Người tị nạn chết thảm vì bị mổ lấy nội tạng

(PLO) - Một thành viên của tổ chức buôn lậu đã tiết lộ với cảnh sát Ý rằng, những người di cư không có tiền trả phí vượt biên từ châu Phi tới châu Âu cho giới buôn lậu sẽ bị giết để lấy nội tạng.
Một chiếc thuyền chở người tị nạn lênh đênh trên biển

Hối lỗi và thú nhận

Theo tờ Independent, người đàn ông nói trên có tên là Nuredein Wehabrebi Atta, ông này đã bị phán quyết 5 năm tù giam vì tội hoạt động trái phép cho tổ chức buôn bán người di cư vượt biên bất hợp pháp. Ông đã rất sốc và cảm thấy hối lỗi khi chứng kiến cảnh rất nhiều người tị nạn phải chết thảm vì bị bọn buôn lậu mổ lấy nội tạng. 

Một cảnh sát Ý có tên Palermo cho biết, ông Nuredein Wehabrebi Atta bị bắt từ năm 2014 và đã hợp tác với cơ quan an ninh, cung cấp những thông tin rất hữu ích để phía cảnh sát lần đầu tiên hình dung ra được toàn bộ hoạt động buôn bán người di cư trái phép của bọn tội phạm ở Bắc Phi và Ý. 

Ông Nuredein Wehabrebi Atta cũng là người đầu tiên được cung cấp chế độ bảo vệ nhân chứng tại Ý. Ông cho biết, ông đã rất sốc về những cái chết thảm của những người di cư tìm cách vượt biển tới châu Âu, đặc biệt là vụ 360 chết do chìm thuyền ở Lampedusa, mặc dù ông không tham gia vào vụ việc này nhưng khi chứng kiến thảm cảnh, ông cảm thấy cắn rứt và muốn tự thú về hành động sai trái của mình. 

Ông nói với cảnh sát: “Những cái chết mà chúng ta nhìn thấy chỉ là một phần nhỏ mà thôi, còn rất nhiều cái chết thương tâm trên thực tế mà chúng ta không nhìn thấy được. Chỉ riêng tại Eritrea thôi, trong 10 gia đình thì đã có tới 8 gia đình có người thân gặp nạn”.

Những người tị nạn nếu không có tiền trả phí cho bọn buôn lậu sẽ bị chúng bán lại cho những nhóm buôn lậu khác với giá là 15.000 euro, và chủ yếu là những nhóm người buôn lậu Ai Cập, chúng chuyên là nhóm khai thác nội tạng của người di cư.  

Được biết, chính lời khai của ông Nuredein Wehabrebi đã giúp cho cảnh sát Ý phá vỡ được một mạng lưới vượt biên xuyên quốc gia, theo đó có 38 người bị bắt vì có liên quan, bao gồm 28 người Eritrea, 12 người Ethiophia và 1 người Ý. Ngay sau khi phá vợ đường dây buôn bán người tị nạn này, Bộ trưởng Nội vụ Angelino Alfano đã xác nhận và có lời khen ngợi đối với lực lượng cảnh sát khi đã  giáng “một đòn đau” vào mạng lưới tội phạm buôn người lớn sử dụng Rome như một trung tâm giao dịch tài chính.

Trong báo cáo thường niên “Các xu hướng toàn cầu” của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, khủng bố và xung đột ở các nước như Syria và Afghanistan đã đưa tổng số người tị nạn và không còn nhà cửa lên mức kỷ lục là 65,3 triệu người vào cuối năm ngoái. Theo thống kê của Liên Hợp quốc vào năm 2014, trung bình, cứ 1 phút lại có 24 người phải rời bỏ quê hương để vượt biên, điều đó có nghĩa là có tới 34.000 người vượt biên mỗi ngày. 

