Thẳng thắn mà nói, 20 năm trước câu nói “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của HLV Alfred Riedl khiến chúng ta day dứt với cách làm bóng đá chắp vá, nghiệp dư. Bây giờ bóng đá Việt Nam đã và đang có những thay đổi tích cực.
Giải đấu U16, U17, U20 vừa qua của Đội tuyển Việt Nam cho thấy mô hình đào tạo tầng lớp kế cận đã có hiệu quả và bền vững từ Hoàng Anh Gia Lai, cho tới Trung tâm PVF, Viettel, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An… các lò đào tạo ở đây luôn cho xuất hiện nhiều nhân tố mới cho bóng đá nước nhà. Cả U17 và U20 đều giành quyền dự Vòng chung kết châu Á trong năm sau. Đó là một thành công vượt bậc của công tác đào tạo trẻ từ các cơ sở và tầm nhìn của VFF.
Chiến lược trẻ hóa lực lượng cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua và quan tâm sát sao. Cũng nhờ thế mà Việt Nam liên tục có được thành công trong 3 năm trở lại đây. Điển hình là tấm vé dự U20 World Cup 2017, ngôi Á quân U23 châu Á 2018, Top 4 ASIAD 2018, vô địch AFF Suzuki Cup 2018, Top 8 Asian Cup 2019 và Huy chương Vàng SEA Games 2019 và 2021.
Sau khi U17 Việt Nam đã giành chiến thắng với tỷ số 3-0 trước U17 Thái Lan tại vòng loại U17 châu Á, phát biểu sau trận đấu, HLV Nguyễn Quốc Tuấn của U17 Việt Nam nói: “Tôi rất hạnh phúc khi những chiến binh sao vàng có một trận đấu tuyệt vời và giành thắng lợi. Ở mỗi trận đấu, chúng tôi đều có một đấu pháp riêng. Đặc biệt với Thái Lan, U17 Việt Nam lại càng nghiên cứu kỹ hơn, tập trung cao độ hơn.
Các cầu thủ hiện giờ mới chỉ 15 - 16 tuổi. Qua thời gian, họ sẽ hiểu được triết lý bóng đá, tinh thần thi đấu của tôi. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ chuẩn bị kế hoạch kỹ hơn cho các cầu thủ trẻ. Các em nên đi từng bước thật chắc chắn để phát triển tốt trong tương lai. Tôi muốn các cầu thủ có hành trang về kỹ chiến thuật, thể chất. Trong tương lai, những cầu thủ này sẽ có mặt ở các đội mạnh của bóng đá Việt Nam”.
Xây dựng nền bóng đá dựa trên những người trẻ luôn là gốc rễ phát triển của mọi nền bóng đá qua mọi thời kỳ khác nhau. Với bóng đá Việt Nam, sau giai đoạn thành công cùng hai lứa cầu thủ 1995 - 1997 và 1997 - 1999, các CLB, Học viện, đội tuyển quốc gia dưới sự quản lý, hỗ trợ của VFF cần phải tiếp tục sản sinh những lứa cầu thủ kế cận có chất lượng từ tương đương đến giỏi hơn. Bởi chỉ như thế, Việt Nam mới có thể duy trì được thành công cũng như hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Mà đỉnh cao trong số đó là tham vọng dự World Cup 2026 với lứa cầu thủ 2001 - 2004.
Cách đây không lâu, trao đổi về bóng đá, HLV Philippe Troussier đã chỉ ra rằng bóng đá Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong việc tạo điều kiện thi đấu cho lứa cầu thủ cận chuyên nghiệp (từ U17 đến U21). “Phù thủy trắng” đưa ra một con số cụ thể. Đó là 40 trận đấu cho lứa cầu thủ trẻ này trong một năm. Hy vọng tới đây, VFF, VPF sẽ tạo nhiều sân chơi cho các cầu thủ trẻ thi đấu. Các câu lạc bộ mạnh dạn cho các cầu thủ trẻ thi đấu ở các giải hạng Nhất, Nhì… thậm chí cả V. League nếu đáp ứng được năng lực. Điều đó để bóng đá Việt Nam không bị đứt gãy giữa các thế hệ.