Dừng dự án đầu tư của doanh nghiệp vì “dư luận”, pháp luật đặt ở đâu?

(PLVN) - Còn 2 ngày nữa Hội nghị phản biện dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng sẽ được tổ chức. Đây không phải là lần đầu, công cụ dư luận được lãnh đạo TP Đà Nẵng sử dụng để đi đến các quyết định dừng dự án của nhà đầu tư. Nhưng lần này, cách sử dụng công cụ dư luận này liệu có phát huy tác dụng làm cơ sở để ra quyết định dừng dự án, hay sẽ phản tác dụng mà làm lộ rõ cách điều hành thiếu thượng tôn pháp luật của lãnh đạo chính quyền địa phương này.
Dừng dự án đầu tư của doanh nghiệp vì “dư luận”, pháp luật đặt ở đâu?

Tác động của vấn đề dư luận đối với các quyết định dừng dự án đầu tư của doanh nghiệp không phải là chuyện lạ ở Đà Nẵng. Trước đó, trước phản ứng của dư luận nhân dân về nhà máy thép gây ô nhiễm, chính quyền Thành phố Đà Nẵng đã tạm dừng rồi đi đến dừng dự án gây ô nhiễm là 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tại huyện Hòa Vang. Đây là hai dự án mà những người dân sống gần nhà máy quan ngại về việc ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh hai nhà máy này.

Nếu như vấn đề dư luận liên quan đến hai nhà máy théo Dana Ý và Dana Úc là vấn đề có thật và nóng bỏng, do người dân tập trung phản đối các nhà máy này thì câu chuyện xảy ra với dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex lại hoàn toàn khác. 

Cụ thể, một sự “ngẫu nhiên rất bất thường” khi trong cùng một ngày 14/4/2019, có 3 bài báo về dự án Marina Complex cùng xuất hiện với quan điểm tiêu cực cho rằng dự án này là lấn sông, phân lô bán nền; gây tác động tiêu cực đến dòng chảy sông Hàn và ảnh hưởng đến cầu Thuận Phước. Những ngày sau đó, theo dòng chảy thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại dự án.

Trước những vấn đề mà “dư luận” quan tâm, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí nêu rõ, vấn đề mà “dư luận” quan tâm đã được TP Đà Nẵng xem xét, giải quyết và công bố công khai trước đó 3 năm trước đó. Cụ thể, trong văn bản số 2915 ngày 24/4/2016, Sở Xây dựng gửi Trung tâm thông tin dịch vụ công Đà Nẵng thì câu hỏi dự án có làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn hay không, Sở Xây dựng đã có trả lời và thông tin rất rõ ràng và đầy đủ.

Cụ thể, tuyến đê, kè Mân Quang được Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn, đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến thống nhất. Theo đó, dự án Marina Complex không làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn.

Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, trong đó có TP Đà Nẵng, chủ đầu tư cho rằng 3 bài báo “ngẫu nhiên” cùng thời điểm có rất nhiều nội dung không đúng sự thật. Tuy nhiên thông tin đúng hay sai không còn có ý nghĩa gì nữa vì ngay sao đó, TP Đà Nẵng đã yêu cầu các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư làm việc với chủ đầu tư tạm dừng dự án để rà soát hồ sơ pháp lý và lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề dư luận nêu. 

Một phần của dự án đã được đưa vào sư dụng nay chính quyền mới thực hiện "phản biện"
Một phần của dự án đã được đưa vào sư dụng nay chính quyền mới thực hiện "phản biện"

Và một thực tế đã diễn ra, dù thông tin của “dư luận” là đúng hay sai thì dự án cũng phải dừng, một điều vô cùng oan nghiệt với chủ đầu tư và những doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh bắt đầu mường tượng về sự ngẫu nhiên bất thường của thông tin ngày 14/4 có thể là một sự sắp đặt.

Đặc biệt, sự việc sau đó được Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo giao cho Mặt trận tổ quốc TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện dự án. Từ đó, một câu hỏi đặt ra là, hội nghị phản biện do Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức có phải là nơi tập hợp các ý kiến phản đối dự án để từ đó lãnh đạo TP Đà Nẵng dễ dàng ra quyết định dừng dự án này hay không?

Vấn đề này sẽ có câu trả lời vào ngày 7/5 tới đây nhưng ngay khi chuyển từ rà soát hồ sơ pháp lý được chuyển sang hội nghị phản biện thì nhiều người đã hình dung được mục đích của  Thành phố Đà Nẵng trong sự việc này. Lúc này, mối liên hệ giữa những “thông tin dư luận” ngày 14/4 với sự kiện ngày 7/5 tới đây cũng như quyết định của Thành phố dần dần được rõ nét hơn.

Nếu đúng là hội nghị ngày 7/5 sẽ diễn ra theo “kịch bản” là hội nghị này sẽ tập hợp các ý kiến phản đối dự án để lãnh đạo TP Đà Nẵng dựa vào đó để ra quyết định chấm dứt dự án này thì có thể thấy rất rõ vai trò của “dư luận” trong quyết định của chính quyền Thành phố Đà Nẵng. Hậu quả là doanh nghiệp sẽ phải gánh “quả đắng” mà không thể đổ lỗi cho chính quyền./.

Từ vấn đề này, một điều đáng bàn hơn nữa là sự thượng tôn pháp luật trong việc ban hành các quyết định của chính quyền nằm ở đâu khi các quyết định quản lý bị “dư luận” chi phối? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách và Luật sư Trần Việt Hùng về vấn đề này.

Thưa Luật sư Nguyễn Hồng Bách, ông đánh giá như thế nào về vai trò của dư luận trong việc ban hành các quyết định quản lý của chính quyền?

