Nguyễn Bá Thịnh và... án chồng án

(PLO) -Đường đường là công bộc của dân, giúp vua quản việc nhưng viên quan họ Nguyễn chẳng những không nêu gương tốt, lại liên tiếp phạm trọng tội. Kể ra, nếu đưa y lên đoạn đầu đài mà đoạt mạng, nhà nước cũng không mang tiếng xử ác. 
Phạt đánh trượng tội nhân

Về tiểu sử của Nguyễn Bá Thịnh, ngặt nỗi chúng tôi sưu tra trong nhiều tài liệu thành văn của nhà Nguyễn, duy có Quốc sử di biên có chép và đề cập nhiều đến những sự vụ liên quan tới y, còn các sách khác, tuyệt nhiên không thấy nhắc tới hoặc chỉ ghi lại nhân danh, còn tiểu sử, công nghiệp thì thật “mò kim đáy bể”. Hoặc giả thử người viết tra cứu chưa tới chăng? 

Bước chân vào chốn quan trường

Quê quán, tuổi tác của y, thật không có mối tìm, ấy nhưng, Quốc triều hương khoa lục lại có đôi dòng để lại, cho thấy Nguyễn Bá Thịnh tiến thân bằng con đường khoa cử, tức là cũng có học vấn chứ chẳng phải thường đâu. 

Theo đó, Bá Thịnh đỗ Hương cống khoa thi tháng 7 năm Quý Dậu (1813) đời vua Gia Long tại trường thi Quảng Đức. Năm ấy, trường thi Quảng Đức lấy đậu 9 người. Dù bản quán thuộc huyện Gia Định (sau đổi là Gia Bình, thuộc Bắc Ninh ngày nay), nhưng năm ấy “sĩ tử phía Nam gồm thành Gia Định cùng Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thi chung”, nên Bá Thịnh thi nhờ trường này và là một trong 9 ông tân hương cống (cử nhân). Riêng đường làm quan của Thịnh, được sách này ghi gói gọn là “Làm quan tới chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Bị cách”. 

Ấy nhưng, 6 năm trước khi đỗ khoa thi Hương năm Quý Dậu (1813), Nguyễn Bá Thịnh cũng từng lều chõng đi đọ tài nghiên bút nơi trường ốc rồi, hiềm nỗi… bị trượt. Đó là năm Đinh Mão (1807), triều đình nhà Nguyễn “bắt đầu mở khoa thi Hương từ Nghệ An ra Bắc”.

Nguyễn Bá Thịnh tham gia ứng thí, nhưng chẳng được đăng khoa, lại còn bị mất cắp. Cũng chính từ lần thi trượt này, Bá Thịnh bèn Nam tiến vào Phú Xuân. Và khoa thi năm Quý Dậu (1813), Bá Thịnh xin phụ thí (thí sinh nơi khác xin dự thi) tại trường thi Quảng Đức của kinh đô và đỗ.

Căn cứ vào ghi chép trong Quốc sử di biên, thì Nguyễn Bá Thịnh làm quan đầu thời Minh Mạng, và hẳn là đã tham gia quan trường từ thời Gia Long (1802 - 1820). Sau khi đỗ, Nguyễn Bá Thịnh kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Nào làm Tri huyện huyện Thanh Liêm, sau đổi sang huyện Hoa Khê. Cuối năm Giáp Thân (1824), triều đình “chọn cống sĩ bổ làm quan ở vùng bên ngoài”. Trong đợt này “Nguyễn Bá Thịnh làm Đồng Tri phủ phủ Kinh Môn (thuộc Hải Dương nay – Người dẫn chú)”. 

Làm quan đất Kinh Môn được hai năm, đến tháng 3 năm Bính Tuất (1826), Nguyễn Bá Thịnh được giao tạm trông coi việc in ấn ở phủ Nam Sách (thuộc Hải Dương ngày nay). Trải hơn 10 năm làm quan, danh vọng cao dần, tì vết chưa có, nhưng rồi tại phủ Nam Sách này, viên quan họ Nguyễn bắt đầu lưu tiếng xấu chất chồng. 

Phạt đánh trượng tội nhân

Tham ô, giết người diệt khẩu

Khi làm quan ở đất Kinh Môn, tháng 12 năm Ất Dậu (1825), Thịnh bắt được kẻ phạm trọng tội là Nguyễn Đức Trung, còn gọi là Ba Liêu, giam hắn ở đồn phủ. Sang tháng 3 năm sau, Thịnh đi quyền phủ Nam Sách nên giao cho Tri phủ Nguyễn Đăng Chi coi giữ.

Đầu tháng 6, tên Trung bị bệnh, được Đăng Chi cam kết bảo lãnh, sai Cai tổng Nguyễn Trọng Tiến đưa đi trị bệnh, nhưng tên này nhân đó mà trốn thoát. Năm Đinh Hợi (1827), triều đình xét việc, trách nhiệm được quy cho Nguyễn Đăng Chi và Cai tổng Nguyễn Trọng Tiến, hai viên này đều bị cách chức.

Riêng Thịnh làm quyền nhiếp phủ Nam Sách, xét có liên đới, dù không bị mất chức như hai kẻ kia, nhưng cũng bị “xử phạt bổng vì vụ Ba Liêu, khi lui về lại thu 60 hộc thóc, bị giam lỏng ở Bắc Thành đợi điều tra”. 