Cũng liên quan đến người tị nạn, trong tuần qua, lực lượng bờ biển Ý cũng đã cứu sống hơn 45.000 người di cư trên Địa Trung Hải chỉ trong một ngày. 

Theo CNN, những người di cư được cứu sống trong 35 chiến dịch riêng rẽ ở eo biển Sicily nằm giữa Italy và Libya trên Địa Trung Hải. Trong đó, hơn 1.100 người đã được một tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý cứu sống trên một chiếc thuyền gỗ và 5 thuyền nhỏ chở những người tị nạn đi từ Bắc Phi đến Sicily, Coast Guard của Ý, bị đắm trên Địa Trung Hải. Được biết, chiếc thuyền gỗ chở 435 người di cư, trong đó có 124 phụ nữ và 18 trẻ em.

4 tàu hải quân khác của Ý cũng đã giải cứu hơn 900 người tị nạn, trong khi số người di cư còn lại được cứu sống bởi các tổ chức từ thiện, các nhóm cứu trợ, Cơ quan tuần tra biên giới EU (Frontex) và Sứ mệnh giải quyết nạn buôn người ở Địa Trung Hải của hải quân EU mang tên “Chiến dịch Sophia”.

Sự vụ lần này có thể được coi là may mắn, khi những người tị nạn được cứu sống. Tuy nhiên, số người chết trong những trường hợp tương tự nhưng cũng rất nhiều, theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 220.000 người di cư đã vượt biển Địa Trung Hải trong năm nay và có đến 67.538 người đã chọn Ý làm điểm đến, trong khi đó chỉ có 8.049 người di cứ đến châu Âu bằng đường bộ.

Bộ Nội vụ Ý vào tuần trước cho biết,  hơn 70.000 người di cư đi thuyền đến nước này kể từ tháng 1- tháng 6 năm nay, gần bằng con số với cùng kỳ năm 2015 và cao hơn so với năm 2014 một chút. 

Vấn nạn coi thường tính mạng con người

Theo báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về về Nạn buôn người (TIP) trên thế giới, Myanmar, Sudan và Haiti hiện tại là những nước có nạn buôn bán người tệ nhất. 

Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, mua bán người và một vấn nạn toàn cầu. Mỗi năm có tới 20 triệu nạn nhân giúp cho bọn tội phạm buôn người thu về lợi nhuận bất hợp pháp lên tới 150 tỷ USD. Trong buổi công bố báo cáo, ông Kerry nói: “Con số 20 triệu đó gồm những người giống như tất cả mọi người ở đây. Họ có tên tuổi, họ có hay đã từng có gia đình. Và họ đã buộc phải chịu đựng cảnh địa ngục – một địa ngục sống thời hiện đại mà không đáng ra một con người không phải trải qua.”

Trong báo cáo năm nay, Myanmar là một trong những nước được xếp vào Danh sách Bậc 2 từ năm 2011, nhưng năm nay tình hình còn tồi tệ hơn khi được xếp vào “danh sách đen” những quốc gia bị coi là những nước vi phạm trầm trọng nhất về tình trạng buôn người, được gọi là Danh sách Bậc 3.

Đất nước này từ lâu đã nổi tiếng với vấn nạn buôn người, đặc biệt là cộng đồng người Rohingya bị áp bức. Họ bị bọn buôn người săn đón và phải trả lệ phí “cắt cổ” khi muốn vượt biên sang Thái Lan, Malaysia bằng đường biển.

