Người trẻ tính chuyện dành tiền vào viện dưỡng lão

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước đây, người Việt có quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con”, coi chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ của con cái, không chăm sóc được cha mẹ là bất hiếu. Thế nhưng, những năm gần đây, ngay cả những người trẻ cũng đã tính sẽ tích lũy để vào viện dưỡng lão khi về già…

Xu hướng “không làm phiền” con cháu

Ngày nay, cuộc sống của người già, những người đã ở tuổi hưu không còn buồn tẻ nữa. Nhiều người có điều kiện sẽ thường xuyên đi du lịch, gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, văn nghệ… Khi sức khỏe yếu, xu hướng của họ cũng không muốn làm phiền con cháu. Bởi theo họ, mỗi thế hệ có cuộc sống riêng.

Quan điểm xã hội về viện dưỡng lão ngày nay đã có nhiều thay đổi. (Ảnh minh hoạ).

Quan điểm xã hội về viện dưỡng lão ngày nay đã có nhiều thay đổi. (Ảnh minh hoạ).

Chị Vân Anh (Hà Nội) bày tỏ: “Theo góc nhìn của tôi, các thế hệ khác nhau rất khó hòa hợp về quan điểm, và cũng khó sống chung, kể cả ruột thịt. Hơn nữa, khi còn minh mẫn, bạn không nên làm phiền người khác, còn khi đã không tỉnh táo thì nên nhờ đến can thiệp chuyên khoa, tức bác sĩ và viện dưỡng lão. Đời sống của người già cũng có nhiều điều thú vị chứ không phải chỉ là mấy bức tường bê tông và chờ con cháu tối ngày đi làm, đi học. Nếu các bạn để ý, các cụ cũng có rất nhiều chuyện muốn giao tiếp với người cùng lứa tuổi, nhưng lại khó nói chuyện với con cháu”.

Anh Tuấn Nguyễn (TP HCM ) khẳng định: “Rồi sẽ tới một ngày, ba mẹ sẽ không còn theo kịp tôi nữa, cũng như tới một ngày tôi không theo kịp các con nữa. Vậy nên tôi sẽ phụng dưỡng cha mẹ mình, nhưng đến lúc già, tôi sẽ sống một mình. Tôi không chịu được cảnh phải ngồi nhà đợi con đi làm, hay ghì tụi nhỏ lại chỉ vì mình sợ cô đơn, sợ chết. Tôi sẽ có cuộc phiêu lưu riêng cho vợ chồng mình lúc cuối đời. Cha mẹ có thể là người đồng hành cùng con, nhưng con không nhất thiết phải đồng hành cùng bạn. Người đồng hành cùng bạn chính là người nắm tay bạn bước lên thánh đường”.

Chị Vân Anh cho biết thêm: “Vào Viện dưỡng lão, sống độc lập hay sống cùng con cái theo tôi phải do chính các bạn quyết định. Phần đông, người già nếu còn khỏe đều không thích ở cùng con cái vì bất tiện, vì khác biệt trong sinh hoạt. Còn khi các cụ yếu, không tự chăm sóc được thì cũng tùy hoàn cảnh mà thu xếp sao cho tốt nhất trong khả năng của mình. Phải xác định, nếu để cha mẹ già vào nhà dưỡng lão thì đó phải là ý nguyện của chính họ. Sau này già, tôi sẽ thuê người giúp việc riêng hoặc (nếu dư dả) sẽ vào nhà dưỡng lão...”.

Một người mẹ cũng chia sẻ: “Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi, đã nghỉ hưu, hiện sống cùng gia đình con trai. Nói là sống cùng nhưng thực tế quãng thời gian trong ngày tôi chủ yếu ở nhà một mình. Tôi thấy, ở Việt Nam, người ta hay quan niệm con cái phải có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ khi về già, như thế mới là có hiếu. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cũng sợ bản thân mình sau vài năm nữa sẽ bắt đầu lẫn, tính tình trái khoáy, sẽ làm phiền đến các con cháu, khiến chúng bị khó xử và thêm phần áp lực. Việc gì mình làm được thì tốt nhất hãy tự giải quyết, không cần phải đẩy trách nhiệm cho người khác.

Tâm niệm như vậy nên tôi sớm tích trữ được một khoản tiền kha khá để dưỡng già. Tôi nói với các con rằng: “Mẹ sẽ không để tài sản thừa kế cho các con” mà dùng toàn bộ số tiền ấy để lo cho những năm tháng cuối đời của mình, không phiền đến các con. Con tôi đều thu nhập ổn định, nên cũng chẳng bận tâm tới tiền cha mẹ để lại. Thế nên, khi tôi tự lo được cho bản thân mình, chắc chắn các con cũng sẽ sống khỏe hơn nhiều”.

Thậm chí, một bạn trẻ 24 tuổi tâm sự: “Bạn không nhìn nhầm đâu, thế hệ 9X không chỉ quan tâm đến vấn đề sức khỏe mà còn bắt đầu chú ý đến vấn đề dưỡng lão nữa. Nghiêm túc mà nói, là một người thuộc thế hệ 9X, tôi có hơi bối rối khi nghĩ đến điều đó. Khi về già tôi có thể làm được gì đây? Cuộc sống dưỡng lão lý tưởng mà tôi nghĩ tới chính là có một cơ thể khỏe mạnh, không cần làm phiền con cháu, chỉ cần có thể cùng bạn đời sống chung với nhau, dù là trong viện dưỡng lão cũng được; Có một ban công lớn trong viện dưỡng lão, để ánh nắng ấm áp và mùi thơm của hoa cỏ lan tỏa khắp nơi. Nghĩ như vậy, tôi lại cảm thấy, có vẻ như già đi cũng là một chuyện không khó chấp nhận lắm. Nhưng một viện dưỡng lão lý tưởng như vậy, giá cả nhất định không rẻ rồi, nên việc tích lũy là cần thiết…”.

Một cô gái khác thì nhấn mạnh: “Năm nay tôi 24 tuổi, và đã bắt đầu để dành tiền dưỡng lão cho chính mình. Vì mình không muốn áp lực quá nhiều vào chuyện hôn nhân. Dù sau này mình có độc thân, thì vẫn có tiền tự chăm lo cho mình được...”.

Hãy để cha mẹ già lựa chọn!

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay không ít người trẻ có cái nhìn cởi mở hơn về quan niệm báo hiếu, cho cha mẹ “cậy nhờ” viện dưỡng lão khi họ về già. Cuộc sống tại thành thị vốn thường căng thẳng, nhà ở chật chội, có nhà 3-4 thế hệ ở cùng nhau, nảy sinh nhiều hệ lụy. Con cái bận rộn công việc, chăm sóc thế hệ sau của mình, do vậy người cao tuổi vào viện dưỡng lão chất lượng sẽ là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình.

Nhiều người già lựa chọn vào viện dưỡng lão để con cái có thể tập trung vào cuộc sống mưu sinh.

Nhiều người già lựa chọn vào viện dưỡng lão để con cái có thể tập trung vào cuộc sống mưu sinh.

Dù thực tế, vẫn có nhiều người cho rằng, đưa cha mẹ già yếu vào viện dưỡng lão chỉ là biện minh cho sự bận rộn của cuộc sống thời 4.0.

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, ở các nước phát triển, viện dưỡng lão là lựa chọn phổ biến và phù hợp với người già. “Nhưng ở Việt Nam, do khác biệt văn hóa xã hội và quan niệm về chữ “Hiếu”, việc đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người mang định kiến gửi ông bà, bố mẹ vào viện dưỡng lão là bỏ mặc không thương, tìm cách rũ bỏ trách nhiệm của mình cho người khác, bị xem là bất hiếu”.

Chuyên gia Hoàng Hải Vân bày tỏ: “Trước hết, quan điểm của tôi đó là nếu con cái có thời gian và điều kiện chăm sóc tốt bố mẹ thì hãy để bố mẹ ở nhà chăm sóc. Có thể thuê thêm người giúp việc, y tá hỗ trợ nếu cần thiết. Bởi vì văn hóa của người Á Đông đa phần bố mẹ thích được gần con cái, tuổi già yếu đứng bên kia sườn dốc của cuộc đời, ánh mắt họ nhìn vào con cái là cả một bầu trời.

Tuy nhiên, gia đình Việt Nam hiện nay đang có những biến đổi về cấu trúc, quy mô, quan hệ giữa các thành viên ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức và quan niệm truyền thống về gia đình, chữ Hiếu. Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Đa phần người già sau khi vào viện dưỡng lão thì các chỉ số về sức khỏe thực thể và tâm lý được cải thiện một cách đáng kể. Vì được sống trong môi trường lành tính, thiết kế phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản, thể chất và cả sức khỏe tinh thần.

Có thể thấy việc đưa cha mẹ, người thân tuổi cao sức yếu tới các viện dưỡng lão tư nhân đang là sự lựa chọn của nhiều gia đình có kinh tế khá giả, đủ đảm bảo cho các khoản phí phải nộp hàng tháng.

Hiện nay, ngoài các Trung tâm Bảo trợ Xã hội của Nhà nước, ngày càng có thêm các trung tâm chăm sóc người già, viện dưỡng lão tư nhân mọc lên. Riêng ở Hà Nội có thể kể tới các cái tên nổi bật như: Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Đức, trung tâm Phù Đổng, Nhà tuổi vàng, trung tâm dưỡng lão Nhân Ái. Chi phí dao động khoảng 5 - 8 triệu đồng/cụ/tháng, có nơi còn cung cấp dịch vụ cao cấp hơn với hơn chục triệu đồng một tháng.

Người ta vẫn nói: “Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ”. Việc báo hiếu, chăm sóc, đối xử tốt với cha mẹ già không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của con cái mà còn thể hiện đạo đức làm người. Ngày nay, bỏ tiền, đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão nhờ chăm sóc, hàng tháng vẫn đến thăm nom đã là một lựa chọn của nhiều người con bận việc, thường phải công tác xa, không đủ điều kiện ở bên chăm sóc cha, mẹ.

PGS. TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Nghiên cứu xã hội học cho rằng: “Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế không tốt, nhà cửa chật chội, rồi bận bịu công việc mà “nhốt” các cụ trong những căn nhà cao chót vót, chả bao giờ được đặt chân xuống đường ra ngoài thì để các cụ đến viện dưỡng lão lại là một giải pháp hữu hiệu. Ở đó các cụ được sinh hoạt, vui chơi, giải trí… đầy đủ. Chúng ta nên cởi mở và có cái nhìn tích cực hơn trong việc gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Việc làm này không đánh giá những người con này là bất hiếu mà nó thể hiện sự phát triển của xã hội hiện đại. Vậy nên, trong trường hợp phải đưa cha mẹ đến trung tâm thì nhiệm vụ của con cái là cần phải có những giải pháp tâm lý như thường xuyên thăm hỏi, động viên, đưa đón các cụ về thăm nhà là biện pháp tốt”.

Viện dưỡng lão cho người cao tuổi là xu hướng tất yếu trong tương lai

Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 425 cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em. Trong số này, có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, trong 425 cơ sở trên, chỉ có vài chục trung tâm đặc thù dành riêng cho người cao tuổi. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay, nhu cầu về viện dưỡng lão sẽ rất lớn và mô hình trung tâm, viện chăm sóc sức khỏe cho người già sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai.

Đọc thêm