Thứ duy nhất không khó khăn là niềm đam mê
Thưa bà, năng lượng tái tạo tại Việt Nam là một lĩnh vực rất mới và khó, là người tiên phong nghiên cứu về lĩnh vực này, trong quá trình thực hiện các dự án, bà đã gặp phải những thách thức nào?
- Lĩnh vực năng lượng tái tạo là một thách thức của nhiều nhà khoa học, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Năm 2013 sau khi hoàn thành chương trình đào tạo về lĩnh vực này và trở về nước, năng lượng tái tạo vẫn còn khá mới tại Việt Nam nên có nhiều áp lực rất lớn.
Thứ nhất khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Lĩnh vực năng lượng tái tạo yêu cầu những trang thiết bị hiện đại, với chi phí cao, từ chế tạo ra các vật liệu, đến đo đạc và ứng dụng... tất cả các khâu đều thực hiện rất khó khăn tại Việt Nam. Chi phí để mua nguyên vật liệu cho công nghệ này rất đắt đỏ. Ví dụ như sử dụng bạch kim (vàng trắng) để làm vật liệu nano cho công nghệ này, có giá thành rất cao, phải mất 2 tháng mới có thể mua và vận chuyển bằng đường thủy về Việt Nam. Đây là chi phí rất lớn so với mức lương của các nhà khoa học thời điểm đó.
Thứ hai là khó khăn về nguồn lực: Do lĩnh vực này khá mới tại Việt Nam nên không có đội ngũ từ sinh viên, kỹ thuật viên, thạc sĩ, tiến sĩ.... 1 mình tôi không thể làm được cả 1 công trình nghiên cứu công nghệ cao.
PGS Hồ Thanh Vân nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các bạn sinh viên có đam mê. |
Thứ duy nhất không gặp khó khăn là tâm huyết và lòng đam mê. Khi mọi thứ quá khó khăn để bắt đầu tôi mất rất nhiều thời gian để đấu tranh tư tưởng. Khi đó, có thể chọn dừng lại để đợi đến khi có đủ nguồn lực, vật lực tốt. Tuy nhiên, nhận thấy bản thân đã có nhiều cơ hội để học tập, nếu không bắt tay vào thực hiện, không dấn thân thì Việt Nam sẽ không theo kịp xu thế. Chính vì thế tôi quyết định bắt đầu từ con số 0, đi tìm kiếm nguồn tài trợ đến đào tạo nguồn lực từ đầu...
May mắn tôi nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các bạn sinh viên có đam mê. Từ đó tôi thành lập một nhóm nghiên cứu, bắt tay vào đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị... Đối với những trang thiết bị không thực hiện được tại Việt Nam, tôi sẽ quay lại nơi từng học tập ở nước ngoài để đề nghị hỗ trợ.
Khi học tập và làm việc tại nước ngoài, tôi nhận thấy rằng người Việt Nam rất giỏi, nếu có những điều kiện như ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ có nguồn nhân lực tốt. Chính vì thế tôi quyết định trở về Việt Nam để đào tạo, chắp cánh cho niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ Việt. Kết quả đã có rất nhiều sinh viên, sau khi tham gia dự án nghiên cứu công nghệ tái tạo đã có cơ hội được học tập, làm việc và nhận học bổng từ nhiều nước như Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Đức... Sau khi có những điều kiện để phát triển, các bạn sinh viên lại tiếp tục trao truyền đam mê, kiến thức cho các thế hệ sau. Điều này khiến tôi rất tự hào!
Tôi cho rằng, Việt Nam cần mạnh dạn để tiếp cận những công nghệ cao, mang tính chất toàn cầu mà các nước đang phát triển cũng đang tiếp cận. Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực khoa học – công nghệ, đây là yếu tố rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học.
- Hiện nay, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính là các vấn đề cấp bách trên toàn cầu, vậy những nghiên cứu của bà có tác động như thế nào đến môi trường và xã hội?
- Chúng ta đứng trước hai thực trạng. Thứ nhất là vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu. Thời gian qua, hàng loạt những vấn đề thời tiết cực đoan đã xảy ra: hạn hán, nắng nóng bất thường, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt, sạt lở đất... Thứ hai là cạn kiệt nguồn tài nguyên sẵn có, từ khoáng sản, nguyên liệu hóa thạch... Dự báo về tình hình năng lượng, khoảng 50 năm nữa sẽ dần cạn kiệt nguồn tài nguyên này.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân đã phát triển các giải pháp về xử lý môi trường mang tính chất là bền vững. |
Xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tiêu thụ nhiều năng lượng hơn mà những nguồn này không thể tự tái tạo, cần hàng triệu năm và tùy thuộc vào địa hình tự nhiên. Trước hai thực trạng mà Việt Nam và các nước đang gặp phải, chúng ta bắt buộc phải hướng đến phát triển bền vững, phải tiếp cận năng lượng tái tạo càng sớm càng tốt.
Về năng lượng, nghiên cứu của tôi tập trung vào một trong những dạng năng lượng tái tạo là pin nhiên liệu. Nếu như pin hàng ngày sau khi hết nhiên liệu thì cần phải sạc, thì loại không cần sạc. Bởi chỉ cần nạp nhiên liệu vào 2 điện cực sẽ tạo dòng điện liên tục và tạo ra dòng nước sạch dùng cho sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên, vướng mắc của công nghệ này là chi phí rất cao, hướng nghiên cứu của tôi mục đích để giảm giá thành, tăng độ bền và có thể chế tạo ngay tại Việt Nam mà không cần nhập khẩu hoặc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Đây là giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh rất hiệu quả mà không cần phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết ở mỗi quốc gia. Dự án này sẽ mở ra cơ hội và lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng.
