Nhà thư pháp nổi tiếng và chữ “Mùi” độc đáo chào năm mới

(PLO) - Căn nhà trong ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Đức Cảnh (Hải Phòng) là nơi “bút nghiên” của nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Năm nay, sự sáng tạo của ông mang đến cho công chúng những bức thư pháp chữ “Mùi” độc đáo với nhiều cách viết khác nhau. Đó là cách rất riêng để ông mang đến cho mọi người một năm Ất Mùi với nhiều hi vọng và may mắn.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý và bức thư pháp cho năm Ất Mùi.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý và bức thư pháp cho năm Ất Mùi.
Nhân diện thư và Vật điểu thư
Một buổi chiều đầu tháng 10 năm 2009, tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội), một nhà thư pháp già ngồi cần mẫn viết chữ. Những bức thư pháp của ông lạ lùng, độc đáo và không phải ai cũng hiểu được. Người hỏi ra, hỏi vào về những bức thư pháp lạ lùng, nhà thư pháp già đều cần mẫn giải thích từng chữ, về lối viết và ý nghĩa của chúng. 
Từ đây, hai lối viết thư pháp mới, do chính người Việt Nam nghĩ ra, phá tan lối mòn về 5 lối viết thư pháp cơ bản: Triện Thư, Lễ Thư, Thảo Thư, Hành Thư, Khải Thư của Thư pháp Trung Quốc đã tồn tại hàng ngàn năm. 
Hai lối viết mới được nhà thư pháp Lê Thiên Lý đặt tên là “Nhân diện thư” và “Vật điểu thư”. 
“Nhân diện thư” là lối viết mà mỗi nét chữ là một nét mặt người và tác phẩm đó được biến thể thành nhân vật. Điểm đặc biệt là chữ viết trên bức thư pháp không chỉ giống người thật  ở hình thức mà còn thể hiện được nội tâm, tính cách…của nhân vật. 
Ví dụ như chữ Đức dưới bút pháp của ông biến thành khuôn mặt phúc thiện của Quan Thế Âm Bồ Tát. 
Với lối viết “Vật điểu thư” thì mỗi nét chữ mang theo dáng dấp của các loại động vật hoặc hoa cỏ. Nét mềm mại, uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp đã được thổi hồn vào những con vật, hoa cỏ khiến nó cử động, bay bổng như thật. 
Hai lối viết thư pháp mới của nhà thư pháp Lê Thiên Lý  đã loại bỏ được cái thô cứng và khuôn mẫu của những lối viết thư pháp trước đó nên ngay sau khi ra đời lập tức trở thành hiện tượng. Thậm chí nhiều nhà thư pháp còn cho rằng đó là biểu tượng của thư pháp đương đại. Sự khác biệt tuyệt vời ở những bức chân dung sống động hay những sinh vật đầy hồn sắc đã khiến không ít người say mê, khâm phục. 
Với hàng ngàn bức thư pháp được triển lãm khắp cả nước ở những sự kiện lớn của đất nước như Festival Huế, Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Lễ hội Hoa phượng đỏ…. Nhưng sự sáng tạo của Lê Thiên Lý vẫn chưa dừng lại ở đó. Bước vào năm mới Giáp Ngọ 2014, ông trăn trở với suy nghĩ là cần phải làm một cái gì đó thật độc đáo để chào Xuân. 
Từ trước đến nay, ông vẫn viết thư pháp chữ Hán. Nay ông cũng muốn có một cái gì đó “lấn sân” sang thư pháp Việt. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, cuối cùng, bức thư pháp chữ NGỰA ra đời. Bức thư pháp được ông họa hình con ngựa. Điều đặc biệt là mỗi phần cơ thể của con ngựa là một chữ cái, với chữ N là cái đầu. Chữ G, Ư là phần thân và chữ A là đuôi con ngựa.  
Sang năm mới 2015, nhà thư pháp Lê Thiên Lý tiếp tục sử dụng khối óc sáng tạo không ngừng của mình để vẽ nên những bức thư pháp mang đậm dáng dấp của năm Ất Mùi. Ông tâm sự, ban đầu, ông định sẽ nghiên cứu viết chữ Mùi theo hình con dê. Nhưng suy đi tính lại, Lê Thiên Lý cho rằng như thế sẽ đơn điệu, không thoát khỏi lối mòn của con Ngựa năm ngoái. 
