Sơ sẩy
Ngày 5/9/2012, do cần tiền chưa bệnh, vợ chồng ông Trương Tiểu Thái có thỏa thuận bằng văn bản với vợ chồng bà Võ Thị Cẩm Nhung về việc chuyển nhượng 300 m2 đất (trong tổng số 794 m2 phần thửa đất tọa lạc tại Nguyễn Khoa Chiêm, TP Huế với giá 1,65 tỷ đồng. Thửa đất đang vướng quy hoạch nên không thể tách thửa để chuyển nhượng nên buộc ông Thái phải lập thêm một thỏa thuận “ngầm” khác bất lợi cho chính mình. Đó là ông Thái chuyển nhượng toàn bộ thửa đất có diện tích 794 m2 sang cho vợ chồng bà Nhung, sau đó bà Nhung sẽ chuyển nhượng lại 494 m2 đất cho ông Thái.
Vì sổ đỏ vợ chồng ông Thái đang thế chấp tại Ngân hàng Quảng Điền. Đến thời điểm thỏa thuận bán đất trên thì vợ chồng ông còn nợ cả gốc lẫn lãi khoảng 600 triệu đồng. Nên ngày hôm đó, vợ chồng bà Nhung dẫn theo bà Hồ Thị Bảy (người cho vợ chồng Nhung vay tiền) đến nhà ông Thái chở ông đến Ngân hàng Quảng Điền để bà Bảy bỏ ra 600 triệu đồng rút sổ đỏ của vợ chồng ông ra. Lúc đó vợ chồng bà Nhung không có đồng nào cả, chỉ có bà Bảy trả tiền ngân hàng cho ông Thái và bà Bảy cầm sổ đỏ của vợ chồng ông Thái.
Một thời gian sau, nghe theo lời của vợ chồng Nhung về việc chở đi ký các giấy tờ để nhận tiền, vợ chồng ông Thái đã đến Phòng công chứng số 2 tỉnh Thừa Thiên Huế để ký các loại giấy tờ với mong muốn được nhận tiền từ bà Nhung (sau này ông Thái mới biết là đến ký giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Sau khi ký xong các loại giấy tờ, vợ chồng bà Nhung vẫn không đưa thêm cho ông Thái khoảng tiền nào. Chờ đợi mãi, nhưng vẫn không thấy bà Nhung trả số tiền mua đất còn nợ lại, cũng không thấy bà Nhung làm giấy tờ chuyển nhượng lại một phần thửa đất có diện tích 494 m2 cho vợ chồng ông, nghi ngờ vợ chồng bà Nhung lừa đảo mình nên ngày 28/6/2013 ông Thái làm đơn trình báo đến công an. Quá trình điều tra, vợ chồng bà Nhung đã trả thêm cho ông Thái 300 triệu đồng.
Lại nói, khi mua đất của ông Thái, vợ chồng bà Nhung chẳng có đồng nào. Tháng 8/2012, vợ chồng bà Nhung mượn bà Hồ Thị Bảy 600 triệu đồng để trả cho ngân hàng lấy sổ đỏ thửa đất của vợ chồng ông Thái ra. Nhưng đến tháng 12/2012, vợ chồng bà Nhung vẫn chưa vay được tiền để trả nợ cho bà Bảy nên vợ chồng Nhung ra điều kiện với bà Bảy, là sẽ sang tên chủ quyền sử dụng thửa đất trên cho vợ chồng bà Bảy. Điều kiện đi kèm là bà Bảy lấy sổ đỏ đi vay ngân hàng đưa thêm cho vợ chồng bà Nhung 1,4 tỷ đồng nữa. Tổng cộng là 2 tỷ đồng.
Sau khi vợ chồng bà Bảy vay được từ ngân hàng 1,5 tỷ đồng, đã đưa cho vợ chồng bà Nhung 1,4 tỷ như hai bên đã thỏa thuận. Nhưng vợ chồng Nhung lại không thực hiện theo hợp đồng là phải trả lãi đúng thời hạn cho ngân hàng. Để có tiền trả cho ngân hàng và trả tiền lãi, bà Bảy đã mượn tiền của bà Võ Thị Phương Hà và cầm sổ đỏ nhà đất trên (tại thời điểm đó đang đứng tên vợ chồng bà Bảy). Đến tháng 6/2014, bà Bảy tìm gặp vợ chồng Nhung yêu cầu tất toán để thanh lý hợp đồng mà hai bên đã ký kết nhưng vợ chồng Nhung lại hứa suông mà không giải quyết. Do đó, vợ chồng bà Bảy đã sang nhượng quyền sử dụng thửa đất trên cho bà Võ Thị Phương Hà.
