Nguồn mô tạng đang bị lãng phí

(PLO) - Hiện nay, kỹ thuật ghép tạng của nước ta đã được thu hẹp về khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thế nhưng trong khi nhu cầu cần được cấy ghép lớn thì nguồn mô tạng để cấy ghép lại vô cùng khan hiếm. 
Bà Lê Thị Thảo và con gái - mỗi người đã tình nguyện hiến một quả thận cho những người không quen biết.

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác nhưng không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí lớn.

Việt Nam thực hiện thành công gần 1.400 ca ghép tạng

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa bệnh, nhất là với các bệnh nhân bị mắc các bệnh mãn tính hiểm nghèo do suy giảm chức năng mô, thận. Từ những năm 1960, GS. Tôn Thất Tùng đã bắt đầu nghiên cứu về ghép tạng và thí nghiệm trên động vật.

Nghiên cứu của ông bị gián đoạn bởi chiến tranh nhưng những sinh viên y khoa tiếp tục được gửi ra nước ngoài để học về phương pháp này. Đến nay, trên cả nước đã có 17 cơ sở y tế đủ điều kiện lấy, tiến hành ghép mô tạng. Tính đến tháng 6/2016, cả nước đã tiến hành được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 8 ca ghép tủy, 1 ca ghép khối tim phổi, 1 ca ghép khối thận tụy. 

Hiện nay, trình độ ghép tạng của nước ta được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế. Còn nhớ ngày 5/9/2015 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép thành công tim và gan cho hai bệnh nhân. Hay mới đây, Bệnh viện Quân y 103 lần đầu tiên đã ghép thành công ca ghép đa tạng từ người cho chết não.

Người hiến tạng là một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, còn người được ghép tim và thận là một chiến sĩ quân đội. Bằng tấm lòng nhân ái, gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng là trái tim, lá gan, hai quả thận để mang lại sự sống cho những người đang suy tạng.

Sự thành công từ ca ghép đa tạng không những đánh dấu mốc thành công về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam mà còn thể hiện sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bác sĩ và các bệnh viện, giữa quân và dân, giữa con người với con người. Ngoài những thành tựu về chuyên môn, hành lang pháp lý phục vụ cho hoạt động hiến tạng cũng được hoàn thiện với Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người.

GS.TS. Anh hùng Lao động Bùi Viết Phú, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Trong thế kỷ XX, kỹ thuật ghép tạng được coi là một trong 10 thành tựu y học, có 6 giải thưởng Nobel liên quan đến vấn đề ghép tạng. Nếu như những năm 1992, chúng ta mới có ca ghép tạng đầu tiên, vẫn chậm so với thế giới 50 năm, chậm 20 năm so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì trong những năm gần đây khoảng cách đó đang bị thu hẹp dần”.

Cần phải giúp người dân hiểu hơn về vấn đề hiến tặng mô, tạng

Còn nhớ chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” do Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức vào tháng 12/2015 đã nhận được hơn 1.500 người ký hiến tạng, nâng tổng số người ký hiến tạng lên hơn 5.000 người. Hay như tấm lòng của bà Lê Thị Thảo (56 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh), một người nông dân bình thường nhưng sau khi dự một buổi tuyên truyền vận động hiến tạng do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại địa phương đã trở thành một người tích cực hưởng ứng phong trào hiến tạng, tình nguyện hiến một quả thận của mình cho một người không quen biết. Sau này con gái của bà Thảo cũng theo gương mẹ, tình nguyện hiến tặng một quả thận của mình. Tất cả những thành công ấy cũng từ công tác truyền thông mà đạt được.

Hiện nay, kỹ thuật ghép tạng của nước ta đã được thu hẹp về khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thế nhưng trong khi nhu cầu cần được cấy ghép lớn thì nguồn mô tạng để cấy ghép lại vô cùng khan hiếm.

Theo số thống kê sơ bộ có đến 6.000 người bị suy thận mạn đang cần được ghép. Chỉ tính riêng tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người đang chờ được ghép tim.

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác nhưng không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí lớn.

“Hiện nay, vấn đề cung cấp mô, hiến tạng ở nước ra vẫn còn nhỏ bé vì nhiều nguyên nhân. Đó là do nhận thức của nhân dân về việc hiến tạng, mô chưa cao, việc tuyên truyền hiến tạng sau khi chết, chết não còn hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân. Do thiếu hệ thống cung cấp thông tin tư vấn đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Việc chưa xây dựng được mạng lưới điều phối mô, tạng quốc gia, chưa có mạng lưới điều phối vận động về hiến tặng mô, tạng cũng là yếu tố quan trọng. Do chưa liên kết được với các tổ chức quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Do chi phí trong việc cấy ghép mô, tạng và chăm sóc sau ghép còn rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân, trong khi bảo hiểm y tế chưa chi trả cho dịch vụ này”, GS.TS Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về cấy ghép bộ phận cơ thể người cho biết, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động.

GS.TS. Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng đồng nhận định:

“Như kinh nghiệm của tổ chức, vận động hiến máu nhân đạo suốt 20 năm qua, nước ta từ chỗ mỗi năm chỉ mua vài trăm lít máu và hầu như 100% lượng máu này lấy từ những người chuyên đi bán máu nhưng nhờ truyền thông mạnh mẽ, hoạt động hiến máu nhân đạo giờ đây đã đi vào tâm thức của mỗi người dân.Tới năm 2015, 97% lượng máu lấy từ những người hiến máu tình nguyện. Do vậy, vấn đề truyền thông là vấn đề số một, phải làm thường xuyên, phải làm liên tục và phải được đề cao nhất trong công tác xây dựng nguồn hiến tặng mô, tạng; vì nó giúp thay đổi thái độ, nhận thức của người dân rằng việc hiến tặng mô tạng không nguy hại cho sức khỏe của mình, nhưng lại là món quà tặng vô giá với người khác”. 

Đọc thêm