Nạn buôn người này mới chỉ tạm dứng vào giữa năm 2015, khi cảnh sát Thái Lan phát hiện ra nhiều ngôi mộ tập thể  ở một trại buôn người ở gần biên giới Thái Lan - Malaysia. Các cuộc đàn áp bọn buôn người bắt đầu nổ ra liên tục, rất nhiều mạng lưới buôn người béo bở của khu vực bị phá vỡ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tổ chức khác bởi buôn lậu người còn có lợi hơn cả buôn lậu súng và ma túy.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, bất chấp những nỗ lực liên tục chống buôn người, hàng triệu người đang bị trói buộc bởi “sự cưỡng bức về tinh thần, thể xác và tài chính”. Họ bị thao túng bởi những kẻ buôn người, chúng “khai thác những điểm yếu của họ để kiếm tiền”. Các nạn nhân bị buộc phải làm việc như nô lệ tình dục, công nhân, lao động công nghiệp, giúp việc trong nhà, binh lính hay tội phạm mà không được đền bù hay hy vọng được tự do. Họ thường sống trong cảnh bần hàn, không có đủ thức ăn hay được chăm sóc y tế.

Haiti là một đất nước mà hầu hết nạn buôn bán người đều liên quan đến trẻ em và phụ nữ, họ bị lạm dụng cả về thể xác lẫn tinh thần khi bị bọn buôn người dùng làm nô lệ, giúp việc, thậm chí là hãm hiếp... Chính phủ nước này mặc dù đã thành lập ra một ủy ban chống nạn buôn người và cũng có những kế hoạch phá vỡ những mạng lưới buôn bán, nhưng theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về TIP, nước này còn quá yếu kém trong hệ thống tư pháp. Ngoài những khổ sở vì bàn tay của những kẻ buôn người, các nạn nhân còn phải khổ sở vì sự đối đãi của các chính phủ, trong đó có các hệ thống tư pháp hình sự mà lẽ ra phải bảo vệ cho họ. 

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Kerry cho biết thêm: “Chúng ta đều biết rõ tình cảnh đau buồn khi các bé gái buộc phải làm nô lệ tình dục, phụ nữ ngủ trong những căn phòng chật hẹp, chỉ được cho ra ngoài để nấu nướng, giặt quần áo và lau sàn nhà. Đàn ông và các bé trai bị buộc phải bỏ ăn, bỏ ngủ để làm việc suốt ngày đêm, thường là trong tiết nóng bỏng hay trong những điều kiện khủng khiếp”.

Tại những vùng bị xâu xé vì chiến tranh, trẻ em bị bắt cóc để huấn luyện thành chiến binh cho các phe phái khác nhau. Một số người trở thành nô lệ một cách tự nguyện vì không còn chọn lựa nào khác. Thanh niên nghèo khó thường bị cám dỗ làm nô lệ bằng những lời hứa cho công ăn việc làm và giàu có ở một nước khác, Mỹ.

Năm nay, Thái Lan được cho là một trong những nước có sự tiến bộ vượt bậc về nạn buôn người. Đặc biệt là số lượng trẻ em bị buôn bán làm nô lệ tình dục đã giảm đáng kể. Thái Lan nên có những chiến dịch tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức của cộng đồng để giảm đi nhu cầu của ngành công nghiệp tình dục ở nước này. 

Không chỉ Thái Lan, Colombia, Síp, Lithuania và đặc biệt Philippines cũng đã có “bước nhảy vọt” và đứng vào Danh sách Bậc 1 trong vấn nạn buôn người. Được biết, ước tính có khoảng 10 triệu người Philippines làm việc ở nước ngoài, những kẻ buôn lậu người thường đến những vùng quê và lợi dụng những người dân cả tin muốn thay có cuộc sống tốt hơn khi ở nước ngoài nhằm trục lợi. Trẻ em và phụ nữ cũng bị vướng rất nhiều vào vấn nạn buôn bán tình dục. Nhưng năm nay, chính phủ Philippines đã nỗ lực chiến đấu để ngăn chặn nạn buôn bán người lao động. Tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về buôn bán tình dục trẻ em và cưỡng bức lao động. 

Theo lời Ngoại trưởng Kerry, mục đích của việc công bố bản báo cáo không phải là để trách mắng hay để nêu tên “bêu xấu” mà là để khuyến khích thay đổi sự việc theo chiều hướng tốt hơn.

Đọc thêm