Về môi trường, tôi cũng đã phát triển các giải pháp về xử lý môi trường mang tính chất là bền vững. Tại một số nghiên cứu, tôi áp dụng công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp bằng những thực vật thân thiện với môi trường, tạo nguồn nước sạch cung cấp lại cho sản xuất. Điển hình như dự án lọc nước khử mặn tại Bến Tre. Ngoài ra, tôi cũng ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp bền vững, đơn cử như dự án nông trại thông minh, tưới theo công nghệ cảm biến giúp tiết kiệm 80% lượng nước so với tưới truyền thống. Giải pháp này đã áp dụng cách đây 7 – 8 năm cho cây cà phê ở Tây Nguyên và hiện đang áp dụng cho cây rau hữu cơ tại Bến Tre.
Tôi nghĩ những cái giải pháp này mang tính chất bền vững vì đóng góp cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Khi áp dụng những công nghệ cao vào thực tiễn, có rất nhiều áp lực về tài chính, nguồn đầu tư, truyền tải kiến thức... Nhưng chỉ cần làm được điều gì đó giúp người dân an sinh tốt hơn thì dù vất vả vẫn tôi vẫn cảm rất vui. Những mô hình này cần phải được phổ biến hơn. Tôi mong mình sẽ làm chủ được những thách thức để đạt mục tiêu.
Phụ nữ đam mê khoa học hãy cứ mạnh dạn!
Vừa qua, bà được vinh danh là 1 trong số những nhà khoa học nữ xuất sắc, lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, vậy bà có lời khuyên nào cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam nói chung và những nhà khoa học là nữ nói riêng?
- Sau khi nhận được những giải thưởng danh giá, bản thân tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm và sứ mệnh nhiều hơn trong việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực trẻ tại Việt Nam. Người trẻ Việt Nam có nhiều tố chất tốt, thông minh, chăm chỉ và có tinh thần cầu tiến. Chính vì vậy trên con đường nghiên cứu khoa học, tôi luôn định hướng cho các bạn rằng “Giới hạn của con người là không giới hạn”. Khi đủ đam mê, tâm huyết thì khả năng sẽ không bị giới hạn và thậm chí còn làm được nhiều hơn thế. Tôi mong các bạn hãy dấn thân để thấy rất nhiều cánh cửa mới được mở ra. Phải nghĩ đến những giá trị sâu rộng, đừng nên suy nghĩ phải thành công thì mới làm.
Đối với phụ nữ khi tham gia nghiên cứu khoa học, họ phải chịu nhiều áp lực hơn, từ công việc đến áp lực làm vợ, làm mẹ. Chính vì thế tôi mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều chính sách để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nữ giới. Cần có thêm nhiều quỹ để khuyến khích, tạo động lực cho phụ nữ và tôi tin tưởng rằng khi được tạo điều kiện, những nữ nhà khoa học sẽ có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội.
Năm 2019, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh |
Các chị em phụ nữ có niềm đam mê khoa học hãy cứ mạnh dạn, khi đóng góp cho xã hội cũng là đóng góp cho gia đình, vì gia đình là hạt nhân của xã hội. Hãy chuyển từ áp lực thành động lực để khẳng định bản thân mình.
- Trong quá trình thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, PGS.TS có nhận được sự ủng hộ từ gia đình không? Công việc nghiên cứu cần nhiều thời gian, vậy bà làm thế nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
- Tôi may mắn khi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, để có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho khoa học. Bố tôi là một người rất đam mê công nghệ và luôn mong muốn con gái theo đuổi lĩnh vực này để có những đóng góp cho xã hội. Ông xã là bạn học cùng tại trường đại học, sau đó chúng tôi cùng nhau đi du học. Chính vì vậy, anh là người hiểu rõ về khoa học, góp ý cho tôi rất nhiều về chuyên môn. Bên cạnh đó, anh cũng luôn động viên, đứng sau hỗ trợ việc gia đình để tôi yên tâm dành nhiều thời gian cho nghiên cứu.
Đôi khi tôi cảm thấy có lỗi khi không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tuy nhiên, nếu hy sinh thời gian chăm lo gia đình có thể đổi lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội, tôi chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ rằng, những giá trị tôi mang lại sẽ có lợi cho các con sau này và tôi mong muốn con cũng trở thành một người có ích cho xã hội trong tương lai.
Không chấp nhận sự mất cân bằng, dù bận rộn nhưng tôi vẫn luôn tìm mọi cách để có nhiều thời gian bên gia đình hơn. Với những dự án khoa học thực tiễn, tôi sẽ tham gia cùng gia đình. Đây cũng là cơ hội để các con được tiếp xúc và làm quen với những kiến thức bổ ích ngay từ nhỏ.
- Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bà!
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, sinh năm 1980, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Đồng Tháp. Trong suốt nhiều năm, bà đã tham gia tích cực vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học và cho đến nay đã công bố gần 100 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Bà cũng tham gia với hơn 10 dự án, đề tài Khoa học công nghệ trong và ngoài nước; đạt nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế uy tín...
Năm 2019, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân được Hội đồng Khoa học L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học vinh danh Nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam 2019 với đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 202 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
Năm 2020, PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân lọt vào top 23/100 nhà khoa học tiêu biểu Châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn.
Ngày 22/6/2022, tại trụ sở Tổ chức Khoa học, giáo dục và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris - Pháp, Hội đồng khoa học UNESCO và Quỹ L’Oréal đã trao giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới 2022 cho PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân với những đóng góp nổi bật cho KHCN với dự án "Nghiên cứu phát triển pin nhiên liệu và năng lượng hydro xanh - thiết lập chu trình tuần hoàn năng lượng xanh, tái tạo và bền vững”.
Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.