Nhà đầu tư điện mặt trời “chạy nước rút” để hưởng ưu đãi

(PLO) - Sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về giá mua điện mặt trời vào tháng 7 vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã chạy nước rút nhằm đưa điện lên lưới trước ngày 30/6/2019 để được hưởng ưu đãi. 
Không còn nhiều thời gian để nhà đầu tư hoàn thiện dự án, hưởng chính sách ưu đãi giá bán điện mặt trời
Không còn nhiều thời gian để nhà đầu tư hoàn thiện dự án, hưởng chính sách ưu đãi giá bán điện mặt trời

Nên đầu tư dự án dưới 50 MW?

Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo mới chủ chốt trong tương lai với việc nâng công suất lắp đặt hiện đang ở mức 6 - 7 MW vào cuối năm 2017 lên đến 850 MW vào năm 2020 (tương ứng 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12.000 MW vào năm 2030 (tương ứng 3,3% tổng sản lượng điện của Việt Nam).

Theo GIZ, năm 2017, công suất lắp đặt các dự án điện mặt trời trên thế giới tăng 30%. Tiềm năng thị trường cho các dự án đầu tư về điện mặt trời trong các ngành thương mại và công nghiệp khá lớn. Dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ở mức 5% - 6% một năm trong thời gian tới kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ ngày một tăng lên, là cơ hội để điện mặt trời phát triển. 

Theo Tổ chức Hợp tác phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), năm 2017, công suất lắp đặt điện mặt trời trên toàn cầu tăng thêm 30%. Riêng tại Trung Quốc, công suất lắp đặt này đã tăng lên gấp hai lần. Hiện điện mặt trời là ngành năng lượng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tại Việt Nam, điện mặt trời nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức.

Ông Rainer Brohm, chuyên gia Đức về năng lượng mặt trời của GIZ cho biết, các dự án điện mặt trời thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Ở một vài tỉnh, quỹ đất cũng như khả năng nối lưới là những yếu tố làm hạn chế số lượng các dự án được phê duyệt. Do đó, việc đánh giá yếu tố khả thi của các dự án điện mặt trời mới cần phải được tiến hành kỹ càng và cụ thể. Các yếu tố này bao gồm lựa chọn địa điểm, kinh nghiệm của nhà thầu, chất lượng thiết bị và quá trình lắp đặt nhằm giảm thiểu khả năng dự án bị đổ vỡ hoặc thất bại. 

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) khuyến cáo các nhà đầu tư nên làm dự án nhỏ hơn 50 MW, dự án quy mô lớn hơn có thể để sau một thời gian. “Nhà đầu tư nào có tiềm lực thì chúng tôi rất chào đón, tuy nhiên rủi ro ở đây cũng lớn.”, ông Thực nói.

Thời gian thực hiện dự án đang rất gấp để có thể được hưởng mức giá ưu đãi mà Chính phủ đưa ra, trong khi nhà đầu tư còn băn khoăn đến một số quy định mà Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án điện mặt trời.

Tránh sử dụng công nghệ lạc hậu

Ông Nguyễn Anh Minh, Ban Quản lí Dự án Thủy điện 5 (EVN) thắc mắc, các văn bản hiện nay mới chỉ quy định 1 MW điện mặt trời sẽ được sử dụng tối đa 1,2 hecta đất, nhưng chưa nêu điều kiện công trường như thế nào, độ dốc bao nhiêu. Điều này gây khó khăn cho việc xác định xuất đầu tư của nhà máy. Ông Minh gợi ý, với nhà máy lớn 50MW, nên cấp sơ đồ tổ chức tham khảo để các nhà máy có thể áp dụng để tối ưu được công tác vận hành trong điều kiện của Việt Nam. 

Trả lời thắc mắc này, ông Phạm Trọng Thực cho biết, yêu cầu sử dụng về đất 1,2 hecta/ 1MW điện mặt trời được đưa ra sau khi Bộ Công Thương tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Hiện nay có một số dự án đã được thực hiện, có 3 dự án đã nộp thiết kế dự án trình Bộ phê duyệt thì đều đáp ứng tiêu chí này. 

Giải thích thêm, ông Thực cho biết Việt Nam là nước đi sau, châu Âu phát triển trước về điện mặt trời hơn 20 năm, Trung Quốc trước khoảng 10 năm. Để tránh việc công nghệ lạc hậu áp dụng vào các dự án điện mặt trời Việt Nam, Bộ Công Thương đã đưa ra hai tiêu chí để lựa chọn là hiệu suất của tấm pin mặt trời và suất sử dụng đất. Trong số các mô hình đó, Bộ đã chọn suất sử dụng đất điển hình như trên để tiết kiệm đất và tận dụng công nghệ mới. 

Ông Võ Phùng Thuận, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE băn khoăn, trong Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển Dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các Dự án điện mặt trời, Điều 15, khoản 2, giá mua điện chỉ áp dụng trước ngày 30/6/2019 nhưng trong hợp đồng, khoản 9, ngày vận hành thương mại định nghĩa là một phần hoặc toàn bộ nhà máy bán điện nối lưới. Vậy, mức giá áp dụng sẽ là thế nào trong trường hợp nhà máy quy mô 50MW nhưng chỉ có 10 MW được đưa vào lưới điện, 40 MW còn lại có được áp dụng mức giá này không?

Trả lời thắc mắc này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 30/6/2019 là ngày vận hành thương mại, nếu nhà máy có 50 MW điện mặt trời và trước ngày 30/6 đã vận hành 10MW thì 10 MW này được hưởng mức giá 9,35 US cent/kWh. 40MW còn lại áp dụng giá của chính sách sau ngày 30/6. 

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành vào tháng 4/2017 quy định giá mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent Mỹ/kWh. Tuy nhiên, theo Quyết định này, các nhà máy điện mặt trời sẽ phải hoàn thành việc xây dựng và nối lưới trước ngày 30/6/2019 để được hưởng mức giá ưu đãi nói trên. 

Đọc thêm