Bị vướng tội, nhưng tiếp đó vào dịp tháng 11, trấn Hải Dương thụ lý đơn, Bá Thịnh phải hầu tòa ở Bắc Thành. Ấy vậy mà Thịnh vẫn còn có cơ hội phạm tội khi ngầm nhận hối lộ của 11 xã dân, bí mật cho khai là nhân số hao tán, nên mới có câu “toán lại danh lợi vị tha nhân” (vì người khác mà tính toán danh lợi). Mà nào chỉ dừng lại ở đó, Bá Thịnh ngày càng ngang nhiên phạm tội, thậm chí liên quan tới cả nhân mạng chứ không chỉ dừng ở việc tham của mà nhắm mắt ăn tiền đâu. 

Số là dạo ấy, có người lái buôn buôn gạo bị mất cướp. Khi điều tra, Thịnh bắt được tên cướp gạo nhưng hiềm nỗi, tham hơi đồng, nên tên cướp kia đút lót xin ỉm đi và thả hắn, Bá Thịnh làm liều nhận của. Mà nào đã hết, để việc ấy không lộ ra ngoài, Thịnh còn làm việc bạc ác hơn, giết luôn người lái buôn gạo. 

Những tưởng làm việc ác mà có cơ thoát tội, nhưng nào có dễ. Con người lái buôn kia tên Lẫm biết cha mình chết oan, nên vượt dặm trường vào kinh đô Huế kêu oan. Triều đình liền đưa vụ việc ra Bắc Thành xử nhưng việc phán xét không công bằng, công lý không được thực thi. Chẳng chịu để cha chết oan, Lẫm lại vào kinh dâng tấu.

Để gặp được vua Minh Mạng hòng làm sáng nỗi oan cho cha, Lâm tìm kế giáp mặt rồng bằng cách “nhét bản tấu vào trong ống trúc, phong kín chắc chắn cẩn thận, đợi đến khi xa giá nhà vua đi qua, Lẫm nhảy xuống sông trẫm mình. Nhà vua nhìn thấy, sai quan xuống cứu rồi hỏi han tình hình”. Thế là được dịp nói hết, Lẫm tâu rõ nguồn cơn sự oan khuất, lại xin vua cho trẫm mình để xuống thủy phủ tố cáo sự tình. 

Cảm động trước sự hiếu đễ của người con, vua Minh Mạng lệnh cho điều tra minh bạch, tường tận vụ việc. Việc được sáng tỏ, Hình tào ở Bắc Thành Lê Thái Cương bị xuống chiếu trách phạt. Lẫm vì giải oan cho cha nên được ban kim bài có chữ “Hiếu”. Còn Bá Thịnh và Tri phủ Nguyễn Đăng Chi khi xét tội trạng, đều bị cách chức cả, không được xét thứ bậc. Ngẫm ra, hình phạt ấy còn nhẹ với Thịnh lắm lắm. 

Bá Thịnh thấy tiền thì mờ mắt, ăn hối lộ

Về vườn vẫn “làm tiền”

Những tưởng tội trạng đầy mình, được triều đình gia ân giảm lượng thì kẻ tôi đòi của vua kia phải biết đường mà hối lỗi, nhưng Thịnh nào dễ tu tâm, dưỡng tính cho được, lỗi cứ thế mà phạm tiếp không dừng.

Dẫu bị triều đình cách chức rồi, nhưng hắn vẫn giữ thói cũ, ỷ thế cửa quyền, hoặc xui nguyên giục bị gây ra những vụ kiện cáo điêu toa, hoặc thỉnh thoảng xin vào cửa quan yết kiến. Dù chức tước không còn, nhưng hắn vẫn lòe thiên hạ, mỗi khi đi đâu thường bắt bọn tiểu đồng trong nhà phải mang kèn trống và nghi trượng theo hầu.

Dân tình biết việc ấy đều tỏ ra khinh thường hắn. Triều đình biết, thì Thịnh trốn chui trốn nhủi. Ngày 17 tháng 11 năm Canh Dần (1830), trốn tránh mãi không được, Thịnh ra Bắc Thành đầu thú, và biện bạch những lỗi lầm của mình. 

Dạo ấy, có Ngô Cảnh Chấn làm Tri huyện Gia Bình, cai trị cứng nhắc, hay gây khó dễ nên dân tình oán ghét. Có lần, chưa thẩm tra, cứu xét rõ ràng sự việc, chỉ vì nghe lời sàm tấu, Chấn bắt quàng tên Sào người Bình Ngô (cùng quê với Bá Thịnh) và tên Thẩm người Thủ Pháp, khép tội chúng là ngụy đảng.

Bá Thịnh dù chức tước chẳng còn, nhưng bởi quen biết nhiều quan lại khi còn đương chức, lại muốn giải cứu cho kẻ đồng hương đất Bình Ngô đều được thoát tội. Tiếc nỗi, việc cứu Sào và Thẩm cũng chẳng đường đường chính chính gì, bởi Thịnh dùng toàn thủ đoạn xấu xa cũ khi làm quan để cứu người khi như Quốc sử di biên thuật lại là “nhờ thân quen nên đã hối lộ để thả tên Sào và tên Thẩm”.

Chẳng dừng lại ở đó, nhân cơ hội này, Thịnh kiếm đường làm ăn bằng cách “quay ra xử tội Cảnh Chấn, lấy không 20 hốt bạc, nhũng lạm nhiều khoản”. 

Trường hợp của Bá Thịnh, thật ứng với câu “Đánh chết cái nết không chừa”. Về vườn còn kiếm cách ăn tiền, huống hồ hắn làm quan, dân còn điêu linh bao nhiêu nữa.../.

Đọc thêm