Người tị nạn Afghanistan và cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp tới gần

(PLO) - Liên minh Châu Âu (EU), cơ quan Liên Hợp quốc (LHQ) và chính phủ các nước trong khu vực đang buộc hàng trăm ngàn người tị nạn Afghanistan ở châu Âu, Pakistan và Iran phải hồi hương về Afghanistan. 
Người tị nạn Afghanistan đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Người tị nạn Afghanistan đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo

Cuộc khủng hoảng nhân đạo sắp tới gần

Theo hãng tin BBC, một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có đang xảy ra với những người tị nạn Afghanistan, trong đó chủ yếu là những người dân nghèo khổ, bần cùng- bị buộc phải trở lại quê hương, nơi mà chiến tranh đang diễn ra và vốn đã bị phe Taliban tấn công và chiếm đóng nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Việc gây áp lực lên Afghanistan là một phần chiến lược viện trợ có điều kiện của EU cho các nước nghèo, trong kế hoạch gồm các nước Nigeria, Ethiopia, Nigeria, Lebanon và Libya… Điển hình, EU đã thỏa thuận viện trợ cho phía Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro với điều kiện nước này tiếp nhận những người di cư và cải thiện an ninh biên giới. EU cũng đang xem xét đề nghị các thỏa thuận tương tự với Eritrea và Sudan. Đây được xem là một thách thức với Afghanistan khi chính phủ nước này đang vật lộn với khủng hoảng nội bộ, an ninh ngày càng xấu đi và những thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế. 

Không chỉ thế, mùa đông khắc nghiệt tại đất nước Afghanistan đang đến gần, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm cũng bị hạn chế. Chính phủ ở Kabul không có đủ nguồn lực để giúp đỡ cũng như bảo vệ những người tị nạn tái định cư vì họ còn phải lo những khoản chi dành cho quân đội và tập trung vào cuộc chiến với phe Taliban, để bảo vệ các thành phố lớn của đất nước. Chính vì thế mà việc phải hồi hương trở về Afghanistan lại càng thêm gian nan. 

Tại một cuộc họp ở Brussels hồi tuần trước, 70 nhà tài trợ quốc tế, bao gồm cả EU cam kết sẽ hỗ trợ 15.2 tỷ USD cho ngân sách phát triển của Afghanistan đến năm 2020. Ngoài ra, sẽ chu cấp riêng những khoản kinh phí cho quân đội Afghanistan là 5 tỷ USD/ năm. Tuy nhiên, để được nhận những hậu đãi trên, chính phủ Afghanistan phải đồng ý với thỏa thuận rằng sẽ tiếp nhận sự hồi hương của hơn 200.000 người tị nạn Afghanistan, những người đã tràn vào châu Âu hồi năm ngoái- một phần trong số một triệu di dân đến châu Âu mà người Syria chiếm đa số. 

Còn về phía UNHCR, tổ chức này cung cấp 400 đôla  cho mỗi người tị nạn đã đăng ký như một khoản trợ giúp, cùng những sự hỗ trợ về y tế và về nhiều lĩnh vực khác trong đó có giáo dục ý thức về mìn bẫy cho những người chuẩn bị hồi hương về xứ sở đầy rẫy những mìn bẫy chưa nổ.

Khá thiệt thòi cho người tị nạn Afghanistan, bởi EU có thể chấp nhận những người tị nạn Syria vì coi Syria là vùng chiến sự, còn đối với Afghanistan, mặc dù là khu vực bị chiến tranh tàn phá nhưng lại không được Mỹ coi là khu vực có chiến sự. Định nghĩa của EU đã thay đổi, trước đây Kabul là nơi trú ẩn an toàn và giờ đây nó không còn đúng vì khoảng nửa chục tỉnh lỵ đã bị quân Taliban bao vây và chiếm đóng.

