Tọa đàm có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và bà Phan Thị Hồng Hà - Ủy viên Ban Cán sự Đảng bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp.
Kể từ khi Tuyên bố Bắc Kinh được thông qua vào năm 1995, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới. Bộ Tư pháp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và đảm bảo thi hành các chính sách, luật pháp, hướng đến bình đẳng giới, tạo cơ hội phát triển toàn diện cho phụ nữ, đặc biệt là ở các lĩnh vực như lao động, hôn nhân gia đình, giáo dục, và y tế.
Tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao những tiến bộ của Việt Nam trong 30 năm thực hiện Tuyên bố Bắc Kinh. Bà nhấn mạnh vai trò của Hội trong việc giám sát, phản biện xã hội và đề xuất các chính sách hỗ trợ phụ nữ, như Nghị định 39/2015 về hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. |
Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ, giúp họ hiểu rõ quyền của mình và có khả năng tự bảo vệ mình trong đời sống hàng ngày.
Hội LHPN Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan nhà nước và các tổ chức quốc tế để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong cộng đồng. Qua các chương trình truyền thông và các hoạt động hỗ trợ pháp lý, Hội đã giúp phụ nữ ở cả khu vực thành thị và nông thôn, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn thực hiện quyền của mình trong lĩnh vực kinh tế, giá đình cũng như giải quyết các vụ việc xâm hại quyền phụ nữ và trẻ em.
Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng các đại biểu cũng thừa nhận rằng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Định kiến giới vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về thu nhập giữa nam và nữ vẫn đáng lo ngại. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động nữ chỉ bằng 74% so với lao động nam trong quý II/2024.
Ngoài ra, phụ nữ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp tương lai, đặc biệt trong các ngành công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo. Về chính trị, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam đứng thứ 53/146 quốc gia, nhưng tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng vẫn còn thấp, xếp thứ 116/146 quốc gia.
Về mặt gia đình, phụ nữ vẫn đảm nhiệm nhiều công việc nội trợ hơn nam giới. Thống kê cho thấy, thời gian phụ nữ dành cho công việc nhà nhiều hơn nam giới gấp 1,8 lần.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Phan Thị Hồng Hà - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp, nhấn mạnh rằng: Bộ Tư pháp đã tích cực đóng góp vào việc hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Bà Phan Thị Hồng Hà - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp chia sẻ tại buổi Toạ đàm. |
Bà Hà cho biết: "Bộ đã chủ trì xây dựng Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), yêu cầu các cơ quan tuân thủ việc lồng ghép yếu tố giới trong các văn bản pháp luật. Các văn bản quan trọng như Bộ luật Hình sự, Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình đều đã tích cực lồng ghép yếu tố này, nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái."
Các chính sách này đã giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu quốc gia về quyền của phụ nữ, đồng thời đáp ứng các cam kết quốc tế về bình đẳng giới. Các chính sách pháp luật được thực hiện nghiêm túc, giúp nâng cao nhận thức xã hội về quyền của phụ nữ, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để phụ nữ Việt Nam có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí rằng cần tiếp tục thúc đẩy các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, và xã hội.
Bà Phan Thị Hồng Hà khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, lồng ghép yếu tố giới trong quá trình xây dựng chính sách để đảm bảo rằng mọi phụ nữ đều có quyền tiếp cận pháp lý bình đẳng và được bảo vệ.
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương cũng nhấn mạnh rằng cần phải tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo và quản lý. "Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong các ngành kinh tế và chính trị. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được bình đẳng giới thực sự và bền vững," bà Hương nói.