Chị M. 42 tuổi, ở Bắc Kạn bị viêm mao mạch dị ứng, ban đầu nổi các nốt ban đỏ ở chân, lan rộng dần ra. Nghĩ bị dị ứng thông thường, chị đã tự đi mua thuốc điều trị, ăn uống kiêng khem nhưng bệnh không thuyên giảm mà nặng lên, vết ban đỏ dày kín chân, lan đến đầu gối và đùi.
Chị M. đã đến bệnh viện khám và được bác sĩ kê thuốc uống, bệnh tình có thuyên giảm nhưng sau dừng thuốc không điều trị thì lại tái phát, ban đỏ dày lên, các vết lở loét mở rộng nhanh chóng khiến chị có cảm giác mình không thể đi lại, chân như sắp thối rữa.
Tương tự, anh Nguyễn Đình Mạnh (ở Thanh Hóa) cũng bị bệnh viêm mao mạch dị ứng 14 năm nay. Căn bệnh dai dẳng khiến anh đau đớn hàng đêm, trằn trọc không thể ngủ. Khi thời tiết thay đổi, bắp chân căng cứng, anh không thể đi lại, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
GS.TS Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam, cho hay các trường hợp mắc bệnh như trên không hiếm gặp. Đây là bệnh thuộc hệ miễn dịch, có 2 dạng chính là viêm mao mạch dị ứng và viêm mao mạch hoại tử.
“Hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh này là viêm đường hô hấp và lạm dụng thuốc. Hiện, số trẻ viêm đường hô hấp rất cao và tình trạng lạm dụng thuốc khá phổ biến, rất dễ gây nên tình trạng viêm mao mạch dị ứng”, PGS Hưng cảnh báo.
Chuyên gia cho biết bệnh thường xuất hiện ở người trẻ, dưới 20 tuổi. Đây là bệnh lý có biểu hiện đa dạng khó xác định nguyên nhân chính xác và dễ nhầm lẫn với nhiều loại khác như đau khớp, đau bụng, tiểu đường.
Theo chuyên gia, hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu, chủ yếu vào điều trị triệu chứng, do vậy việc theo dõi và điều trị từ sớm có ý nghĩa quan trọng để giảm nhẹ triệu chứng, tránh các biến chứng bệnh nguy hiểm.