Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình và xã hội với tỷ lệ 50,2% dân số cả nước, 47,4% lực lượng lao động xã hội và 46% đội ngũ nghiên cứu và phát triển, hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam…
Hình mẫu cho các thế hệ nghiên cứu trẻ
Tháng 6/2022, tin vui từ Paris, Pháp khi PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân, nhà khoa học nữ trẻ được trao tặng giải thưởng L’Oreal - UNESCO Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới (International Rising Talent).
Với công trình nghiên cứu “Chất xúc tác có cấu trúc nano mới để sản xuất pin nhiên liệu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và sản xuất năng lượng H2 xanh”, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới bầu chọn là 1 trong 15 gương mặt nữ khoa học trẻ tài năng thế giới 2022. Dự án nhằm tiếp cận những vấn đề về năng lượng và môi trường, thiết lập vòng tuần hoàn sạch, trong đó tập trung vào năng lượng hydro và nhiên liệu sạch ứng dụng trong đời sống hằng ngày, tạo ra một dạng năng lượng xanh, sạch, bền bỉ, có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Chia sẻ với phóng viên khi được nhận giải thưởng, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cho biết, đối với chị, giải thưởng này là một vinh dự lớn lao, là niềm tự hào không chỉ với cá nhân chị mà với cả đội ngũ nữ trí thức trẻ làm nghiên cứu khoa học và với đất nước Việt Nam. Chị mong rằng sẽ có nhiều bạn nữ theo đuổi sự nghiệp khoa học mà theo chị có nhiều chông gai, nhưng nếu đam mê và có một chút hy sinh bản thân mình thì các nhà khoa học nữ sẽ có thể vượt qua được những trở ngại để thành công, từ đó đóng góp nhiều cho cộng đồng, cho nền khoa học của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ngày 25/11, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chương trình Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (For Women in Science) bên cạnh vinh danh PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cũng đã trao Giải thưởng nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 cho 3 nhà khoa học nữ Việt Nam đã có các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng.
Đó là PGS. TS. Lê Minh Hà - Trưởng phòng Hóa dược, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nghiên cứu của PGS.TS. Lê Minh Hà hướng đến việc bổ sung các bằng chứng khoa học hiện đại góp phần bảo tồn, lưu giữ các bài thuốc cổ của người dân tộc Dao đỏ; giúp người dân bản địa biết lưu giữ, phát triển nhân rộng các cây thuốc quý, phục vụ cho sức khỏe cộng đồng và góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi – Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Đại học Nông Lâm Huế. Đề án của PGS.TS. Phan Thị Phương Nhi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá đa dạng di truyền các loài chè, định danh cấp độ các loài để có thể đảm bảo chất lượng của các loại chè, từ đó có thể bảo tồn các nguồn vật liệu quý và đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của Cố đô Huế.
TS. Hà Thị Thanh Hương – Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đề án của TS. Thanh Hương tập trung vào việc sử dụng những dấu ấn sinh học có trong huyết tương đầy triển vọng được dùng cho chẩn đoán Alzheimer. Nhóm nghiên cứu của TS. Hương cũng đã kết nối với các bệnh viện hàng đầu về sa sút trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện 30-4, cũng như các nhóm nghiên cứu chẩn đoán phân tử từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, tạo điều kiện hợp tác trong tương lai cùng triển khai hướng nghiên cứu rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn tại Việt Nam.
PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân (giữa) - người “dẫn đường” cho các nhà khoa học trẻ phát triển năng lượng tái tạo. |
Nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Cần biết rằng từ năm 2009, Chương trình L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã được giới thiệu đến Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ khuyến khích việc sử dụng trí tuệ, sự sáng tạo và đam mê của “một nửa thế giới” là những nhà khoa học nữ tại Việt Nam. Trong suốt 13 năm qua, chương trình Giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới này đã vinh danh 35 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước vì những nghiên cứu được đánh giá là có ý nghĩa khoa học quan trọng, góp phần cải thiện và thay đổi cuộc sống của cộng đồng và giúp họ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.
Và Việt Nam cũng là quốc gia hiếm hoi được vinh danh 3 lần cho giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022 tại Paris qua những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ trẻ Việt Nam. Trong năm 2020, 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh qua giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học các năm trước cũng được chọn lựa vào các vị trí hàng đầu trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á.
Câu chuyện cống hiến cho khoa học của những người phụ nữ này đã gợi đến một nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Đó là “có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”. Đây cũng chính là vấn đề được đề cập tới trong Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam không nằm ngoài định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Đảng. Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...” .
“Với các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bước đầu được định hình là “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, vẫn rất cần xác định cụ thể nội dung trong từng giai đoạn, phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ ngày nay, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” – bà Minh Hương nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến có giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn đã góp phần làm rõ các vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt trong đời sống và xã hội. Qua đó, có thêm căn cứ để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới theo ba nhóm chủ đề: Những chiều cạnh quan trọng, cốt lõi phản ánh được đặc điểm người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Thực trạng và thách thức trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế và trong nước; Đề xuất, gợi ý các chính sách, giải pháp, sáng kiến về xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới phù hợp với việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Có thể nói, để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò rất quan trọng của phụ nữ. Việc làm phong phú thêm nội hàm của các tiêu chí về phẩm chất người phụ nữ Việt Nam đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, đồng thời khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ của tất cả các lực lượng phụ nữ để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Vị thế của phụ nữ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ rõ rệt đã đạt được về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Theo Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020, chỉ số phát triển con người năm 2019 của Việt Nam là 0,704, xếp vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ sinh viên đại học ở Việt Nam trội hơn so với nam sinh viên. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam đạt được khá cao so với các nước trong khu vực, khoảng cách bất bình đẳng giới được thu hẹp đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này cho thấy tác động của các chính sách bảo đảm bình đẳng, công bằng đối với tiếp cận giáo dục. Lao động nữ ngày càng khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam.