Người yêu nước vĩ đại

(PLO) - Câu thơ thật dung dị mà chứa đựng tình cảm lớn lao của cả dân tộc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân ta gọi Người là Bác”... Chắc chắn rằng, tình cảm của nhân dân đối với lãnh tụ như vậy trên thế giới này ít nơi nào sánh được. Cũng ít vị lãnh tụ nào gắn bó với dân như Bác Hồ của chúng ta.  
(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Người nước ngoài thì nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh với một tầm vóc vĩ đại: “Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh” nhưng với người Việt Nam chúng ta, phong cách bình dị của một người vĩ đại là hình ảnh gần gũi, thân thương, ruột thịt, gắn bó như một người trong gia đình, họ hàng. 

Những lời ca ngợi không đủ sức để lột tả hết, bởi sự yêu dân, trọng dân, vì dân là tình cảm tự nhiên, sâu thẳm trong tâm hồn của con người yêu nước vĩ đại đó. 

Ngày sinh của Bác, đọc lại Tuyên ngôn độc lập của Bác viết, một áng “thiên cổ hùng văn” đanh thép mà thấm thía, trong đó những từ độc lập, tự do, dân chủ vang lên nhiều lần và không chỉ vận mạng dân tộc mà số phận của mỗi người dân dường như cũng tỏa sáng trong từng câu chữ. 

Lên án chế độ thực dân đối với đất nước ta, Bác lột tả một cách chính xác chỉ bằng một từ thôi, đó là chính sách cai trị “ngu dân” và hẳn là lật đổ chế độ đó cái đích nhắm tới là độc lập, tự do cho đất nước để thiết lập một chế độ mới khai sáng và vì dân! 

Lịch sử dân tộc ta, giữ nước luôn luôn là vấn đề thường trực. Bởi thế, nhân dân căm ghét bọn cướp nước và bán nước. Hồ Chủ tịch chỉ ra thực dân Pháp cướp nước ta, đầu hàng phát xít Nhật, đẩy dân ta vào tình trạng “một cổ hai tròng” và Người khẳng định dân ta lấy chính quyền từ tay người Nhật chứ không phải Pháp, bởi, chính Pháp đã hai lần “bán nước” ta cho Nhật. Vì thế, Pháp chẳng còn tư cách chính trị gì trên đất nước mà họ luôn luôn cho rằng mình “bảo hộ” và tất cả quyền lợi của người Pháp theo đó đã mất đi. 

Song, người Pháp đã không tin vào điều đó, chính vì vậy sự “quay lại” của họ, gây hấn với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ là một cuộc chiến phi nghĩa và cái kết cục tất yếu là thất bại thê thảm tại Điện Biên Phủ. 

Chúng ta cũng nhớ rằng, Người chọn cơ hội giành chính quyền mà không bằng một cuộc chiến tranh, chủ yếu dựa vào sức mạnh toàn dân tộc, không tốn máu xương của cả hai bên: “Bắc, Trung, Nam khắp ba miền/ Toàn dân khởi nghĩa chính quyền về tay”.

Chúng ta cũng nhớ lại, Bác tôn trọng quyền công dân như thế nào khi bầu cử Quốc hội năm 1946, Hà Nội, nơi Người ra ứng cử, nhân dân đề nghị Hồ Chủ tịch không cần phải qua bỏ phiếu mà mặc nhiên toàn dân tín nhiệm Người. 

Song, Bác đã từ chối và để cho Bác như những ứng viên khác. Đó không phải là sự tự tin vào uy tín của mình mà đó là sự tôn trọng quyền và sự lựa chọn của người dân. 

Chỉ một vài dẫn chứng về tình cảm, đạo đức và nhân sinh quan Hồ Chủ tịch cũng đủ thấy tầm vóc của một con người vĩ đại với tư tưởng thương dân, yêu nước như thế nào. Vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc thật may mắn và hạnh phúc khi có được một con người như vậy chèo lái vượt phong ba, bão táp lịch sử!

Đọc thêm