Người phụ nữ phải nhập viện cấp cứu vì uống rượu mật ong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay sau khi uống rượu mật ong, chị L. đau quặn bụng, đỏ ửng khắp người, lạnh run, gia đình vội đưa đến một bệnh viện tại TP HCM để cấp cứu.
Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi nguy kịch. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, thoát khỏi nguy kịch. Ảnh: BVCC

Chiều tối 24/5, chị V. T. H. L. (40 tuổi, TP.HCM) ăn tô bánh canh rồi uống một ly rượu mật ong vừa được người quen tặng. 1 giờ sau, chị đau quặn bụng, cả người đỏ ửng, vã mồ hôi khắp người, lạnh run dữ dội. Thấy bệnh càng lúc càng nặng, chị L. được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận người bệnh trong tình trạng cơ thể lạnh run, huyết áp tăng cao đến 200/130mmHg (bình thường dưới 120/80mmHg).

Trong lúc khám, kiểm tra tim phổi, bác sĩ thấy tay bệnh nhân hơi ửng đỏ nên tiếp tục khai thác thông tin. Lúc này, bệnh nhân mới cho hay chỉ khoảng 30 phút trước nhập viện, khắp người đã bị đỏ ửng và ngứa.

Ngay lập tức, bác sĩ xác định chị L. bị sốc phản vệ độ 3 với thức ăn và chỉ định tiêm Adrenaline chống sốc, thở oxy, chặn đứng tình trạng huyết áp tụt “không phanh” (chỉ còn 80mmHg/50mmHg) bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Sau cấp cứu tạm ổn, người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục truyền Adrenaline theo phác đồ của Bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu), tri giác và thể tích nước tiểu…

Sau 24 giờ thoát khỏi nguy kịch, người bệnh được chuyển xuống khoa Nội Tổng hợp tiếp tục kiểm tra, đánh giá sức khỏe.

Bác sĩ Đinh Tuấn Vinh, khoa ICU cho biết: “Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh sẽ suy tuần hoàn, suy hô hấp, tử vong. Trường hợp của chị L. may mắn nhờ người nhà đưa đến bệnh viện sớm và được bác sĩ cấp cứu xác định đúng bệnh kịp thời mà thoát khỏi nguy kịch. Sau 2 ngày theo dõi, điều trị tích cực, bệnh nhân khỏe, không để lại biến chứng nào”.

Hơn 70% biểu hiện sốc phản vệ thể hiện qua da

Theo bác sĩ Phan Tuấn Trọng, khi tiếp xúc một chất lạ, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể đặc hiệu chống lại chất lạ này. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cơ thể phản ứng quá mức, khiến hệ miễn dịch khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng sốc phản vệ.

Cơ thể có thể phản ứng phản vệ với bất kỳ tác nhân nào, được chia thành 5 loại tác nhân chính: Thuốc (kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê…), thực phẩm (trứng, hải sản, thịt bò…), nọc động vật (nọc ong, nọc côn trùng,…), protein (kháng độc tố uốn ván, truyền máu…), latex (cơ thể phản ứng quá mức với một số loại protein trong mủ cao su tự nhiên trong găng tay, bao cao su, thiết bị y tế,…).

Nhìn chung, hơn 70% trường hợp sốc phản vệ xuất hiện triệu chứng qua da. Vì sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nên khi phát hiện cần đưa người bệnh đi cấp cứu sốc phản vệ ngay. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, người bệnh nhanh chóng tử vong; hoặc rơi vào tụt huyết áp liên tục, gây lúng túng trong chẩn đoán khiến việc điều trị không đúng theo phác đồ sốc phản vệ dẫn đến diễn tiến nặng.

Sốc phản vệ do thức ăn hay thuốc uống thường khởi phát sau 1 giờ. Trong khi đó sốc phản vệ do tiêm thuốc chỉ trong vài phút, thậm chí vài giây, người bệnh đã ngưng tim. Dù bị sốc phản vệ theo đường ăn, đường uống hay tiêm thì kể từ khi bắt đầu khởi phát triệu chứng, huyết áp đều tụt rất nhanh, bác sĩ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy người bệnh.

Bác sĩ Phan Tuấn Trọng cho biết có 4 mức độ sốc phản vệ:

Mức độ 1: Người bệnh chỉ có triệu chứng ở da như nổi mề đay, ngứa, đỏ ửng… Nhưng khoảng 20% trường hợp sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc và một số khác lại có dấu hiệu tụt huyết áp.

Mức độ 2: Người bệnh bị phù mạch, khó thở hoặc thở nhanh nông, tức ngực, đau bụng, ỉa chảy, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.

Mức độ 3: Người bệnh rơi vào nguy kịch với tình trạng thở nhanh, tím tái, rối loạn nhịp thở, co giật, mạch nhanh nhỏ và tụt huyết áp.

Mức độ 4: Ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp hoặc những biến chứng muộn như viêm cầu thận, viêm cơ tim dị ứng, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Trọng khuyến cáo người dân ngay khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường nên đi đến các bệnh viện để được xử trí cấp cứu kịp thời, tránh để tính mạng rơi vào nguy kịch gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

“Nhiều trường hợp sau khi ăn uống bị đau bụng, nôn ói, nổi mề đay,… nhưng cứ nghĩ dị ứng, rối loạn tiêu hóa hay trúng gió nên tự mua thuốc uống, cạo gió tại nhà dẫn đến nguy kịch. Lúc này người bệnh đã rơi vào sốc phản vệ độ 3 – 4 cùng các biến chứng viêm cầu thận, viêm cơ tim, suy đa cơ quan,… khiến việc cứu lấy mạng sống và điều trị vô cùng khó khăn” – bác sĩ Phan Tuấn Trọng cảnh báo.