Nhà thơ được mệnh danh 'bảo vật quốc gia' cũng 'nhúng chàm'

(PLO) - Ko Un là một nhà thơ gạo cội, vô cùng nổi tiếng và rất được kính trọng ở Hàn Quốc. Năm nay đã 85 tuổi, ông Ko Un được xem là “bảo vật quốc gia” vì thành tựu thi ca. Nhiều bài thơ của ông được coi là biểu tượng của thi ca Hàn Quốc. Các tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. 
Hình ảnh nhà thơ Ko Un
Hình ảnh nhà thơ Ko Un

Chỉ trong vòng một tháng, làn sóng #MeToo như nhấn chìm làng giải trí Hàn Quốc. Mỗi ngày đều có những lời tố cáo mới từ nhiều lĩnh vực và nhiều tên tuổi lớn của nền văn hóa Hàn Quốc bị gọi thẳng tên.

Bị hậu bối tố cáo

Theo Korea Times, điều gây sốc nhất chính là khi những người bị tố cáo lại là những tên tuổi lớn không chỉ được kính trọng, đạt nhiều thành tựu mà còn được coi là biểu tượng của đất nước. Họ là những giám đốc ngành sân khấu, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, chuyên gia âm nhạc và thậm chí, nhà thơ vĩ đại được coi là ứng viên Nobel của Hàn Quốc, Ko Un.

Đối với người Hàn Quốc, nhà thơ Ko Un từng được xem là nhà thơ vĩ đại nhất, là “bảo vật” của xứ kim chi. Ông là ứng viên cho giải Nobel văn học trong nhiều năm. Những vần thơ của ông có ảnh hưởng đến thơ ca lãng mạn Hàn Quốc và là nguồn cảm hứng của bao thế hệ.

Tuy nhiên, câu chuyện của nhà thơ Ko Un gần đây khiến nhiều người một lần nữa nhận ra rằng đôi khi phía sau vẻ đẹp của nghệ thuật lại là một tâm hồn không đẹp.

Trước đó hồi tháng 12/2017, Ko Un bị gián tiếp tố cáo hành vi lạm dụng tình dục nhiều nhà thơ nữ qua bài thơ The Beast (Ác quỷ) của tác giả nổi tiếng Choi Young Mi.

Trong bài thơ, cô Choi nhắc đến kẻ tên “En”, người đã “luôn sờ soạng các cô gái trẻ mỗi khi gặp” và thừa nhận “Tôi cũng không thể chối bỏ mình là kẻ tiếp tay khi đã không làm gì để ngăn hắn lại”. Dù không nhắc đích danh Ko Un, bài thơ vẫn được báo chí Hàn Quốc khẳng định là nói về Ko Un. Nhiều tờ báo còn nhắc hẳn tên ông khi đưa tin.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Korea Time, cô Choi đã có những dòng chia sẻ của mình nhưng không chỉ đích danh người quấy rối mình là ai, “Nhà thơ K mỗi khi nói chuyện với tôi, vẫn luôn nhắc đến thói quen xấu thích mò mẫm những phụ nữ trẻ của mình. Sau một thời gian dài gặp lại, ngồi cạnh ông ta, tôi tỏ ra ái ngại khi hành động đó lại lặp lại nhưng tôi không biết phải làm thế nào.

Lần đó, chiếc áo lụa tôi mượn em gái bị vần vò nhăn nhúm. Nhiều năm sau đó, tôi gặp lại ông ta trong một bữa tiệc cuối năm của một công ty xuất bản. Chính mắt tôi chứng kiến ông ta ngồi cạnh một biên tập viên đã có gia đình và như thường lệ ông ta đang có những hành động quấy rối khiến cô ấy tức giận mà hét vào mặt ông ta rằng, ‘đồ lão già xấu xa!..’, sau đó bỏ chạy khỏi bữa tiệc”. 

Nạn nhân của ông Ko quấy rối thường là các nhà văn, biên tập viên nhà xuất bản, nhưng “thói quen xấu” của ông luôn là bí mật trong ngành. Cô Choi Young-mi nói rằng, những ai ước mong trở thành nhà văn và nhà thơ đều sợ chống lại ông, vì tác phẩm của họ có thể không được chọn để xuất bản. 

“Những người có tên tuổi như ông ta thường nằm trong ban biên tập của các chương trình văn học lớn trong nước, qua đó các nhà thơ, nhà văn có tham vọng xuất bản tác phẩm của mình tới công chúng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự đánh giá của những người như nhà thơ Ko Un. Do vậy, thường rất ít người chống lại những hành vi quấy rối tình dục hoặc có ý định tố cáo vì sợ bị trả thù, sự nghiệp của họ sẽ tiêu tan khi vừa mới chớm nở”, nữ nhà thơ Choi cho biết. 

Tuy nhiên khi báo chí và truyền thông vào cuộc, cô Choi không xác nhận, cũng không bác bỏ danh tính nhân vật trong bài thơ là ông Un. Cả bà Choi và Bloodaxe Books, nhà xuất bản của ông Un, đều không phản hồi yêu cầu bình luận của báo chí. 

Hồi tháng 2/2018, cô Choi Young-mi đã lên TV nói rằng cô và các nhà thơ nữ khác đã “liên tục bị một nhà thơ rất nổi tiếng sàm sỡ.” 

Và khi tờ The Guardian đăng tin ông Ko Un bác bỏ cáo buộc, phía cô Choi lại có động thái viết ngắn gọn trên Facebook: “Những gì tôi viết trong bài thơ ‘Monster’ là sự thật.”

