Người từng bị tù oan lại vướng nghi án oan sai

(PLO) -Bà Ước từng được tòa án huyện Chơn Thành công khai xin lỗi, bồi thường cho bản án oan 10 tháng tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hơn 10 năm sau, bà tiếp tục bị đưa ra truy tố về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án lần này, bà Ước tiếp tục kêu oan.
Phiên xét xử sơ thẩm lần hai đối với bà Ước
Phiên xét xử sơ thẩm lần hai đối với bà Ước

 “Oan gia ngõ hẹp”, điều tra viên và thẩm phán, chủ tọa phiên tòa từng gây hàm oan cho bà Ước 10 năm trước nay lại tiếp tục được phân công điều tra và xét xử bà Ước với bản án nặng hơn cả chục lần. 

Án oan hơn 10 năm trước

Sáng 2/8, sau nhiều lần hoãn, TAND huyện Chơn Thành (Bình Phước) mở phiên sơ thẩm lần hai đối với bà Nguyễn Thị Ước (SN 1965, ngụ khu phố 6, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành) về tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là bà Lê Thị Bông (SN 1955, ngụ cùng thị trấn) với số tiền 200 triệu đồng. Bà Ước bị bắt tạm giam hơn 2 năm từ ngày 8/3/2014.

Đây là lần thứ 5 trong cuộc đời mình, bà Ước đứng trước vành móng ngựa trong hai vụ án. Lần này, bà Ước cho rằng mình bị trả thù từ vụ án oan cách đây hơn 10 năm.

Vào năm 2001, bà Ước cho bà Lê Thị Hồng (ngụ ấp 4, xã Minh Thành, huyện Chơn Thành) vay 3,5 triệu đồng, 2 chỉ vàng. Bà Hồng hứa trả hết nợ vào tháng 8/2002, nhưng đến ngày hẹn lại không trả cả gốc lẫn lãi. Dù có tiền mua xe Dream (loại xe Trung Quốc), bà Hồng cương quyết không trả nợ. 

Nhiều lần đến đòi không được, bà Ước có đơn trình báo chính quyền địa phương là sẽ giữ xe của bà Hồng, đến khi nào bà này trả nợ mới trả xe. Đến ngày 22/10/2002, bà Ước mượn xe bà Hồng, sau đó gọi điện yêu cầu “con nợ” phải trả tiền mới trả xe.

Bà Hồng ngay lập tức có đơn gửi công an về việc mình bị bà Ước chiếm đoạt chiếc xe. Cùng thời điểm, bà Ước có đơn trình báo công an về việc làm của mình, cho biết chỉ muốn thu hồi số tiền đã cho bà Hồng vay. Công an lập biên bản tạm giữ xe, nhưng do không có nơi lưu giữ nên giao cho bà Ước đưa về nhà tạm thời sử dụng.

Đây là một vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng vay tiền. Mọi hoạt động của mình, bà Ước đều có đơn trình báo công an địa phương, nhưng không hiểu sao đến cuối năm 2002, Công an huyện Chơn Thành lại khởi tố vụ án, khởi tố bà Ước về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong quá trình vụ án được điều tra, bà Ước liên tục kêu oan, cho rằng mình không lừa, không chiếm đoạt tài sản đối với bà Hồng.

Dù nhân chứng, vật chứng và tình tiết khẳng định bà Ước không phạm tội nhưng TAND huyện Chơn Thành vẫn tuyên bà 10 tháng tù. Bà Ước kháng cáo kêu oan. 

Ở phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra, xét xử lại từ đầu. Sau đó, VKS huyện Chơn Thành rút quyết định truy tố và TAND huyện Chơn Thành đình chỉ vụ án, tổ chức xin lỗi công khai, bồi thường cho bà Ước 22 triệu đồng.

Bà Ước không ngừng kêu oan
 Bà Ước không ngừng kêu oan 

Người từng bị tù oan lại hầu tòa

Hơn 10 năm sau, vào năm 2014, bà Ước tiếp tục bị truy tố, dù tội danh khác nhưng quá trình xét xử lại có nhiều điểm được cho là “lịch sử lặp lại”.

Theo đó, xử sơ thẩm lần một, TAND huyện Chơn Thành tuyên bà Ước 10 năm tù. Bà Ước kháng cáo kêu oan. Phúc thẩm lần một, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy bản án sơ thẩm vì chứng cứ chưa đủ buộc tội bà Ước, trả hồ sơ điều tra xét xử lại từ đầu

Lần này, VKS huyện Chơn Thành không rút truy tố mà dùng chính kết luận điều tra đã từng bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy để đưa ra cáo trạng, truy tố bà Ước.

Theo cáo trạng, ngày 17/8/2011, bị cáo Ước đến nhà bị hại Bông vay 200 triệu đồng và thế chấp một sổ đỏ. Tuy nhiên, xem sổ đỏ thấy không phải đứng tên bà Ước mà là của người em gái, bà Bông không đồng ý, yêu cầu thế chấp sổ đỏ chính chủ.

