Từ xa xưa đã có những câu tục ngữ, ca dao xưa mang ý nghĩa răn dạy con người về vai trò của người thầy:
“Không thầy đố mày làm nên”
“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy"
“Trọng thầy mới được làm thầy”...
Trải qua bao thế hệ, truyền thống “tôn sư trọng đạo” được người dân gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Giống như đạo trung của dân với nước và đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ, đạo lý thầy - trò góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và cốt cách con người Việt Nam.
Trong xã hội xưa, người Thầy là biểu tượng thiêng liêng cho sự học, là “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức, nhân cách để học trò noi theo, để trở thành người có đức, có nhân, có tài đứng ra giúp nước.
Vì vậy, học trò phải có “đạo” với thầy, biết nghe lời thầy, chăm chỉ học tập và biết ứng xử cho phải đạo. Nếu phạm lỗi phải biết kính cẩn xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm.
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường THPT Phong Châu, Phú Thọ |
Từ thời Hùng Vương dựng nước, các vua Hùng đã chú trọng đến việc dạy chữ, trọng thầy. Trong cuốn “Ngọc phả đình thôn Hương Lan” (xã Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ) có chuyện kể rằng: Vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng Duệ Vương đã mời hai vợ chồng thầy cô Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục (quê Bắc Ninh) vào cung dạy học trực tiếp cho hai Công chúa mà nhà vua rất mực yêu quý là Công chúa Tiên Dung và Công chúa Ngọc Hoa. Khi thầy cô tạ thế, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức của hai thầy cô nên đã an táng ngay tại địa điểm Thầy Cô mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho Thầy Cô. Từ đó, trải từ đời này sang đời khác, muôn dân đất Việt noi theo mà kính trọng người thầy, coi trọng sự học và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được gìn giữ như một nét đẹp của dân tộc.
Các nhà giáo về hưu trở về trường cùng ôn lại những kỷ niệm của năm tháng xưa |
Người thầy luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Bởi người thầy là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, đưa thế hệ tương lai tiến xa hơn đến bến bờ tri thức.
Trong thời đại ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò đã trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Những đạo lý nghiêm ngặt về thầy-trò trong xã hội xưa đã được cải biến, không còn nặng nề về lễ nghĩa. Tuy nhiên, đạo lý “tôn sư trọng đạo” thì vẫn luôn được khắc ghi, gìn giữ.
Giáo viên không chỉ nỗ lực xây dựng một nét chuẩn mực về đạo đức, nhân cách mà còn là người truyền lửa ham học cho học trò, vun đắp những ước mơ, hoài bão cho thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, ngày nay, thầy cô không ngừng học hỏi, phát triển về kiến thức, trí tuệ. Bởi các thế hệ sau luôn được tiếp cận nhanh và sâu hơn với nền văn minh, tri thức.
Việc trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ cũng luôn được các trường học chú trọng trong việc xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng. Thầy cô được tạo thêm điều kiện có thể bắt kịp với thời đại, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần giữ gìn hình ảnh người thầy đối với học trò thực sự chuẩn mực, cao quý.