Sau khi bà Hà đến nhận đất thì phát hiện phía sau có nhà ông Thái đang ở. Bà Hà yêu cầu vợ chồng bà Bảy phải giao toàn bộ lô đất có diện tích 794 m2 đã chuyển nhượng cho bà, đồng thời khởi kiện yêu cầu tòa án buộc ông Thái phải dọn ra khỏi khuôn viên đất mà bà đã nhận chuyển nhượng. Ông Thái thì yêu cầu vợ chồng bà Nhung trả số tiền còn nợ khi chuyển nhượng 300 m2 đất, đồng thời yều cầu phải chuyển nhượng lại 494 m2 đất cho vợ chồng ông.
Đất thuộc về ai?
Về phía vợ chồng bà Nhung, bà Nhung thừa nhận có mua của vợ chồng ông Thái 300 m2 đất trong tổng số diện tích thửa đất là 794 m2, với giá là 1,65 tỷ đồng. Hiện tại vợ chồng bà Nhung còn nợ vợ chồng ông Thái 650 triệu đồng. Theo vợ chồng bà Nhung, việc bà sang tên toàn bộ thửa đất trên cho bà Bảy có sự đồng thuận của vợ chồng ông Thái. Vì do thửa đất nằm trong quy hoạch không tách thửa được nên vợ chồng ông Thái chấp nhận cho vợ chồng bà Nhung sang toàn bộ và đứng tên thửa đất để vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, vì vợ chồng bà Nhung không vay ngân hàng được nên phải chuyển nhượng thửa đất trên cho bà Bảy để bà Bảy đứng ra vay ngân hàng. Bà Bảy biết vợ chồng Nhung chỉ mua của ông Thái 300 m2 đất nhưng vẫn chấp nhận đứng ra vay giúp bà Nhung 2 tỷ đồng. Sau khi nhận 2 tỷ từ bà Bảy, vì thời gian dài, số tiền mất đi vì nhiều lý do nên vẫn chưa trả được số tiền nợ mua đất còn lại cho ông Thái. Bà Nhung cho rằng, vợ chồng bà không hay biết việc bà Bảy chuyển nhượng thửa đất trên cho bà Hà.
Qua các lần hòa giải tại tòa án, vợ chồng bà Nhung đều cố tình vắng mặt. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. TAND TP Huế sau đó đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp đòi lại tài sản”. Nguyên đơn trong vụ án là vợ chồng bà Hà, bị đơn trong vụ án là vợ chồng ông Thái. Theo tòa sơ thẩm, căn cứ vào các chứng cứ các bên đương sự cung cấp và kết quả làm việc tại cơ quan điều tra cho thấy vợ chồng ông Thái đã cùng vợ chồng bà Nhung đến phòng công chứng để ký giấy tờ chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất trên cho vợ chồng bà Nhung vì lý do thửa đất không tách thửa được.
Sau này vợ chồng bà Nhung sẽ chuyển lại quyền sử dụng đất 494 m2 cho vợ chồng ông Thái. Tuy nhiên nội dung trên, hai bên lại không lập thành văn bản. Do đó ông Thái có quyền khởi kiện vợ chồng bà Nhung để yêu cầu thanh toán số tiền nhận chuyển nhượng 300 m2 đất chưa trả hết và yêu cầu bồi thường lại quyền sử dụng đất 494 m2 mà bà Nhung đã chuyển nhượng cho người khác mà không chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Thái.