Bà Ước về nhà lấy sổ đỏ của mình, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đến vay tiền. Hai bên thỏa thuận bằng miệng thời hạn trả nợ là 3 tháng, tiền lãi là 12 triệu đồng/tháng. 

Lúc này, Nguyễn Viết Nam (SN 1983, con bà Bông) và vợ là Huỳnh Thị Thu Cúc đang ở nhà. Bà Bông lên lầu lấy tiền, Nam viết giấy vay tiền và bà Ước ký tên.

Cáo trạng cho rằng bà Ước sau khi vay tiền không muốn trả nên thực hiện hàng loạt chuỗi hành vi nhằm “xù” nợ. Theo cáo trạng, khoảng một tháng sau khi vay tiền, bà Ước hỏi mượn lại sổ đỏ, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đi cầm ngân hàng lấy tiền trả nợ cho bà Bông. Bà Bông cho con trai cầm giấy tờ đi theo nhưng bà Ước không vay được tiền.

Tiếp đó, bà Ước liên tục nhờ Cúc (nghiện ma túy) về nhà mẹ chồng lấy cắp sổ đỏ đưa cho mình, sẽ thưởng 10 triệu đồng. Cúc đồng ý nhưng sau đó cho rằng bà Ước lật kèo nên không trộm sổ đỏ nữa.

Vụ vay tiền rắc rối

Cáo trạng cho rằng, không trộm được sổ đỏ, tháng 5/2013, bà Ước nhờ người quen hướng dẫn làm thủ tục cấp lại sổ đỏ. Bà làm đơn cớ mất sổ đỏ để tiến hành thủ tục làm lại và đến Đài truyền hình tỉnh Bình Phước đăng ký phát thông báo mất sổ đỏ. Bị hại Bông tình cờ xem vô tuyến thấy được thông tin nên trình báo UBND thị trấn Chơn Thành.

UBND thị trấn Chơn Thành giải quyết, bà Bông trình giấy vay tiền, sổ đỏ, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của bà Ước thế chấp, nhưng bà Ước không thừa nhận, cho rằng chữ ký không phải của mình và không vay tiền của bà Bông. UBND thị trấn Chơn Thành ra quyết định trả lại hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ cho bà Ước.

Bà Bông, người bị hại trong vụ án
Bà Bông, người bị hại trong vụ án

Không làm lại được sổ đỏ, bà Ước làm đơn tố cáo đến nhiều cấp cơ quan chức năng. Ngày 28/8/2013, bà Bông cũng có đơn tố giác hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Ước đến Công an huyện Chơn Thành. 

Qua điều tra, xác minh, CQĐT Công an huyện Chơn Thành tự thu thập chữ ký của bà Ước đưa đến phân viện khoa học hình sự C54B tại TP HCM để giám định. Kết quả cho thấy chữ ký trong giấy vay tiền là của bà Ước. Cơ quan điều tra cho rằng có đủ chứng cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố hình sự đối với bà Ước. Ngày 6/3/2014 có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đến ngày 8/3/2014, bà Ước bị bắt tạm giam.

Tại tòa, bị cáo Ước cho rằng VKS truy tố không đúng tội. Bà này cho rằng không vay mượn tiền của bà Bông mà chỉ mất sổ đỏ. Bị cáo cũng cho rằng mình và bị hại có mâu thuẫn từ năm 2001, khi bà Ước bị công an bắt trong vụ án oan lần trước. Từ đó đến nay hai bên không qua lại gì với nhau. Tuy nhiên, sau đó bị hại Bông đã phủ nhận việc có mâu thuẫn với bị cáo.

Trong hồ sơ vụ án còn có một tình tiết cho rằng trước khi bị cáo Ước đến vay tiền của bà Bông 2 ngày, vào ngày 15/8/2011, vợ chồng Nam  - Cúc (con trai và con dâu bà Bông) đã vay của bà Ước 200 triệu với thời hạn 2 tháng, lãi suất 3%/tháng. Tuy nhiên, con dâu bà Bông cho biết đây là số tiền nợ bà Ước từ việc ghi số đề.

Ngay phần thủ tục, phiên tòa đã được hâm nóng bởi lẽ người bị hại là bà Bông có người đại diện ủy quyền. Luật sư bào chữa cho bà Ước cho rằng Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định bị hại có đại diện ủy quyền. 

Đại diện VKS cho rằng bị hại ủy quyền về phần dân sự trong vụ án hình sự này. Sau nhiều lần khước từ, Tòa án buộc phải công bố giấy ủy quyền trên.

Luật sư bào chữa cho bà Ước cho rằng việc ủy quyền này là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hình sự, yêu cầu bác ủy quyền. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận.

Đọc thêm