Người trẻ và trách nhiệm với lịch sử dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bạn trẻ đã và đang chọn cách sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng như một sự tri ân thầm lặng đến những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Và chính sự lựa chọn ấy đã mang lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ hôm nay.
Các bạn trẻ tham gia lễ thượng cờ trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. (Ảnh: S.G)
Các bạn trẻ tham gia lễ thượng cờ trên đỉnh núi Bà Đen, Tây Ninh. (Ảnh: S.G)

Những phát ngôn bị dư luận phản ứng

Vừa qua, MC của một đài truyền hình đã gây bức xúc trong dư luận khi đăng tải bài viết trên mạng xã hội, than phiền về việc hợp luyện diễu binh chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam 30/4 gây tắc đường.

Trong bài viết, cô bày tỏ bức xúc vì bị kẹt xe và cho rằng mình “miễn tự hào” với sự kiện này. Phát ngôn này đã ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, cho rằng cô thiếu tôn trọng giá trị lịch sử và sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Trước phản ứng dữ dội, MC này đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận bản thân không cẩn trọng trong lời nói và cảm thấy “ân hận, xấu hổ” vì phát ngôn của mình.

Sau MC trên, tới lượt người mẫu kiêm ca sĩ L.T.C có phát ngôn gây sốc liên quan đến Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay dưới bài đăng của người này, cư dân mạng tràn vào bày tỏ với cảm xúc không đồng tình. Cư dân mạng không chỉ chỉ trích mà còn kêu gọi “tẩy chay” giọng ca này…

Việc dư luận, cộng đồng mạng bức xúc với những lời nói, hành động của một số cá nhân là điều dễ hiểu. Bởi, lịch sử không chỉ là những con số, những sự kiện được dạy trong sách vở. Lịch sử là mồ hôi, là máu, là những hy sinh đã viết nên trang vàng độc lập của dân tộc, để đất nước có được ngày hôm nay thái bình và phát triển.

Trào lưu “làm sống lại” lịch sử hào hùng của dân tộc

Bên cạnh một bộ phận tỏ ra thờ ơ, thiếu hiểu biết hoặc xem nhẹ giá trị lịch sử, thì có những bạn trẻ luôn sống trách nhiệm và giàu lòng biết ơn. Lòng biết ơn của giới trẻ có thể được thể hiện qua nhiều hình thức. Đó là việc học tập chăm chỉ, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển của đất nước. Đó là việc tìm hiểu lịch sử, trân trọng các giá trị truyền thống, tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, hay đơn giản là một phút mặc niệm đầy xúc động trong lễ chào cờ. Những hành động tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại góp phần làm sâu sắc thêm tinh thần dân tộc và lòng tự hào.

Giới trẻ đã và đang có những hoạt động, chương trình ý nghĩa và các ý tưởng đẹp hướng tới ngày kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Đó là chiến dịch “Hoa dâng mộ liệt sĩ” đến thắp hương, thăm viếng, chăm sóc, vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ và tìm hiểu lịch sử tại các nghĩa trang như: Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Đồi A1 Điện Biên… Mời các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử về chia sẻ trực tiếp tại trường học, trường đại học hoặc qua hình thức livestream với chủ đề “Ký ức 30/4”, “Một thời hoa lửa”, “Những năm tháng không thể quên”…

Đặc biệt, các bạn trẻ còn thiết kế ấn phẩm sáng tạo: infographics, postcard kỷ niệm ngày 30/4; trào lưu “Sắc cờ đỏ sao vàng” trên mạng xã hội, cùng nhau đổi ảnh đại diện, khung avatar theo chủ đề “30/4 - Tự hào dân tộc”, viết status, làm clip ngắn kể lại ký ức từ ông bà, cha mẹ về ngày 30/4 lịch sử. Các gia đình, nhóm trẻ hưởng ứng chiến dịch “Beloved Vietnam” (Yêu lắm Việt Nam), lan tỏa hình ảnh cờ đỏ sao vàng ở loạt điểm đến nổi tiếng dịp 30/4.

Dự án “Lưu giữ ký ức” với việc dựng các video phỏng vấn, ghi lại câu chuyện của các cựu chiến binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và lưu trữ như một “kho tư liệu sống” được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Dựng lại lịch sử qua sáng tạo nghệ thuật, công nghệ với game lịch sử Việt hóa “7554” lấy bối cảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các cuộc thi viết thư, làm video “Lá thư gửi người lính” hay “Hào khí Việt Nam” trên mạng xã hội thu hút hàng trăm nghìn bạn trẻ tham gia, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì đất nước.

Nhiều nơi còn tổ chức trình diễn âm nhạc cách mạng như: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Tiến quân ca, Giải phóng miền Nam tại sân trường hoặc nơi công cộng. Các cuộc thi sáng tác video, bài viết, tranh vẽ về lịch sử dân tộc, các dự án truyền thông “Sống cùng ký ức”, “Kể chuyện lịch sử qua podcast” hay các kênh YouTube của học sinh, sinh viên chuyện kể lại những câu chuyện chiến tranh theo phong cách trẻ trung đang góp phần “làm sống lại” lịch sử hào hùng của dân tộc…

Đọc thêm