Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, trong môi trường số, các nhà báo có thể đối diện với các nguy cơ đến từ “fake news”, tấn công dữ liệu, tấn công từ mạng xã hội… nên an toàn tác nghiệp trong môi trường số càng trở nên quan trọng. Với báo chí điện tử, dữ liệu, thông tin số vừa là tư liệu, vừa là sản phẩm, tài sản chủ yếu của báo chí; mặt khác, ngành báo chí không thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ nên kiến thức, kỹ năng về an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức, trường đào tạo báo chí, các tổ chức xã hội về báo chí nghiên cứu sâu và có chương trình, hành động cụ thể để tăng cường an toàn tác nghiệp báo chí nhưng ở Việt Nam, câu chuyện an toàn tác nghiệp báo chí vẫn chưa được đặt ra một cách toàn diện.
Dẫn giải 12 vấn đề an toàn số với nhà báo của UNESCO, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh (Học viện Ngoại giao) cho biết, nhà báo phải đối mặt với việc có thể bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm; tấn công lừa đảo; tấn công bằng tên miền giả mạo. Nhiều phóng viên đã chia sẻ về việc mình bị xâm phạm, đe dọa, bôi nhọ trên mạng, đánh cắp thông tin, ăn cắp dữ liệu…
Trong bối cảnh như vậy, ông Nguyễn Hòa Văn - Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, trong kỷ nguyên công nghệ số, phải tuyên truyền cho các nhà báo kỹ năng bảo vệ an toàn trong tác nghiệp.