Phát hiện nhiều vụ thực phẩm bẩn
Từ lâu, các tỉnh, thành như Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai đã trở thành các điểm “nóng” mua bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu qua biên giới. thực phẩm bẩn với số lượng lớn gồm gia cầm sống thải loại, nội tạng động vật, gia cầm (lòng lợn, tim lợn, mề gà, chân gà), thực phẩm đông lạnh như thịt bò; thực phẩm chế biến (gà cay, xúc xích, chả cá…) chủ yếu được nhập lậu từ Trung Quốc vì giá rẻ.
Trước đây, gà “hết đát” (gà thải loại Trung Quốc) nhập lậu được dân cửu vạn ngày đêm “cõng” qua biên giới vào Việt Nam. Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính mỗi năm, nước ta nhập 100.000 tấn gà thải loại của Trung Quốc.
Sau một thời gian dài im ắng, năm 2016, gà lậu thải loại có xuất xứ Trung Quốc lại ồ ạt “đổ bộ” qua đường mòn, lối mở biên giới vào nước ta, nhiều nhất là tuyến biên giới Đông Bắc. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng TP Móng Cái đã bắt giữ 96.900 con gia cầm và 22.900kg sản phẩm từ gia cầm.
Ngày 24/11/2016, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ vụ vận chuyển trên 1 tấn gà lậu. Lái xe khai nhận được một đối tượng không rõ tên tuổi, địa chỉ thuê vận chuyển từ TP Móng Cái vào nội địa, qua địa bàn huyện Hải Hà thì bị công an bắt giữ.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng như hải quan, công an, biên phòng, quản lý thị trường (QLTT) đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.236 vụ hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, thu từ xử phạt hơn 60 tỷ đồng; riêng về thực phẩm bẩn là 300 vụ (tăng 37% so cùng kỳ), tiêu hủy hơn năm tấn thực phẩm bẩn nhập lậu.
Đáng lo ngại là có nhiều vụ, khi bị phát hiện, hàng hóa đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, thậm chí đã được đông lạnh hàng chục năm. Điển hình là ngày 13/4/2016, tại khu vực biên giới xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phát hiện gần nửa tấn nầm lợn đã bốc mùi hôi nồng nặc. Số hàng thối này các đối tượng vừa vận chuyển qua biên giới nhưng khi bị phát hiện đã “bỏ của chạy lấy người”.
Tháng 6/2016, BĐBP Quảng Ninh đã khám phá 2 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn thu giữ tang vật gồm 600kg bột trà sữa trân châu nhập lậu và hơn 420kg thịt động vật đã bốc mùi hôi thối không rõ nguồn gốc. Cuối tháng 7/2016, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với cơ quan chức năng TP Cẩm Phả đã tiêu hủy hơn 1 tấn gà nhập lậu đã chết, bốc mùi hôi thối. Ngày 7/9/2016, lực lượng QLTT Quảng Ninh phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển hơn 2 tấn chân gà đông lạnh nhập lậu đã bốc mùi ở phường Hải Yên, thành phố Móng Cái.
Ngày 23/8/2016, tại tổ 34, phường Duyên Hải (TP Lào Cai), Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Lào Cai) đã phát hiện, bắt giữ lô hàng gồm 936 kg đuôi bò, quả cà bò và thịt bắp bò. Lô hàng có nhãn chữ từ Brasil, thời điểm sản xuất cách đây hàng chục năm. Theo các cán bộ QLTT, đây là loại hàng thực phẩm bẩn quay đầu; tức là hàng tạm nhập tái xuất của các chủ hàng Trung Quốc qua cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát) nhưng đã bị “cửu vạn” (bốc vác thuê) đục container lấy trộm, mang trở lại nội địa Lào Cai tiêu thụ.
Vì sao chống thực phẩm bẩn không hiệu quả?
Trước tác hại của thực phẩm bẩn, thời gian qua, ngoài số vụ bắt giữ tăng cao, việc chống thực phẩm bẩn được thực hiện quyết liệt. Ví dụ, trước đây việc thành lập hội đồng tiêu hủy tang vật gà lậu rất khó khăn nhưng nay vấn đề này được triển khai khẩn trương. Gà lậu mới bắt được trong đêm thì ngay sáng hôm sau đã có thể hoàn tất thủ tục tiến hành tiêu hủy.
Đặc biệt, việc tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã có những cải tiến, thay vì phải đốt, chôn thủ công như trước đây, các địa phương đã tiêu hủy bằng biện pháp cho vào lò đốt, vừa an toàn cho người thực hiện nhiệm vụ, vừa đỡ ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn, tiêu hủy thực phẩm bẩn nhập lậu không phải là chuyện dễ dàng và đang bộc lộ rõ những khó khăn mới. Có thể thấy là các vụ bắt giữ thực phẩm bẩn nhập lậu chủ yếu là trong nội địa. Lý do việc chống thực phẩm bẩn trên biên giới không hiệu quả là do đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, phức tạp, nhiều lối mở, lối mòn biên giới, cửa khẩu tiểu mạch, các chợ, khu kinh doanh sát đường biên.
Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để nhập lậu thực phẩm bẩn là chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc theo biên giới đưa vào các chợ, bến xe và trung tâm thương mại hoặc tập kết ở địa bàn ngoài khu vực biên giới. Chủ buôn lậu thường sử dụng xe có biển số ngoại tỉnh lén lút nhập hàng với số lượng lớn chuyển hàng qua địa bàn nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng địa phương. Thủ đoạn của chúng là thường nhằm vào đêm khuya, cung đường vắng vẻ cách xa trung tâm.
Chủ hàng lậu không lộ diện và từ trước đến nay cũng ít thấy vụ nào cơ quan chức năng bắt giữ được chủ hàng. Sau đó, hàng hóa sẽ được tập kết lên các xe container, xe tải và xe khách chở đi các tỉnh khác trong nội địa.
So với các mặt hàng khác, thực phẩm nhập lậu thường mang lại siêu lợi nhuận, khiến nhiều thương lái bất chấp pháp luật coi thường tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng. Do chế tài xử phạt hành vi vi phạm về vệ sinh thực phẩm chưa đủ sức răn đe, các đối tượng vẫn không chùn tay, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Một trong những thủ đoạn mà bọn buôn lậu thường sử dụng là “vô chủ hóa” hàng nhập lậu khi bị bắt giữ, nghĩa là chúng thuê các cửu vạn xé lẻ thực phẩm bẩn thành từng lô nhỏ để vận chuyển qua biên giới, khi bị phát hiện thì quẳng hàng bỏ chạy.
Đặc biệt, lợi dụng Thông tư số 10/2010/TT - BCT của Bộ Công Thương về quy định danh mục hàng hóa cư dân biên giới chỉ được phép nhập khẩu dưới hình thức mua, bán, trao đổi những mặt hàng theo danh mục đã quy định, các chủ hàng đã thuê cư dân biên giới vận chuyển hàng về, rồi gom hàng lại, trộn lẫn với các mặt hàng cấm nhập, có thuế suất cao; hợp pháp hóa bằng hóa đơn chứng từ, vận chuyển công khai về các tỉnh phía sau tiêu thụ.