Nguyên tắc ”ba không”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Làn sóng thứ 4” của dịch COVID-19 xuất hiện từ cuối tháng 4 đến nay đã và đang tạo ra thách thức lớn đối với đất nước, trong đó có Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.
Nguyên tắc ”ba không”

Thực tiễn gần đây cho thấy, càng áp lực bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam càng được phát huy. “Cái khó” luôn luôn làm xuất hiện “cái khôn”. Trong những ngày chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phòng, chống COVID-19, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra nguyên tắc “ba không”: “Không được nói không có tiền, không được nói không có người, không được nói không có cơ chế, chính sách, thiết bị y tế, sinh phẩm…” (Thủ tướng làm việc tại Bắc Giang, chiều 29/5).

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu ra nguyên tắc “ba không” trong giải quyết tháo gỡ, khó khăn; đó là “Không nói không”, “không nói khó” và “không nói có mà không làm”.

Phải nói rằng, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ Giao thông Vận tải gần đây, nêu lên tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc: “Suy nghĩ phải chín”, “tư tưởng phải thông”, “quyết tâm phải cao”, “nỗ lực phải lớn”, “hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Đây chắc chắn là chỉ đạo vĩ mô, là “thông điệp” hành động đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chứ không phải chỉ riêng chỉ đạo ngành Giao thông Vận tải.

Thực tiễn điều hành cho thấy, việc càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể; lấy ý kiến, lắng nghe đối tượng tác động để tạo sự thống nhất cao trước khi quyết định; đối với những cơ chế, chính sách mới khi đề xuất thấy đúng, chính xác phải kiên trì giải thích, phân tích kỹ lưỡng tạo đồng thuận, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, chú ý lắng nghe các ý kiến phản biện để xem xét thấu đáo, chặt chẽ và quyết định theo đa số.

Đồng thời, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc thực tế đã vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Đối với bộ máy, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, chắc chắn phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn kết chặt chẽ với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Để thực hiện được phương châm hành động năm 2021 của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” cần đề cao “ba không”.

Đọc thêm