Tâm thần thực sự hay “giả điên”?
Khoảng 21h ngày 4/4/2021, nữ lao công SN 1978 ở quận Bắc Từ Liêm, là nhân viên Cty CP Môi trường & Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) thì bất ngờ bị một nam thanh niên dùng gạch đập nhiều lần vào đầu, tử vong tại chỗ.
Chưa đầy một giờ sau, công an đã bắt giữ được hung thủ đang lẩn trốn trong khu Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Đó là Lê Như Toàn, có tiền sử bệnh tâm thần, giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn. Toàn khai khi đó đang đi bộ trên vỉa hè thì “nảy sinh ý định giết người” nên gây án.
Trước đó, ngày 31/3/2021, Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, HKTT Thanh Trì) bị bắt giữ về hành vi buôn bán trái phép chất ma túy khi Quý đang là… bệnh nhân điều trị tại BV Tâm thần TW1.
Theo hồ sơ, ngày 10/6/2018, Quý bị bắt về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy và bị tạm giam. Ngày 30/10/2018, Viện Pháp y tâm thần TW có Kết luận giám định pháp y tâm thần số 359/KLGĐ với Quý theo Quyết định trưng cầu giám định ngày 24/7/2018 của Công an Thanh Trì.
Ngày 7/11/2018, VKSND Thanh Trì ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Quý. Ngày 8/11/2018, Quý nhập viện Tâm thần, nhưng nhiều lần tự ý rời khỏi BV. Đầu năm 2021, Quý từng bị công an bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng do có bệnh án tâm thần nên được trả về BV, sau đó tiếp tục cầm đầu đường dây ma túy cực lớn.
Theo các chuyên gia tội phạm học, tội phạm thường dùng hồ sơ tâm thần để làm “kim bài” thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất, có những vụ việc dẫn tới chết người nhưng vẫn không bị xử lý hình sự. Do đó, việc giám định pháp y tâm thần cực kỳ quan trọng, phải được thực hiện cẩn trọng, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm.
Trả lời báo chí, Thượng tá Nguyễn Quang Hiền, Phó phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) cho biết, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm ma túy thường “dựng” hồ sơ bệnh án tâm thần để không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hiện tội phạm do sử dụng các loại ma túy tổng hợp có thể xuất hiện ảo giác, loạn thần, có biểu hiện giống tâm thần. Trong khi việc giám định hiện nay, nếu kết luận đối tượng bị tâm thần thì công an không xử lý được mà phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc.
“Tuy nhiên, lại không có quy định cụ thể về thời gian chữa bệnh bắt buộc. Nếu như có sự tiếp tay của các bác sỹ thì bệnh nhân sẽ có thời gian điều trị rất dài, ngoài điều trị nội trú thì bệnh nhân cũng có thể điều trị ngoại trú, càng khó kiểm soát”, Thượng tá Hiền nói.
Năm 2018, Công an Hà Nội từng phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số đó có tới 41 bộ hồ sơ bệnh án tâm thần của đối tượng hình sự cộm cán. Trong vụ án này, đã có hai cán bộ, nhân viên y tế của BV Tâm thần TW1 bị khởi tố và bắt giam.
Thời điểm đó, trước vấn nạn nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự và nhằm trục lợi từ chính sách khoan hồng của Nhà nước, Bộ Công an đã chỉ đạo cần xử lý nghiêm những người làm trong cơ quan y tế tiếp tay cho việc làm giả bệnh án tâm thần. Ðồng thời, công an sẽ phối hợp cơ quan y tế rà soát lại các quy định, quy trình giám định chuyên môn để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.
“Bài toán” vẫn còn khó giải
Dưới góc độ pháp lý, một LS thuộc Đoàn LS Hà Nội cho biết, Điều 21 BLHS quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trạng thái mắc bệnh tâm thần hay bị bệnh mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự .
Trong vụ buôn ma túy tại BV Tâm thần TW1, LS cho rằng đối tượng đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng lại có những thủ đoạn có rất tinh vi, có dấu hiệu của các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm thì CQĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án. Căn cứ khoản 1 Điều 206 BLHS, thì đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Tuy nhiên, không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. CQĐT cần phải làm rõ liệu đây có phải là đường dây mua bán ma túy lớn với thủ đoạn tinh vi và lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đối phó hay không? Không thể có một bệnh nhân tâm thần nào mà tổ chức mua bán, sử dụng ma túy tinh vi như thế được. Cơ quan chức năng cần xác định khi thực hiện hành vi phạm tội, Quý ở trong trại thái ra sao? Việc có chịu trách nhiệm hình sự hay không với Quý và các đồng phạm phụ thuộc rất nhiều vào kết luận giám định này.
Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quý và đồng phạm được xác định là vẫn bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không nhận thức được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu người mắc bệnh đang điều trị bệnh tâm thần nhưng khi thực hiện hành vi lại không phát bệnh, tức là làm chủ được hành vi của mình, kết luận giám định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường.
Bình luận thêm về vụ án xảy ra tại quận Cầu Giấy, LS cho rằng pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nhiều người bệnh không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến hệ lụy đau lòng.
Nghị định 64/2011/NĐ-CP quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là, khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Sau khi đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định sẽ được trở về gia đình (nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự), họ sẽ tạo nên sự bất an đối với cộng đồng, vì không có gì bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục phạm tội khi bệnh tình tái phát.
Từ những vụ việc gần đây cho thấy, cần phải có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp tâm thần. Đặc biệt, đối với người bị tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật phải quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra các vụ việc liên quan an ninh trật tự.
Với những trường hợp điều trị ngoại trú, gia đình phải hết sức sát sao, có sự giám sát chặt của chính quyền địa phương. Các cơ quan chức năng phải thực hiện các nghiệp vụ điều tra một cách kỹ lưỡng, thận trọng tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm…