Chính quyền đang điều hành theo dư luận?
Tại cuộc họp báo mới đây nhất, nhiều người đặt câu hỏi với ông Đặng Việt Dũng, PCT UBND thành phố về dự án Bất động sản và du thuyền Marina Complex mà một số ý kiến cho rằng “lấn sông Hàn”.
“Tôi chưa nói dự án này đúng hay sai, nhưng ngày 17/4 chúng tôi nhận được văn bản của Sở Xây dựng khẳng định chủ đầu tư làm đúng quy trình, thủ tục, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, không gây ảnh hưởng đến dòng chảy”, ông Đặng Việt Dũng trả lời tại cuộc họp báo này.
Vị trí dự án Marina Complex |
Đột nhiên 2 ngày sau, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng lại có văn bản 2524/UBND-QLĐTh chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý của dự án “theo thông tin dư luận và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 3170-CV/TU ngày 19/4”.
“Cơ sở nào để lãnh đạo TP dừng dự án này. Và không chỉ dự án này mà trên sông Hàn còn có 4- 5 dự án khác cũng lấp sông, lấn sông tới hàng trăm hecta đã và đang hoàn thiện. Ở đây chúng tôi đặt câu hỏi, nếu có nhận xét rằng những quyết định bất nhất của lãnh đạo TP Đà Nẵng gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và làm nản lòng các doanh nghiệp, anh sẽ có bình luận như thế nào”, một phóng viên đã đặt câu hỏi như vậy nhưng không có câu trả lời.
Cũng cần nhắc lại, ngày 19/4, theo thông tin dư luận và thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn 3170-CV/TU (cùng ngày) liên quan đến dự án Marina Complex, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có Công văn tạm dừng triển khai dự án như nêu trên. Ngày mai (7/5), Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP. Đà Nẵng được giao tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Marina Complex. Điều này khiến dư luận hoài nghi “Phải chăng chính quyền thành phố qua các nhiệm kỳ đã điều hành không hề thống nhất một chủ trương và lần này chỉ hành xử theo dư luận"?
Nhà báo Phan Thanh Hải (báo Lao Động) cũng đặt thẳng vấn đề này với Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng tại buổi họp báo quý 1/2019: “Sở dĩ dư luận và chúng tôi nói như vậy, vì thời gian gần đây, UBND TP Đà Nẵng có những quyết định không dựa trên cơ sở pháp lý hay những dấu hiệu vi phạm của các dự án, mà thường dựa trên chỉ đạo của Thường trực hoặc Thường vụ Thành ủy để làm căn cứ. Như vậy thì liệu những quyết định đó có đúng pháp luật hay không?”. Tuy nhiên ông Đặng Việt Dũng không có câu trả lời trực tiếp cho các câu hỏi này.
Đà Nẵng tự tạo “ngữ cảnh” làm phiền nhà đầu tư
Ở góc nhìn chuyên môn và quản lý, trao đổi với Báo PLVN, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường cho biết: Đối với một quyết định giao dự án cho đơn vị nào đó, thì cơ sở quan trong trọng nhất là quy hoạch thế nào, đã được duyệt chưa, đúng cấp có thẩm quyền duyệt hay không? Nếu tất cả những cái trên đã được các cấp có thẩm quyền duyệt, dự án được phê chuẩn trong quy hoạch thì không việc gì phải xem xét dừng dự án.
“Sự thực mà nói, căn cứ pháp lý đúng, chúng ta phải để nó phát triển. Không thể có chuyện, căn cứ pháp lý đúng, quy hoạch đúng rồi mà phải chờ, thì đấy lại là nhược điểm trong quản lý Nhà nước. Chính những động tác này làm nhà đầu tư ngại đầu tư vào địa phương mình. Tôi cho rằng, Đà Nẵng nên xem lại, không chỉ dự án này mà nhiều dự án khác. Bây giờ khi đã đủ điều kiện rồi, mình không phê duyệt thì rõ ràng đã làm trái quy định, chứ không phải thể hiện rằng ta thận trọng. Cuộc sống cứ phát triển, nhà quản thì không thể kéo cuộc sống dừng lại chờ tôi quản lý”, ông Võ chia sẻ.
Nguyên Thư trưởng Bộ TNMT nói về việc Đà Nẵng đang tự tạo ra một ngữ cảnh làm phiền nhà đầu tư, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy |
Ông Võ cũng nói thêm, khi mọi việc đang được tiến hành theo pháp luật, đột nhiên dư luận đẩy lên rồi dừng, thì không khác gì Đà Nẵng tự tạo ra một “ngữ cảnh” làm phiền nhà đầu tư. Oái ăm hơn, ngữ cảnh này lại đập vào chính sự phát triển của thành phố, nói lên sự yếu kém trong điều hành. Từ đó dẫn đến những hệ lụy khác như nhùng nhằng không phê duyệt, thậm chí báo hiệu cho nhà đầu tư khác thấy “việc này có cần phong bì hay không”.