Thời gian tới đây, EU sẽ  xây dựng một nhà ga mới tại sân bay Kabul để tiếp nhận những người tị nạn hồi hương. Các giới chức LHQ, những người hồi hương Afghanistan này sẽ phải mất một thời gian để thích nghi cuộc sống. Một số người có thể có bà con để đến nương tựa, nhưng một số người khác thì không có được cơ hội đó.

Trước tình cảnh trên, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, hành động của EU đồng nghĩa với việc đang đưa người tị nạn trở lại với nguy hiểm và cảnh cùng cực. Theo ông Timor Sharan, nhà phân tích cao cấp của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết, việc EU gây áp lực cho chính phủ Afghanistan là không hợp lý bởi nước này không có khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn cùng một lúc như vậy. 

Pakistan lên kế hoạch hồi hương người tị nạn

Tương tự như vậy, Pakistan cũng đang có kế hoạch hồi hương 1,6 triệu người đã đăng ký và một triệu người tị nạn Afghanistan khác không đăng ký - nhiều người trong số họ đã sống ở Pakistan kể từ cuộc xâm chiếm Afghanistan năm 1979 của Liên Xô. Dự kiến, trong năm nay sẽ có khoảng 200.000 người Afghanistan lên đường về nhà, chỉ riêng trong tháng 9/2016 là 98.000 người, theo Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR). 

Islamabad ấn định thời hạn tháng 3/2017 là hạn chót tất cả những người tị nạn sẽ phải rời đi. Quân đội Pakistan quy trách nhiệm cho những người tị nạn Afghanistan về việc tham gia hành động khủng bố ở Pakistan dù hầu hết nghi phạm bị bắt giữ và đưa ra trước báo giới là công dân Pakistan. Không chỉ vậy, cảnh sát Pakistan truy lùng người Afghanistan và buộc họ rời khỏi nước này ngay mà không hề báo trước. 

Nửa muốn nửa không

Trước đây, Pakistan đã là một nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm ngàn người tị nạn Afghanistan kể từ năm 1980, khi Afghanistan bị xâm lược của Liên Xô. Có khoảng 1,5 triệu người tị nạn Afghanistan đăng ký sống tại Pakistan, và một ước tính khoảng một triệu người nhập cư bất hợp pháp. 

Nhưng chiến tranh, đồng thời là những bất ổn chính trị về cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đã gây nên những lo ngại về an ninh và kinh tế khiến nhiều người  tị nạn Afghanistan hiện nay ngày càng không muốn trở về.

Bà Maya Ameratunga, một viên chức của Cao ủy tị nạn LHQ tại Pakistan cho biết: “Những người tị nạn sống tại đây trong một thời gian khá dài. Nhiều người còn sinh sống ở đây tới tận 30 năm, thậm chí nhiều người sinh ra tại Pakistan”. Bà Ameratunga nói Cao ủy tị nạn LHQ đã thành công trong việc điều hành chương trình hồi hương tự nguyện những người tị nạn Afghanistan kể từ năm 2002, nhưng số người còn lại hiện ngày càng không muốn trở về. 

Bà nói thêm: “Cho đến nay có khoảng 3,8 triệu người Afghanistan ở Pakistan đã hồi hương. Tuy nhiên, tôi có thể hiểu là họ muốn đợi cho đến sau cuộc bầu cử kết thúc, khi binh sĩ quốc tế rút khỏi Afghanistan, đồng thời họ muốn thấy hòa bình và ổn định tại Afghanistan trước khi quyết định trở về”.

Ông Shah Jamroze Khan, một người tị nạn sinh sống lâu năm tại Pakistan cho biết, ông đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực và phát triển kể từ khi gia đình ông trở thành những người tị nạn tại Pakistan. Tuy nhiên ông than phiền là chính phủ Kabul hầu như không để ý đến việc định cư những người Afghanistan và ông không quá lạc quan về chính quyền mới. Ông Khan nói: “Những gì chính quyền mới làm chỉ được biết đến nếu họ chứng tỏ trên thực tế là có lợi cho người Afghanistan trở về nước. Nếu người tị nạn Afghanistan cuối cùng lại phải đối đầu với những khó khăn như họ phải chịu tại Pakistan thì họ sẽ không thích trở về lại Afghanistan”.

