Nguy cơ thất học vì là con thứ 3

(PLO) - Chỉ vì được sinh ra là con thứ 3 trong gia đình nên nhiều em bé có nguy cơ bị thất học, không được đến trường. 
Học sinh vui chơi tại điểm trường trung tâm Trường mầm non xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Tuổi trẻ
Học sinh vui chơi tại điểm trường trung tâm Trường mầm non xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh: Tuổi trẻ
Thông tin này được nhiều tờ báo đăng tải trong những ngày gần đây đã khiến dư luận hết sức hoang mang. Câu chuyện xảy ra xã Quỳnh Tân - huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An. 

Trà lời báo Tiền Phong, bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Quỳnh Tân cho biết, trường không tiếp nhận các cháu là con thứ 3 vì thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị.

Quyết định này của nhà trường đã khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng.

Anh Cao T.T. (trú tại xóm 3, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) có con trai 3 tuổi sau thời gian theo bố mẹ sang Lào làm ăn, đến tháng 8 vừa qua vợ chồng anh đưa con về quê để đi học. Nhưng khi anh đưa con trai đến trường đăng ký nhập học thì không được nhận.

"Quy định tuyển sinh mới không nhận các cháu là con thứ 3 do vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình." - anh T cho biết.

Cũng có con gái trong độ tuổi đến trường mẫu giáo nhưng không được nhận vì là con thứ 3, chị Chị Nguyễn T.N.  bức xúc : “Nghĩa vụ người dân ai cũng đóng như nhau sao nay chỉ vì “vỡ kế hoạch” lại ép các cháu không được đến trường, bất công với trẻ nhỏ”.

Trước đó,  cũng tại tại  huyện Quỳnh Lưu và một số huyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ra  quy định khi làm giấy khai sinh cho con thứ ba thì phải “tự nguyện” nộp 1 triệu đồng tiền vi phạm quy định về chính sách dân số. 
Được biết, quy định này của huyện thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban tỉnh. Quy định trên dựa vào Quyết định số 76/2012 về một số chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn Nghệ An ngày 19/10/2012 của UBND tỉnh Nghệ An. 
Nội dung quyết định số 76/2012 nêu rõ đối với cán bộ công chức, viên chức (kể cả hợp đồng lao động), cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang khi sinh con thứ 3 trở lên (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, làm đơn rút khỏi chức danh lãnh đạo (nếu có chức vụ); thuyên chuyển vị trí công tác; không đưa vào xem xét quy hoạch bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong 5 năm kể từ ngày vi phạm; không xét nâng bậc lương trong 3 năm kể từ ngày vi phạm... 
Đối với các đối tượng khác khi sinh con thứ 3 trở lên thì khiển trách và phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và xử lý theo quy định của hương ước, quy ước nơi cư trú; không được xét danh hiệu gia đình văn hóa và phải đóng góp một khoản kinh phí theo cam kết cho Ban DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn có giá trị từ 1- 2 triệu đồng cho 1 lần vi phạm…
Theo đó, huyện Quỳnh Lưu ban hành Quyết định số 01/2013 ngày 11/01/2013 quy định một số chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Ngoài các quy định về việc phải chịu trách nhiệm kiểm điểm, không xét gia đình văn hóa… thì người dân nếu sinh con thứ ba phải đóng một khoản kinh phí theo cam kết cho Ban DS-KHHGĐ xã, thị trấn cho một lần vi phạm với mức là 1 triệu đồng. 
Tuy nhiên từ tháng 11/2013, Chính phủ đã có Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về việc “quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP) không đề cập gì đến việc “xử lý việc sinh con thứ 3”.  
Trao đổi với báo chí, bà Kiều Thị Huệ - Trưởng phòng Hành chính – Tư pháp (Sở Tư pháp Nghệ An) cho biết: “Việc không nộp tiền vi phạm chính sách xã hội thì không cho khai sinh cho con trường hợp sinh con thứ ba là hoàn toàn sai. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào quy định vì không nộp tiền sinh con thứ ba mà gia đình và đứa trẻ không làm được giấy khai sinh. Đăng ký khai sinh là quyền của đứa trẻ khi sinh ra”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm