Bệnh có thể lây qua hôn, sờ tay
Bệnh sùi mào gà (SMG) gây ra bởi HPV (human papilloma virus), virus gây u nhú ở người. HPV có hơn 100 tuýp khác nhau và có những tuýp có thể gây ung thư nhưng cũng có những tuýp không gây được ung thư. Biểu hiện của vi rút HPV gây u nhú như trên da tay, chân, biểu hiện của bệnh là các u nổi lên, khô, sần, được gọi là mụn cóc. Khi ở bộ phận sinh dục, chúng được gọi là mụn cóc sinh dục.
Đặc điểm ở bộ phận sinh dục là vùng da, niêm mạc ướt nên mụn cóc sinh dục thường nổi sùi lên như bông cải, nên được gọi là bệnh SMG. Trong vòng hơn 2 tháng qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã điều trị cho 1.560 bệnh nhân mắc SMG, trong đó Hà Nội có 725 bệnh nhân, Hưng Yên có 110 bệnh nhân và các tỉnh khác là 656 bệnh nhân. Tuy nhiên, đáng nguy hiểm là con số này đang có dấu hiệu tăng lên và số trẻ nhỏ mắc bệnh SMG thời gian gần đây ở mức cao (59 trẻ dưới 15 tuổi mắc bệnh).
Chị Trần Thị B (Bắc Ninh) đưa con trai 6 tuổi đến bệnh viện khám nghẹt bao quy đầu nhưng chị và cả gia đình đều ngơ ngác, giật mình khi bác sĩ thông báo con trai chị mắc căn bệnh SMG. Ban đầu chị không tin vào kết quả xét nghiệm mà các bác sĩ đã thực hiện cho con bởi gia đình chị chưa ai mắc căn bệnh này thì con trai chị còn nhỏ tuổi vậy càng không thể mắc căn bệnh xã hội đó.
Theo các bác sĩ, những trường hợp mắc bệnh như con trai của chị B không phải là hiếm gặp. Nhiều phụ huynh khi biết con bị SMG thường không tin, đòi đi kiểm tra lại. Mặc dù SMG là bệnh xã hội lây chủ yếu qua con đường tình dục nhưng bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp. Trẻ em mắc bệnh này là do vô tình tiếp xúc với vi rút gây bệnh từ người lớn mà bản thân cha mẹ cũng không biết. Sự lơ là, chủ quan của cha mẹ hay những người thân mắc SMG sẽ dễ dàng truyền bệnh cho bé. Vì khi hôn, nếu cha mẹ của bé bị nhiễm vi rút HPV có thể truyền cho con qua niêm mạc.
Ngoài ra, vi rút lây truyền qua đường tình dục có thể tồn tại vài giờ sau khi tay, chân tiếp xúc với bộ phận sinh dục, quần áo vừa thay. Khi người lớn chạm vào nơi bị nhiễm bệnh nhưng chăm sóc, tắm rửa cho trẻ ngay sau khi chưa rửa, tiệt trùng vệ sinh tay, chân, khi đó nếu đụng chạm các bộ phận sinh dục của trẻ thì rất có khả năng truyền mầm bệnh sang. Ngoài ra, cũng có trường hợp lây bệnh qua bồn vệ sinh, chậu rửa, dùng chung khăn tắm, đồ lót, đồ dùng cá nhân của người mang mầm bệnh HPV. Trong một số trường hợp trẻ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục là do bị lạm dụng, xâm hại.
Theo PGS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, nhiều trường hợp nhiễm bệnh do lây từ cha mẹ, có những trường hợp cháu bé mới vài tuổi đã bị SMG ở miệng, mặt, mắt do cha mẹ của bé hôn con hoặc tay có vi rút HPV truyền cho con. Nguy hiểm là trẻ sơ sinh có thể nhận vi rút từ người mẹ trong lúc sinh nở qua đường âm đạo. Hoặc bố mẹ bị SMG, nếu không chú ý giữ gìn thì có thể lây nhiễm bệnh sang trẻ. Ngoài ra, một số trẻ bị SMG có liên quan tới cắt bao quy đầu, nong bao quy đầu… do môi trường, vệ sinh phòng khám không tốt, thiết bị nhiễm vi rút trong quá trình nong tách có thể gây xước xát niêm mạc và truyền bệnh.
Điều trị bệnh ở trẻ rất khó
Các bác sĩ cho biết, khi vi rút HPV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhân bản thành một lượng lớn, chủ yếu là ẩn náu trong tế bào da, làm cho tế bào bị phân chia nhanh chóng. Đồng thời, theo mức độ sinh sôi và lan truyền của vi rút, dần dần hình thành nên các nốt sùi đặc trưng của bệnh SMG. Nguy hiểm nhất đó là vi rút HPV gây sùi ở phụ nữ là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, ung thư bộ phận sinh dục nam giới. Nhưng với trẻ nhỏ trong quá trình điều trị theo dõi khỏi hoàn toàn thì khả năng biến chứng mãn tính được loại bỏ.
Do hiện nay virus HPV đến nay chưa có thuốc đặc trị nên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trẻ nên được chủ động tiêm phòng vaccine để phòng bệnh. Còn về điều trị, việc điều trị cho trẻ em khó hơn nếu chỉ bôi thuốc đôi khi không đem lại nhiều hiệu quả. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp laser, cắt bỏ tổn thương. Những biện pháp này sẽ gây đau và trong một số trường hợp để lại các sang chấn tâm lý cho trẻ, nếu phải gây tê, tiền gây mê để điều trị thì trẻ ít hợp tác.
“Điều trị SMG ở trẻ em chủ yếu là uống thuốc, bôi thuốc, điều trị tại chỗ được ưu tiên hơn điều trị can thiệp như đốt vùng tổn thương hoặc áp lạnh đòi hỏi phải gây tê, gây mê có thể nguy hiểm đối với trẻ. Bệnh SMG nếu được điều trị dứt điểm có thể tránh được biến chứng, nhưng nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư. Do đó nếu bố mẹ bị SMG, việc chăm sóc con phải hết sức chú ý. Nếu con phải nong hẹp bao quy đầu thì phải chọn các cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa để khám và điều trị”, PGS Doanh nhấn mạnh.
Sau khi điều trị dứt điểm SMG cho trẻ, bố mẹ cần theo dõi thường xuyên, nên đưa con đi khám định kỳ 2 - 3 tuần/lần để giảm nguy cơ tái phát. Những trẻ mắc SMG nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản sau này. Các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý khi con có những vết phồng rộp hoặc bất thường ở cơ quan sinh dục cần phải đưa trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời.