SheTold - 30 năm thúc đẩy bình đẳng giới

Việt Nam đạt tiến bộ đáng kể trong tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã trả lời phỏng vấn của Báo Pháp luật Việt Nam về những kết quả đạt được trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh này nhằm đảm bảo quyền của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quý báu dành cho thế hệ phụ nữ trẻ hiện nay.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh.

* Thưa Thứ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua và thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Xin bà cho biết về tầm quan trọng của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đối với việc đảm bảo quyền của phụ nữ tại Việt Nam cũng như trên thế giới trong 30 năm qua?

- Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4, diễn ra tại Bắc Kinh năm 1995, là một trong những văn kiện quan trọng trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Trong 30 năm qua, văn kiện này đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách quốc gia và quốc tế nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, kinh tế và tham gia chính trị.

Thời gian qua Việt Nam đã quyết tâm trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh thông qua việc đẩy mạnh công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi luật pháp; ban hành chương trình và đề án cụ thể về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của của phụ nữ trong toàn xã hội.

Những nỗ lực này đã giúp cho vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện. Ví dụ, trong lĩnh vực chính trị, trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, có 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%.

Trong 30 năm qua, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào nữ quyền và thay đổi các khuôn mẫu văn hóa về vai trò của phụ nữ. Văn bản này đã đặt nền tảng cho việc xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại Việt Nam.

Trên phạm vi toàn cầu, Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã tạo ra một bước đột phá lớn trong việc khẳng định quyền phụ nữ là nhân quyền. Văn kiện này đã trở thành một kim chỉ nam cho các quốc gia trong việc đưa ra những chính sách và chiến lược nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Thông qua việc đề xuất 12 lĩnh vực quan tâm, bao gồm: phụ nữ và nghèo đói; giáo dục đào tạo cho phụ nữ; phụ nữ và sức khỏe; bạo lực đối với phụ nữ; phụ nữ và xung đột vũ trang; phụ nữ và kinh tế; phụ nữ với quyền lực và ra quyết định; cơ chế vì sự tiến bộ của phụ nữ; quyền con người của phụ nữ; phụ nữ và truyền thông; phụ nữ và môi trường; trẻ em gái, Cương lĩnh đã giúp các quốc gia xác định rõ ràng những hành động cụ thể cần thiết để nâng cao vị thế và quyền lợi của phụ nữ. Các tổ chức quốc tế và khu vực đã sử dụng văn kiện này làm nền tảng để đẩy mạnh các chương trình hợp tác và phát triển nhằm hỗ trợ phụ nữ.

Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, việc thực thi các Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vẫn còn gặp nhiều thách thức. Bất bình đẳng giới còn tồn tại rõ rệt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra có diễn biến hết sức phức tạp; việc xử lý và can thiệp các vụ việc bạo lực này vẫn còn gặp khó khăn và đôi khi chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng đã gây ra bất bình trong xã hội…

Do đó, việc tiếp tục duy trì cam kết và thúc đẩy các chính sách liên quan đến quyền của phụ nữ dựa trên Cương lĩnh Bắc Kinh là điều cần thiết để đảm bảo rằng quyền lợi của phụ nữ sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát triển trong tương lai.

* Bà đánh giá như thế nào về những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh trong 30 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị và các vị trí ra quyết định?

- Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong công việc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, đặc biệt trong việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị và các vị trí ra quyết định. Thông qua việc xây dựng và ban hành nhiều chính sách, luật pháp thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là chính trị.

Theo đó, trong việc xây dựng chính sách, những năm qua, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng về bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tại Việt Nam, có thể kể đến như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Luật Phòng, chống buôn bán người năm 2011; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới; Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị. Các chương trình này đã giúp nhiều phụ nữ có cơ hội được học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng về lãnh đạo, quản lý, đồng thời giúp phá vỡ những rào cản văn hóa và xã hội về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Chính phủ đã thực hiện nhiều kế hoạch và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ), với nhiệm vụ tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách (mục II.3).

Trong việc tổ chức thực hiện, Việt Nam đã tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định. Nghị quyết số 11-NQ/TW xác định “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”.

Tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay được truyền thông rộng rãi. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay được truyền thông rộng rãi. (Ảnh chụp màn hình)

Việc xác định tỷ lệ cơ cấu hợp lý nên tỷ lệ nữ trúng cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ đạt 30,26% (151 đại biểu), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ đạt 29% (1079 đại biểu, cao hơn 2,44% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ đại biểu HĐND cấp huyện là nữ đạt 29,08% (6.557 người, cao hơn 1,58% so với nhiệm kỳ trước); tỷ lệ đại biểu HĐND cấp xã là nữ đạt 28,48% (68.265 người, cao hơn 1,89 so với nhiệm kỳ trước). Việc tăng số lượng, hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ qua đã có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND và đã có tác động tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, giám sát những vấn đề về quốc kế dân sinh.

* Bà có thể chia sẻ về những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong việc thúc đẩy phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các vị trí ra quyết định?

- Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chính sách và quy định nhằm tăng cường vai trò tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định, nhưng quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ và nam giới vẫn còn phổ biến. Nhiều người vẫn tin rằng nam giới phù hợp hơn với các vị trí lãnh đạo, trong khi phụ nữ nên tập trung vào vai trò chăm sóc gia đình. Điều này dẫn đến việc phụ nữ không nhận được đủ sự ủng hộ hoặc cơ hội để phát triển trong sự nghiệp.

Thêm vào đó, phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Khác với nam giới, phụ nữ còn phải dành nhiều thời gian cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái và các thành viên khác. Đối với những cán bộ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với nữ cán bộ cao tuổi. Vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên của họ, tạo cho họ tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu. Vấn đề giải quyết hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với phụ nữ.

* Riêng đối ngành Tư pháp, tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện các giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thi hành chính sách, pháp luật; hướng dẫn việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Xin Thứ trưởng chia sẻ rõ hơn về hoạt động này của Bộ Tư pháp?

- Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Bên cạnh nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg thì tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giao Bộ Tư pháp “Thực hiện việc hướng dẫn lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thẩm định việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” (điểm d mục IV.1).

Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Báo Pháp luật Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Lê Hồng)

Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Báo Pháp luật Việt Nam năm 2018. (Ảnh: Lê Hồng)

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ, Bộ đã thực hiện xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ), trong đó, xác định việc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới là một trong những nội dung thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng biên soạn các tài liệu tập huấn hướng dẫn việc xây dựng Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật và quán triệt các nguyên tắc của Luật Bình đẳng giới, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn chú trọng tham mưu với Chính phủ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về bình đẳng giới, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để phát huy tối đa tiềm năng nguồn nhân lực của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và nam giới được thụ hưởng đầy đủ quyền bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Ví dụ như:

+ Đối với các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, Bộ đã: tuân thủ việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới ngay từ khâu tổng kết thực tiễn thi hành; rà soát VBQPPL, đánh giá tác động của chính sách, chú trọng các giải pháp để giải quyết vấn đề giới (nếu có); quy phạm hóa các chính sách đã được thông qua; rà soát, đánh giá tính tương thích của các văn bản hiện hành với các điều ước quốc tế và các VBQPPL có liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em nhằm tìm ra những hạn chế của các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng giới trong lĩnh vực mà văn bản điều chỉnh, qua đó đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong từng dự thảo luật cụ thể…

Trong quá trình soạn thảo, Bộ Tư pháp luôn đảm bảo sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, các chuyên gia về giới nhằm đảm bảo tính minh bạch, khả thi và bình đẳng giới thực chất khi các VBQPPL được ban hành.

+ Việc thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, dự thảo VBQPPL được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL, trong đó, vấn đề lồng ghép vấn đề bình đẳng giới là một trong những nội dung thẩm định của Bộ Tư pháp. Các đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL đều được thẩm định thông qua cơ chế Hội đồng tư vấn thẩm định, Hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp tư vấn thẩm định. Trong quá trình thẩm định, thành phần của Hội đồng đã bảo đảm tỷ lệ về giới tính, có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới như: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các chuyên gia giới, đặc biệt là Nhóm chuyên gia giới của Bộ Tư pháp. Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 119 đề nghị xây dựng VBQPPL và 677 dự án, dự thảo VBQPPL và tham gia góp ý gần 1800 dự án, dự thảo văn bản đề án khác.

* Thứ trưởng có lời khuyên nào dành cho thế hệ phụ nữ trẻ hiện nay, đặc biệt là những người mong muốn tham gia vào các vị trí lãnh đạo và ra quyết định?

- Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Trước hết, tôi mong muốn các bạn trẻ hãy tin tưởng vào năng lực của bản thân và không ngừng phát triển kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng xã hội. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, phụ nữ cần nắm bắt cơ hội học hỏi không ngừng, trau dồi kiến thức và linh hoạt trước những diễn biến mới.

Bên cạnh đó, phụ nữ trẻ cần rèn luyện các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp hiệu quả và khả năng làm việc nhóm. Đây là những kỹ năng thiết yếu để quản lý công việc và xây dựng mối quan hệ trong môi trường làm việc. Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ có chuyên môn xuất sắc mà còn phải biết lắng nghe, hiểu rõ đội ngũ, nhân viên của mình và tạo được sự tin tưởng, động lực làm việc cho họ. Sự tự tin là yếu tố quan trọng giúp phụ nữ vượt qua những định kiến về giới. Phụ nữ cần bảo vệ quan điểm cá nhân, phát huy năng lực và chứng minh kết quả thông qua hành động và hiệu quả công việc.

Hơn nữa, việc xây dựng một mạng lưới quan hệ sâu rộng cũng là yếu tố quan trọng. Cần chủ động kết bạn, giao lưu với những người có kinh nghiệm, đồng nghiệp và các nhà lãnh đạo thành công để học hỏi tư duy, kinh nghiệm từ họ. Những người bạn có giàu kinh nghiệm có thể sẽ giúp phụ nữ trẻ nhìn nhận công việc một cách toàn diện hơn, định hướng tốt hơn trong sự nghiệp và nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

Cuối cùng, đừng sợ thất bại. Mọi thất bại đều chỉ là một bước đệm để tiến tới thành công, và từ những khó khăn, phụ nữ sẽ tôi luyện được bản lĩnh và khả năng vượt qua những rào cản. Dám chấp nhận rủi ro, bước ra khỏi vùng an toàn và không ngừng học hỏi sẽ giúp phụ nữ trẻ không chỉ đạt được vị trí lãnh đạo mà còn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.

Đọc thêm