Tuy nhiên, bên cạnh những người bị ép hồi hương, cũng có rất nhiều người thực sự muốn trở về quê hương của mình. Hồi đầu tháng 10, hàng hàng lớp lớp người tị nạn Afghanistan đang xếp hàng chờ đợi tại một trung tâm tiếp nhận của LHQ trong vùng ngoại vi thành phố Kabul. Họ đang chời được hồi hương sau một thời gian sống lưu vong tại Pakistan hàng chục năm. Dù trốn chạy qua Pakistan để lánh nạn chiến tranh ở quê nhà, nhưng cuộc sống của những người Afghanistan tại Pakistan cũng khốn đốn và cơ cực không kém, nào là bị bạo lực, bắt bớ, giam cầm, hãm hiếp, quấy rối... Chính những lý do này cũng khiến nhiều người muốn hồi hương. Được biết, chỉ trong vòng 3 tháng, số lượng người tị nạn Afghanistan đăng ký rời khỏi Pakistan đã tăng mạnh,  từ 1.250 người trong tháng 6, lên đến 67.057 người trong tháng 8, dự kiến con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng. 

Iran cũng thuyết phục người Afghanistan về nước

Iran đang là quốc gia đang chứa một triệu người tị nạn cũng đang lên kế hoạch thuyết phục một số người Afghanistan về nước. Hiện nay, những người Afghanistan ở Iran đang bị dùng làm bia đỡ đạn trong các cuộc chiến ở Trung Đông. Những người tị nạn luôn nuôi hy vọng và dễ bị khuất phục, vì trong lúc thiếu nguồn tài nguyên và việc làm nên Iran đã hứa hẹn cấp quốc tịch cho họ.

Cuộc sống càng thêm bi kịch khi những người Afghanistan buộc phải rời bỏ quê hương vì bị quân Taliban tấn công. Gần đây nhất là hồi đầu tháng 10, quân Taliban tấn công vào thành phố Kunduz.  Khoảng 24.000 người ở Kunduz đã bỏ nhà đi lánh nạn, trong khi những người ở lại đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nước sinh hoạt, lương thực, điện, dịch vụ y tế...  

Hơn 4 thập kỷ chiến tranh và xung đột chưa được giải quyết ở Afghanistan, hàng triệu người đã phải di dời, với phần lớn là tới Pakistan và Iran sinh sống và sống trong hoàn cảnh bấp bênh. Ngoài số 2,7 triệu người tị nạn Afghanistan đã đăng ký bởi UNHCR, ngoài ra còn có khoảng 3 triệu người Afghanistan không có giấy tờ được ước tính đang sống bất hợp pháp ở các nước trong khu vực. Rất nhiều người tị nạn đang phải sống trong cảnh bần cùng, túng thiếu về mọi mặt. Trong vài tuần nữa, nếu phải trở về quê hương, nhiều người tị nạn còn phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt ở Afghanistan và những nhu yếu phẩm như lương thực, nước sạch, thiết bị y tế... cũng sẽ không được cung cấp đầy đủ. Có thể nói, một thảm họa nhân đạo sắp diễn ra đối với những người tị nạn Afghanistan  khốn khổ. 

Đáng buồn hơn nữa khi chính phủ, các cơ quan viện trợ hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác dường như không còn thiết tha tìm giải pháp công bằng hơn đối với vấn đề người tị nạn Afghanistan. Trong bối cảnh chiến tranh và nghèo đói như hiện nay, cũng không ai lên tiếng cho những người Afghanistan đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và bi kịch trước mắt.

Đọc thêm