Tôi cho rằng, đến nay ai cũng phải thừa nhận vai trò cực kỳ lớn của người dân đối với các quyết định quản lý của chính quyền. Người dân ủng hộ, quyết định vì lợi ích của người dân thì đó là những quyết định đúng đắn sẽ được bảo vệ và ngược lại, các quyết định không được người dân ủng hộ và không vì lợi ích của người dân thì sẽ phải hủy bỏ.

Dư luận, về bản chất thật sự chính là tiếng nói của người dân, nên tiếng nói của dư luận là quan trọng, có thể làm thay đổi quyết định của chính quyền.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách
Luật sư Nguyễn Hồng Bách

Theo ông, liệu có phải vai trò của người dân rất quan trọng nên chính quyền Đà Nẵng đã dựa vào dư luận để quyết định dừng dự án của nhà đầu tư như trường hợp đối với Công ty cổ phần thép Dana Ý và cách làm tương tự sẽ áp dụng với với Dự án Marina Complex?

Dư luận, người dân là rất quan trọng đối với quyết định quản lý của chính quyền nên thực tế “dư luận” hay “ý kiến người dân” rất dễ bị lợi dụng để lấy cớ hay để đổ lỗi.

Xét ngay đến tình huống cụ thể ở Đà Nẵng, nếu như ở vụ việc nhà máy thép Dana Ý thì có thể thấy những người dân rất cụ thể, họ sống ở cạnh nhà máy và họ cho rằng mình bị ảnh hưởng nên họ phản đối. Dư luận và người dân là có thật.

Còn trong tình huống ở dự án Marina Complex, ta sẽ không thấy “người dân” ở đây là nhóm người nào cụ thể. Họ là chủ thể không rõ ràng hay nói cách khác, từ “người dân” ở đây là tất cả những cũng không là ai cả.

Từ thực tế này, nếu quan sát kỹ thì ai cũng có thể nhận thức vấn đề dư luận về dự án Marina Complex là có thật hay không và sẽ thấy được bản chất thật sự của câu chuyện dự án Marina Complex.

Đà Nẵng giao Ủy ban mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị phản biện để tập hợp ý kiến của các tổ chức, đoàn thể đối dự án mà doanh nghiệp đang thực hiện, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Với một logic các sự việc, từ các bài báo đến chỉ đạo tổ chức hội nghị phản biện dự án rồi sẽ đến quyết định của lãnh đạo Thành phố, tôi cho rằng đây là cách làm mà lãnh đạo TP Đà Nẵng đã ngụ ý là làm theo ý kiến của cử tri, của dư luận và người dân.

Nhưng, ngay cả khi hội nghị phản biện tới đây chỉ có các ý kiến phản đối dự án thì cũng không thể chấm dứt dự án được vì những ý kiến phản đối chưa chắc đã khách quan và đúng khoa học.

Hơn nữa, dừng một dự án, điều quan trọng là phải căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, khi chính quyền dựa vào dư luận mà không có căn cứ pháp luật là không thượng tôn pháp luật. Nếu là dư luận “được tạo ra” thì có thể dẫn đến sự lạm quyền.

Thưa Luật sư Trần Việt Hùng, theo dõi thông tin về vụ việc này những ngày qua, ông có quan điểm như thế nào về việc này?

Tôi thấy rõ hai luồng ý kiến về vụ việc này. Một luồng ý kiến cho rằng, cần phải xem xét dừng dự án vì tác động môi trường, đặc biệt là đối với dòng chảy sông Hàn. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, đó là vấn đề đã được giải quyết từ năm 2016 và trước đó, khi dự án được phê duyệt. Đến nay, TP Đà Nẵng chưa có quyết định gì về dự án này thì có nghĩa là chưa có hậu quả pháp lý nào xảy ra.

Luật sư Trần Việt Hùng
Luật sư Trần Việt Hùng

Tuy nhiên, bàn đến vấn đề tiếp theo là tiếp tục thực hiện hay dừng dự án thì phải trả lời cho được câu hỏi “căn cứ pháp lý nào”. Bởi lẽ, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, phải có căn cứ pháp luật cho cả vấn đề dừng hay không dừng dự án.

Theo ông, chính quyền được tạm dừng, chấm dứt dự án trong trường hợp nào?

Theo Điều 47 Luật Đầu tư thì dự án có thể bị tạm dừng để khắc phục các vấn đề về môi trường, về an toàn lao động, để bảo vệ di tích lịch sử quốc gia hay do chủ đầu tư không thực hiện đúng giấy phép đầu tư.

Điều 48, Luật Đầu tư quy định về trường hợp chấm dứt dự án, theo đó dự án bị chấm dứt nếu các “lỗi” quy định tại điều 47 nêu trên không được khắc phục và khi có các căn cứ khác như chủ đầu tư tự chấm dứt dự án, hết thời hạn dự án, chủ đầu tư không có khả năng thực hiện dự án...

Như vậy, muốn xem xét lại dự án phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Việc tán hay hay phản đối dự án không phải là căn cứ pháp lý để dừng dự án vì việc phản đối dự án, đôi khi dựa trên định kiến và quan điểm lợi ích. Do đó, đó không phải là căn cứ pháp lý.

Nếu dựa vào việc có nhiều phản đối dự án để ra quyết định chấm dứt đầu tư của doanh nghiệp thì không chỉ nhà nước phải bồi thường mà còn tạo ra một hệ lụy rất xấu về môi trường đầu tư. Nó cho người ta cảm giác, nếu chính quyền địa phương muốn dừng dự án thì họ sẽ thực hiện được bằng công cụ dư luận bị điều khiển mà không căn cứ khách quan, khoa học và dựa trên luật pháp.