Sau cùng, ông quyết định sẽ đưa chữ Ất vào trong bức thư pháp của mình, và biến chữ đó thành một lùm cây, với con dê là chữ Mùi đang gặm lá. Theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, điều đó phần nào thể hiện được mong ước về một năm 2015 đầy đủ, no ấm hơn. 
Bức vẽ ra đời, ông chưa công bố ra công chúng nhưng bạn bè, người quen đã liên tục gọi điện xin chữ. Với Lê Thiên Lý, đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến với những ai cả đời gắn bó với thư pháp như ông. Bởi đỉnh cao của “thầy đồ” vẫn nằm ở những bức thư pháp được người ta chờ đón, trân trọng.
Bức thư pháp chữ "Mùi" độc đáo.
Bức thư pháp chữ "Mùi" độc đáo. 
Nhà thư pháp của những kỷ lục
Giới thư pháp không ai không biết đến nhà thư pháp Lê Thiên Lý. Không phải vì cái chức danh “Giám đốc Câu lạc bộ Hán nôm & Câu đối Hải Phòng” mà là ở những cống hiến to lớn của ông đối với thư pháp Việt. Từ nhiều năm nay, ông tự bỏ tiền túi ra Bắc, vào Nam gặp gỡ, kết nối với những nhà thư pháp khắp đất nước với hi vọng kêu gọi mọi người thành lập Hội thư pháp Việt Nam để tạo nên sân chơi cho những người đam mê loại hình độc đáo này. 
Sợ thư pháp bị mai một, ông mở lớp dạy chữ miễn phí ở nhiều tỉnh thành. Vì thế nên đã tuổi 70, cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, an dưỡng thì ông lại xách nghiên xách bút đi khắp nơi như cái tên Thiên Lý (ngàn dặm) mà cha mẹ đã đặt. 
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Lê Thiên Lý đã dành gần một năm trời sáng tạo nên 1.000 chữ Long viết theo 2 lối Nhân diện thư và Vật điểu thư. Có chữ Long là hình con rồng đang uốn lượn. Cũng có chữ Long hình thiếu nữ, hình chú bộ đội, hình tháp rùa… 
1.000 chữ Long mồ hôi và tâm sức của Lê Thiên Lý sau đó đã tiếp tục được triển lãm tại Festival Huế năm 2010 và được bạn bè trên khắp thế giới đón nhận với sự thích thú và ngưỡng mộ. 
Trong năm đặc biệt này, “Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam” đã công nhận kỷ lục gia cho nhà thư pháp Lê Thiên Lý là người viết được nhiều Hán tự thể hiện theo nhiều kiểu viết nhất. Hiện tại, chiếc đĩa gốm Chu Đậu lớn nhất Việt Nam được triển lãm ở nhiều hội chợ lớn ở nước ta là nơi ghi dấu đậm nét công trình 1.000 chữ Long của nhà thư pháp Lê Thiên Lý. 
Hoa văn của chiếc đĩa gốm này chính là những tác phẩm mang đến kỷ lục về thư pháp cho ông. 
Ông Lê Thiên Lý đang vẽ thư pháp.
Ông Lê Thiên Lý  đang vẽ thư pháp.
Chưa dừng lại ở đó, để chào đón Lễ hội Hoa phượng đỏ 2012 được tổ chức ngay trên quê hương Hải Phòng của mình, Lê Thiên Lý đã dày công nghiên cứu và cuối cùng, 2.000 chữ Phượng với 2.000 kiểu viết khác nhau đã ra đời. Chính ông đã tự phá đi kỷ lục mà mình đã dành được 2 năm trước đó. .
Đến nay, tuổi đã cao, mắt mờ, chân mỏi, nhưng dường như nhà thư pháp Lê Thiên Lý chưa muốn dừng lại ở những kỷ lục đó. Với ông, khi đang còn  minh mẫn, ông sẽ tiếp tục sáng tạo. 
Sáng tạo không chỉ cho bản thân ông, mà còn là cho Thư pháp Việt./.