Được xem là “bảo vật quốc gia”

Nhà thơ Ko Un sinh năm 1/3/1993, là con cả trong một gia đình nông dân tại thành phố Quần Sơn thuộc tỉnh Jeolla Bắc, Hàn Quốc. Trong một thời gian khi nền văn hóa quốc gia bị đàn áp dưới sự chiếm đóng của người Nhật, ông của Ko Un đã dạy ông ta đọc và viết bằng tiếng Hàn. Ông cũng học tiếng Trung năm 8 tuổi. Khi lên 12 tuổi, ông bắt đầu dấn thân vào nghiệp thơ ca sau khi đọc và ấn tượng mạnh với tập thơ của nhà thơ Han Ha-un. 

Khi là một thiếu niên, ông theo học tại trường trung học Gunsan khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Năm 1952, Ko quyết định trở thành một tu sĩ Phật giáo. Khoảng hơn 10 năm sau, ông xuất bản tập thơ đầu tiên của mình mang tên Otherworld Sensibility (1960) và tiểu thuyết đầu tiên “Cherry Tree trong một thế giới khác (1961). Từ năm 1963 đến năm 1966, ông sống trên đảo Jeju xa xôi, nơi ông thành lập một trường từ thiện, và sau đó chuyển về Seoul. 

Năm 1974, ông thành lập Hiệp hội các nhà văn cho Tự do thực hành và cùng năm đó đã trở thành đại diện của Hiệp hội quốc gia về phục hồi dân chủ. Năm 1978, ông trở thành phó chủ tịch của Hiệp hội Nhân quyền Hàn Quốc, và là phó chủ tịch của Hiệp hội Thống nhất Quốc gia năm 1979.

Trước những hoạt động này, ông Ko bị bỏ tù 3 lần. Vào tháng 5/1980 trong một cuộc đảo chính, ông bị buộc tội phản quốc và bị kết án hai mươi năm tù, nhưng được thả vào tháng 8/1982. 

Sau đó, sự nghiệp của ông Ko bắt đầu có khởi sắc. Ông được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội các nghệ sĩ Hàn Quốc (1989–90) và là chủ tịch của Hiệp hội các nhà văn văn học quốc gia (1992–93). Ông phục vụ như là một đại biểu trong Ủy ban giải phóng quốc gia vào năm 1995. Năm 2000, với tư cách là đại biểu đặc biệt, ông đến thăm Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh Liên Triều và một khối lượng thơ của ông về Nam và Bắc cũng được ra đời (2000). 

Từ năm 2007, ông là một học giả thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul, nơi ông đã giảng bài về thơ và văn học. Từ năm 2010, ông hợp tác với Trung tâm Quốc tế về Viết sáng tạo tại Đại học Dankook. Đầu năm 2013, ông được mời ở lại trong một học kỳ và giảng dạy một số bài giảng đặc biệt tại Đại học Ca'Foscari ở Venice, Ý, nơi ông được trao tặng học bổng danh dự.

Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí vì hòa bình của Ủy ban quốc gia UNESCO. Thậm chí, nhà thơ vĩ đại này còn được coi là ứng viên Nobel của Hàn Quốc. 

Sự nghiệp tiêu tan, hình tượng sụp đổ

Trong một lá thư gửi cho báo The Guardian tại Anh, thi sĩ Ko Un nói rằng ông bày tỏ sự hối tiếc trước sự đau đớn nào mà ông vô tình gây ra. Ông nói tiếp, “Tôi rất cảm thấy có lỗi đối với những chuyện không mong muốn khiến nhiều người đau khổ. Tuy nhiên, tôi thẳng thừng phủ nhận những cáo buộc của một số cá nhân đang cố ý chống lại tôi.”

“Ở Hàn Quốc, giờ đây tôi chỉ đơn giản là sống, chờ đợi thời gian trôi qua và sự thật được phơi bày trước ánh sáng. Tuy nhiên, đối với những người hâm mộ nước ngoài, những người chưa hiểu rõ về câu chuyện, tôi muốn khẳng định rằng tôi không làm gì khiến vợ con và bản thân mình xấu hổ”, nhà thơ Ko Un lên tiếng. Ngay sau khi đưa ra lời xin lỗi, nhà thơ Ko Un đã phải nhập viện để cắt bỏ khối u trong cơ thể. 

Bê bối khiến sự nghiệp của ông gần như tiêu tan, ông Ko Un rút khỏi các chức vụ ở Học viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc và Đại học Dankook. 11 bài thơ của ông sẽ được đưa ra khỏi sách giáo khoa. 

Được biết, thư viện Maninbo có chứa 4.001 bài thơ của ông trong suốt 30 năm hoạt động nghệ thuật bị đóng cửa. Các tác phẩm viết tay của ông Ko Un bị phủ giấy trắng. Chính quyền Seoul đã ngừng triển lãm sự nghiệp vĩ đại của ông. 

“Chúng tôi sẽ cho đóng cửa triển lãm vì không thể trì hoãn hơn nữa. Có quá nhiều người lên tiếng chỉ trích nhà thơ Ko Un. Chúng tôi cũng đã gửi tin thông báo cho ông rằng thư viện Maninbo sẽ đóng cửa, ông Ko trả lời chúng tôi bằng câu nói: Cảm ơn vì tất cả những gì thư viện làm cho tôi”, một quan chức Chính phủ Seoul cho hay.