“Người ta rất có thể hiểu như vậy, mặc dù ý định của chính quyền có thể chỉ thận trọng thôi. Người đầu tư có quyền đặt dấu hỏi rằng đây là quyết định hành chính cản trở mình, từ đó liên quan đến tham nhũng hay không. Hành động của mình, không thể cấm người ra nghĩ được. Chúng ta, ở đây là chính quyền Đà Nẵng, cũng không thể nói họ (nhà đầu tư) hãy nghĩ khác đi”, ông Võ diễn giải các giả thuyết.
Cũng theo ông Võ, việc rà soát dự án, tất nhiên là cần thiết, không ai phản đối gì, chỉ có điều phải làm nhanh, đừng để việc rà soát làm ảnh hưởng đến tiến độ phát triển, không được kìm hãm làm chậm quá trình thi công. Điều này để thấy, ở góc độ quản lý, chính quyền làm đúng vai trò nhưng đồng thời thể hiện sự cầu thị trong việc mong muốn giúp cho Đà Nẵng phát triển. Còn không, Đà Nẵng đang làm ngược lại với xu hướng đi lên của thành phố mình.
3 năm rầm rộ không ai ý kiến, bỗng nhiên…
Ở nội dung liên quan đến lịch sử dự án, Báo PLVN tìm hiểu được biết và cũng xin trích lại để rộng đường dư luận. Cụ thể, lúc 12h33 ngày 10/4/2016, Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng nhận được thư phản ảnh của người dân gửi Sở Xây dựng TP, bày tỏ những mối quan ngại về việc “đổ đất lấn sông của dự án Marina Complex”.
Ngoài câu hỏi, có gây ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, thư phản ánh còn nêu, dự án này sẽ xây dựng/rào lại thành một khu biệt lập hay không? Theo giấy phép xây dụng, dự án này phải là không gian mở hay đóng kín, người dân có được tiếp cận với bờ sông Hàn hay không?”.
Dự án vốn dĩ đã rầm rộ từ nhiều năm song không ai nhắc đến |
Ngay lập tức, Sở này tập trung giải trình và khẳng định hai nội dung chính: “Dự án Marina Complex không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt trong mùa lũ lụt”. Và “đây là dự án không gian mở (chứ không xây dựng/rào lại thành khu biệt lập), quy hoạch tuyến đường đi bộ rộng 9m dọc theo sông Hàn, người dân hoàn toàn được sử dụng các dịch vụ và tuyến đường này”.
Trong suốt thời gian gần 3 năm (tính từ ngày 19/4/2016 đến 14/4/2019), trên Hệ thống Thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng trả lời cho người dân, nhưng không thấy có ai có ý kiến gì thêm.
Cũng thời gian đó, chính UBND TP. Đà Nẵng đã có các quyết định 5559/QĐ-UBND (3/8/2015), 658/QĐ-UBND (3/2/2017), 5197/QĐ-UBND (15/9/2017) điều chỉnh quy hoạch dự án Marina Complex theo hướng giảm tổng diện tích còn 117.311m2 (đất liền 107.311m2; đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003 m2 còn 10.000 m2). Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy
Tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2 thành 24.415m2. Phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 02 khối tháp (16 - 33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào và cổng vào khu vực phía sông tạo thuận tiện cho mọi người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông. Dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 6039/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.
Vì thế mà từ cách đây 3 năm, người dân đã biết “dự án Marina Complex được triển khai thi công rầm rộ”. Tại sao suốt 3 năm qua các cơ quan, các chuyên gia, nhà phản biện trong và ngoài Đà Nẵng, từ trung ương đến địa phương, không ai có ý kiến gì về giải trình của Sở Xây dựng đúng hay sai? Để đến bây giờ, dự án đã làm xong kè, cơ bản san xong nền, một số người mới đồng loạt phản ứng cứ như nó vừa xuất hiện vậy?
Ngoài ra, một phương án cũng cần được tính đến, rằng nếu qua hội nghị phản biện và qua rà soát mà phát hiện có sai phạm, hoặc không được Bộ, ngành hữu quan đồng tình, liệu dự án này có bị dừng vĩnh viễn, Đà Nẵng có “xúc” toàn bộ dự án đi nơi khác, trả lại nguyên trạng cho khu vực không? Để làm việc đó, tiền đâu để TP làm, ai phải chịu trách nhiệm? Thế nhưng, câu hỏi này được PV gửi đến lãnh đạo thành phố nhiều lần vẫn không trả lời.