50 năm trước, 11h30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ kết thúc, tạo tiền đề cho sự thống nhất đất nước. Trong cuộc trường chinh bảo vệ độc lập dân tộc, mỗi người dân Việt Nam bằng những cách khác nhau đóng góp sức mình cho kháng chiến.
Không trực tiếp cầm súng nhưng những nhà báo, phóng viên chiến trường cũng đã vượt gian khổ, quyết sát cánh cùng nhân dân trên các miền quê đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phục vụ chiến đấu và cùng các đoàn quân ra chiến trường.
Nhà báo Đinh Quang Thành và nhà báo Trần Mai Hưởng là hai trong số những nhà báo, phóng viên chiến trường như thế. Các ông đã cùng hành quân, vượt đèo, lội suối, băng rừng, băng qua hiểm nguy để ghi lại những khoảnh khắc chiến trận.
|
Thanh niên Sài Gòn chạy theo xe tăng của Quân giải phóng tiến đánh Dinh Độc lập, Sài Gòn, năm 1975. Tác giả: Nhà báo Đinh Quang Thành |
Nhà báo, phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành và nhà báo Trần Mai Hưởng là những nhiếp ảnh gia gạo cội của Thông tấn xã Việt Nam, là thành viên của tổ mũi nhọn theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn.
Những bức ảnh của các ông hết sức chân thực, có giá trị lịch sử vô giá, sống mãi với thời gian, trở thành những nguồn tư liệu cung cấp những thông tin về đời sống, sản xuất, chiến đấu, trên hết đó là về tinh thần quyết tâm của nhân dân cho hoà bình, độc lập, tự do.
|
Sài Gòn ngày 30/4/1975: Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập. Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hưởng |
Nhà báo Đinh Quang Thành sinh năm 1935 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp của mình, ông đã cống hiến hết mình, tận tuỵ, say mê với nhiếp ảnh, đã có nhiều đóng góp to lớn.
Ông đã vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen của các bộ, ngành trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.
Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu trong đó cụm tác phẩm (5 ảnh) “Địch phá ta cứ đi” được Giải thưởng Nhà nước năm 2022 là những tác phẩm tiêu biểu, giá trị, độc đáo.
|
Những tấm ảnh quý giá của nhà báo Đinh Quang Thành. (ảnh T.D) |
Nhà báo Trần Mai Hưởng sinh năm 1951 tại Hải Dương, Phóng viên, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông từng tác nghiệp tại Hà Tây, có mặt tại chiến trường Quảng Trị và Vĩnh Linh. Đầu năm 1975, khi nghe tin giải phóng Buôn Ma Thuột, ông trở lại chiến trường, viết bài, chụp ảnh và kịp thời phản ánh tình hình.
Đặc biệt, vào ngày 30/4/1975, ông đã chụp được những bức ảnh lịch sử khi xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập. Bức ảnh của ông cùng những khoảnh khắc đặc biệt trở thành biểu tượng của ngày chiến thắng.
Để những bức ảnh lịch sử dân tộc phục vụ cho công chúng nhiều hơn, mang tầm giá trị quốc gia, ngày 29/4/2025 giữa không khí hân hoan, rộn ràng, tưng bừng của cả nước kỷ niệm ngày thống nhất, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức tiếp nhận những bức ảnh quý giá từ các nhà báo. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, góp phần làm phong phú hơn các góc nhìn về cuộc kháng chiến qua tài liệu, tư liệu lưu trữ.
|
Nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ về sự ra đời của những tấm ảnh mang ý nghĩa lịch sử. (ảnh T.D) |
Đại diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia III gửi lời cảm ơn các nhà báo đã gìn giữ những bức ảnh này và gửi, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là cơ quan lưu trữ có chức năng lưu trữ, bảo quản toàn bộ tài liệu được sản sinh và hình thành của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Đồng thời, Trung tâm cũng mong muốn nhà báo Đinh Quang Thành và nhà báo Trần Mai Hưởng tiếp tục gửi gắm những tài liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của mình bảo quản tại Trung tâm để khối tài liệu được đầy đủ và phong phú hơn.