng được “bức tường xanh”- mô hình trồng tre tiết kiệm nước cho vùng khô hạn, gia tăng nguồn hữu cơ cho đất, cho thấy kết quả khả quan là cây tre phát triển tốt, giảm xói mòn, suy thoái đất, ngăn chặn sự sa mạc hoá, TS Diệp thị Mỹ Hạnh đã đề xuất được nối dài «bức tường xanh» trên vùng khô hạn.

“Nhóm đã nghiên cứu “bức tường xanh”, rất lý thú và cần thiết. Không những đóng góp cái mới cho khoa học là hiểu thêm về sinh thái đất khô hạn dưới tác động của cây tre, mà còn góp phần giải quyết bài toán phát triển bền vững cho cộng đồng, ngăn chặn sự sa mạc hoá trên đất khô hạn, không những tại Phan Rang, mà còn cho các vùng khô hạn tương cận của Việt Nam và có thể ứng dụng ra thế giới để góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu…”-TS Hạnh hào hứng.

Và những sản phẩm tre “Made in Vietnam”

Trình bày ý tưởng với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, bà Hạnh nhấn mạnh, “Con đường tre Việt Nam” vừa hữu hình, vừa vô hình. Yếu tố vô hình chính là những giá trị văn hóa kết tinh, là bản sắc văn hóa Việt Nam từ hình ảnh cây tre...

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (người đứng) trình bày dự án trước lãnh đạo Bộ NN&PTNT

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (người đứng) trình bày dự án trước lãnh đạo Bộ NN&PTNT

Cùng tham gia thuyết trình về dự án “Con đường tre Việt Nam” còn có một doanh nghiệp - Công ty Ecobamboo. Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty Ecobamboo chia sẻ, bà đã bị sức hút của dự án “Con đường tre Việt Nam” của TS Hạnh khi tham gia Hội thảo Tre Quốc tế tổ chức tại Làng tre Phú An hồi tháng 9/2022. Từ đó, một người làm khoa học và một người làm doanh nghiệp đã gắn kết để hoàn thiện dự án.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam triệu tập để nghe thuyết trình dự án “Con đường tre Việt Nam”

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam triệu tập để nghe thuyết trình dự án “Con đường tre Việt Nam”

Là doanh nghiệp với nhiều sản phẩm gia dụng, thủ công mỹ nghệ được làm từ tre xuất khẩu đi nhiều nước, bà Hồng chia sẻ, doanh nghiệp rất cần nguồn nguyên liệu đa dạng, chất lượng và bền vững. “Nếu dự án Con đường tre Việt Nam được triển khai, doanh nghiệp như chúng tôi không những chủ động được nguồn nguyên liệu có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc mà ẩn chứa trong mỗi sản phẩm Made in Vietnam là giá trị văn hoá Việt, là câu chuyện về “Con đường tre Việt Nam”…”- Giám đốc Ecobamboo chia sẻ.

Tham vọng của người phụ nữ yêu tre không dừng lại ở các sản phẩm Made in Vietnam. TS Hạnh hào hứng chia sẻ việc tiếp cận được với một Tập đoàn lớn ở nước ngoài và họ rất quan tâm đến việc mua chứng chỉ Cacbon từ dự án “Con đường tre Việt Nam” nhưng phải ở cấp Chính phủ…

Sau khi nghe TS Diệp Thị Mỹ Hạnh trình bày về dự án “Con đường tre Việt Nam” tại một Hội thảo tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) cách đây mấy năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ, ông cũng rất mê dự án này và đã “đặt hàng” TS Hạnh hoàn thiện dự án.

Thêm một chữ ký ủng hộ dự án từ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Thêm một chữ ký ủng hộ dự án từ Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam

Bộ sưu tập chữ ký cho Dự án ”Con đường tre Việt Nam”

Bộ sưu tập chữ ký cho Dự án ”Con đường tre Việt Nam”

“Dự án cần phải tiếp tục hoàn thiện. Không phải địa phương nào cũng làm con đường tre mà phải có bộ tiêu chí xác định vùng nào phù hợp và cho giá trị kinh tế cao. Con đường tre không chỉ là con đường tre, mà còn có cả yếu tố văn hóa ở đó…”- Thứ trưởng Nam nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan chuyên môn cùng TS Hạnh tiếp tục hoàn thiện dự án và bảo vệ trước Hội đồng khoa học của Bộ trong tháng 7 này.

Niềm vui lấp lánh trong khóe mắt người phụ nữ yêu tre…

Đọc thêm