Nguy cơ “thượng đế” lợi dụng luật “hành” doanh nghiệp

Dư luận rồi truyền thông cả nước xôn xao từ 1/7 “đừng hòng bắt nạt được “thượng đế” nữa”. Điều này cũng đúng thôi vì ở nước ta không ít trường hợp người tiêu dùng đã và đang bị nhà kinh doanh “xỏ mũi”, “chơi khăm”. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, ngay chính doanh nghiệp cũng là đối tượng cần thiết phải được bảo vệ không kém trong quá trình tiếp cận với người tiêu dùng.

Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực. Dư luận rồi truyền thông cả nước xôn xao vì từ nay “đừng hòng bắt nạt được “thượng đế” nữa”. Điều này cũng đúng vì ở nước ta không ít trường hợp người tiêu dùng đã và đang bị nhà kinh doanh “xỏ mũi”, “chơi khăm”. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, ngay chính doanh nghiệp cũng là đối tượng cần thiết phải được bảo vệ không kém trong quá trình tiếp cận với người tiêu dùng.

Những bài học đớn đau

Sau khi báo chí truyền đi các thông tin về vụ việc phát hiện ra chất DEHP nguy cơ gây ung thư có trong thạch rau câu vị khoai môn Taro của Công ty New Choice Foods (Bình Dương) thì làn sóng tẩy chay bất kể sản thạch nào đã trở thành nỗi ám ảnh của tất cả các nhà sản xuất thạch. Tại các siêu thị, đại lý, không những thu hồi thạch Taro, để làm yên lòng người tiêu dùng sản phẩm thạch của rất nhiều công ty khác cũng bị hạ xuống lưu kho luôn.

Dù rằng nhiều doanh nghiệp sau khi có tin về sự cố trên đã tự mang sản phẩm của mình đi kiểm nghiệm và gửi tới cho siêu thị, đại lý giấy chứng nhận thạch của mình “sạch”, nhưng vẫn không được tin. Khỏi nói cũng biết các doanh nghiệp sản xuất thạch đã thiệt hại như thế nào trong thời gian này. Tuy nhiên, họ cũng không thể trách người tiêu dùng vì đây là một diễn biến tâm lý chính đáng.

Nhưng giá như nhà quản lý, rồi các cơ quan truyền thông thay vì chỉ xử lý, đưa tin một chiều, sớm có thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về danh mục các sản phẩm thạch an toàn thì không những tâm lý căng thẳng của người tiêu dùng được giải tỏa, mà các nhà sản xuất cũng nhờ đó mà đỡ lao đao.

Từ sự cố thạch này lại nhớ đến sự cố sữa nhiễm melamine năm 2008. Chỉ một ngày sau khi thông tin mẫu sữa Hanoi Milk và Anco dính melamine được phát đi, nhiều đại lý, cửa hàng, siêu thị gần như tẩy chay sản phẩm của hai doanh nghiệp này. Nhưng không chỉ hai doanh nghiệp này, mà rất nhiều doanh nghiệp sữa khác dù sản phẩm đã có chứng nhận an toàn vẫn bị “chết chùm”...

Kiện, chỉ có doanh nghiệp thiệt

Kinh doanh trong một môi trường như vậy nên khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, rất nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra lo lắng vì không thể tránh những trường hợp có “thượng đế” vô lương tâm, lợi dụng chiếc gậy pháp lý này để hành doanh nghiệp, thu lợi bất chính cho mình. Dù rằng cả nhà làm luật lẫn Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đều khẳng định: Luật ra đời nhằm đảm bảo sự công bằng cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp, chứ không thiên vị bên nào.

Bằng chứng là Luật cấm “người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.

Trấn an những lo lắng của doanh nghiệp,  TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, nếu xảy ra trường hợp người tiêu dùng lợi dụng quyền hạn của mình để làm khó doanh nghiệp, gây tổn hại cho hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí có những đòi hỏi một cách quá đáng thì doanh nghiệp có thể kiện người tiêu dùng việc vu khống.

Nhưng thử nghĩ xem, trong lối quan niệm người tiêu dùng luôn là nạn nhân của doanh nghiệp như ở nước ta, thì việc một doanh nghiệp công khai đứng ra kiện người tiêu dùng liệu có ăn thua gì không? Và rồi sau vụ kiện đó, hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ đi đâu, về đâu trong mắt người tiêu dùng – người nắm giữ sự sống còn của họ?

Dương Minh

 

Đọc thêm