Theo HĐXX, việc ông Thái thỏa thuận ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ thửa đất trên cho vợ chồng bà Nhung là tự nguyện. Tuy nhiên hai bên có thỏa thuận ngầm là chỉ tạm thời chuyển nhượng toàn bộ thửa đất, nhưng lại không lập bất cứ một thỏa thuận nào, nên bà Nhung đã chuyển nhượng thửa đất trên cho bà Bảy, bà Bảy lại chuyển nhượng tiếp cho bà Hà (Bà Hà đã được cấp giấy chứng nhận nhà quyền sử dụng đất).
Xét thấy tại thời điểm ký kết các hợp đồng trên, các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng đều có đủ năng lực hành vi dân sự, các bên đều tự nguyện, các hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Thái với vợ chồng bà Nhung, giữa vợ chồng bà Nhung với vợ chồng bà Bảy, giữa vợ chồng bà Bảy với vợ chồng bà Hà đều hợp pháp, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Do đó tòa sơ thẩm chấp nhận một phần khởi kiện của bà Hà, quyền sử dụng thửa đất 794 m2 trên thuộc về bà Hà. Do các bên chỉ thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không đề cập đến tài sản trên đất, do đó để giải quyết vụ án một cách triệt để, tòa buộc vợ chồng ông Thái giao luôn cả tài sản trên đất cho bà Hà. Bà Hà có trách nhiệm thanh toán lại tài sản trên đất cho ông Thái, đó là 2 căn nhà có giá trị thẩm định là 285 triệu đồng.
Cho rằng bản án sơ thẩm không thỏa đáng, ông Thái kháng án. Trong suốt thời gian qua, gia đình ông Thái luôn sống trong phấp phỏng lo âu bởi nguy cơ bị “tống” ra khỏi chính căn nhà của mình, mất đi chổ sinh sống duy nhất.
Theo luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh), tòa sơ thẩm nhận định và đưa ra hướng giải quyết vụ án chưa thỏa đáng; chưa xem xét hết các tình tiết, sự thật khách quan; chưa phân tích và làm rõ tính giả tạo của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng bà Nhung với vợ chồng bà Bảy nhằm che giấu cho giao dịch vay nợ giữa họ trước đó. Tòa sơ thẩm cũng chưa phân tích và làm rõ tính lừa dối đối với hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng bà Bảy với vợ chồng bà Hà. Bà Bảy biết thửa đất đang có liên quan đến ông Thái, nhưng vẫn cố tình chuyển nhượng cho bà Hà nhằm đạt mục đích cấn nợ. Việc bà Bảy cố tình không cung cấp các thông tin về tình trạng thửa đất có liên quan đến ông Thái, bà Nhung cho bà Hà biết khi ký hợp đồng là có dấu hiệu của sự lừa dối.
Luật sư Hạnh phân tích: “Ở đây ta có thể thấy người bị thiệt hại là đó là ông Thái, bà Hà. Đạo diễn chiêu trò này là vợ chồng bà Nhung và bà Bảy. Trong vụ án này, có đầy đủ các động cơ, hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của ông Thái mà thủ phạm là bà Nhung và bà Bảy. Bà Nhung và bà Bảy đều biết đất của ông Thái chỉ chuyển nhượng 300m2 cho bà Nhung, sau khi làm được Giấy CNQSD đất vào tên bà Nhung thì bà Nhung phải chuyển ngược lại cho ông Thái 494m2 trong diện tích đất 794m2 đất của gia đình ông Thái.
Bà Bảy biết việc này, đông thời giúp sức bà Nhung hoàn thành giao dịch chuyển nhượng. Sau khi đã hoàn tất việc chuyển nhượng, bà Nhung và bà Bảy đã chiếm đoạt luôn phần đất 494 m2 đất và chuyển nhượng tiếp cho bà Hà để hưởng số tiền chênh lệch lớn hơn số tiền ông Thái bán cho bà Nhung. Rõ ràng hành vi chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành và cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Ở góc độ vụ án dân sự này, rõ ràng, giao dịch dân sự giữa bà Nhung với và Bảy, bà Bảy với bà Hà đối việc chuyển nhượng thửa đất của ông Thái là vô hiệu do bị lừa dối. Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, tòa án cần đánh giá lại các chứng cứ, xem xét hướng giải quyết vụ án một cách đầy đủ , khách quan, công bằng để đưa ra một bản án công minh nhất”.