Nguy cơ tai nạn với mô tô nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chạy mô tô nước là hoạt động vui chơi giải trí hút khách tại nhiều điểm du lịch có biển. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nghiêm trọng nếu không được quản lý nghiêm.
Mô tô nước được đưa vào hoạt động tại nhiều điểm du lịch. (Ảnh minh họa)
Mô tô nước được đưa vào hoạt động tại nhiều điểm du lịch. (Ảnh minh họa)

Nhiều trường hợp chủ quan

Thực tế đã có nhiều trường hợp người dân, du khách điều khiển mô tô nước nhằm mục đích giải trí nhưng xảy ra tai nạn do không đảm bảo tuân thủ các yêu cầu an toàn. Gần đây là vụ tai nạn mô tô nước xảy ra vào đêm 11/9 tại khu vực bãi tắm biển Hòn Gai, thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khiến một phụ nữ tử vong.

Trước đó, trên hồ thủy điện Thác Mơ, tỉnh Bình Phước cũng xảy ra một vụ tai nạn khi một người đàn ông điều khiển mô tô nước lao lên bờ dẫn đến tử vong. Tại TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận vụ việc người đàn ông đi mô tô nước trên sông Sài Gòn đâm vào sà lan chở hàng, khiến cả hai người trên mô tô thiệt mạng.

Khi xảy ra những tai nạn nghiêm trọng liên quan đến mô tô nước, dư luận mới biết nhiều mô tô nước hoạt động vẫn chưa được đăng kiểm hay cấp phép. Nhiều người điều khiển phương tiện này cũng thường chủ quan không mặc áo phao hay đồ bảo hộ nên khi xảy ra tai nạn, hậu quả thường rất nặng nề. Mô tô nước có thể đạt đến vận tốc 150km/h, vì thế khi chạy trong vùng nước không an toàn, gặp chướng ngại vật có thể không xử lý kịp.

Đơn cử, với vụ tai nạn ở Hạ Long, các cơ quan chức năng đã thông tin, phương tiện mô tô nước chưa được đăng kiểm, vùng nước nơi xảy ra tai nạn cũng chưa được cấp phép cho các phương tiện thể thao, vui chơi giải trí dưới nước hoạt động. Còn với tai nạn ở TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng cho biết, vùng nước trên sông Sài Gòn chưa có đơn vị nào đăng ký hoạt động vui chơi, giải trí nên mô tô nước không được chạy trên sông Sài Gòn. Chưa kể tới tuyến sông Sài Gòn có luồng hàng hải, tàu bè qua lại nhiều nên không đảm bảo an toàn.

Cần siết chặt quản lý

Theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP, mô tô nước phải đảm bảo các điều kiện cơ bản để hoạt động như: Phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm; chỉ được hoạt động trong vùng nước được cơ quan quản lý chấp thuận hoặc công bố; người trực tiếp điều khiển phương tiện phải đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, giấy chứng nhận (nếu lái phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 05 sức ngựa); Người lái và người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao.

Dù đã có quy định nhưng việc tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Những tai nạn đáng tiếc nêu trên không chỉ là kết quả từ sự chủ quan của một bộ phận người dân, du khách và các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vui chơi, giải trí dưới nước. Đây còn là câu hỏi về tính hiệu quả của công tác quản lý của các cơ quan chức năng đối với các hoạt động liên quan tới mô tô nước tại các địa phương.

Cho đến nay, hầu hết các địa phương vẫn chưa công bố các vùng nước được phép vui chơi, giải trí bằng mô tô nước nói riêng và phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước nói chung. Bên cạnh đó, cũng chưa có thống kê chi tiết số người lái mô tô nước được cấp chứng chỉ, chứng nhận điều khiển.

Để có số liệu thống kê chính xác số mô tô nước đang hoạt động trên toàn quốc, lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ đạo các cơ quan đơn vị thực hiện thống kê trên toàn quốc; hoặc UBND các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo UBND các xã thống kê từng hộ dân để xác định số lượng mô tô nước từng xã. Từ đó mới có thể thực hiện việc rà soát các phương tiện không giấy tờ, chưa đăng kiểm và vận động chủ phương tiện đưa đi kiểm định nhằm đảm bảo an toàn chất lượng phương tiện.

Công tác quản lý hoạt động mô tô nước cũng đòi hỏi sự phối hợp liên ngành giữa Cảnh sát giao thông đường thủy, đơn vị đăng kiểm phương tiện và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cùng lực lượng chức năng các địa phương nhằm chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Theo Nghị định 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, thì phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố. Như vậy, mô tô nước cũng là một trong những phương tiện vui chơi, giải trí có điều kiện hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp mô tô nước không đủ điều kiện vẫn hoạt động. Theo báo cáo mới đây của Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận về kết quả kiểm tra công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại khu vực vịnh Vĩnh Hy và Bãi Kinh (huyện Ninh Hải) vào tháng 9, tổ công tác liên ngành đã phát hiện hàng chục phương tiện thủy nội địa không đủ điền kiện vẫn lén hoạt động du lịch trên vịnh Vĩnh Hy.

Đọc thêm