Là một người đã chuyên tâm nhiều năm viết tiểu thuyết dã sử, Thủy Nguyên đánh giá thế nào về tiểu thuyết lịch sử hiện tại?
- Có lẽ chưa bao giờ ở Việt Nam lại có cả một trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử vừa phong phú vừa đa dạng như hiện nay, bao gồm cả những người viết hàn lâm và người viết đại chúng. Khi đi vào số nhiều, thì tiểu thuyết lịch sử không tránh được những trường hợp chất lượng kém như thiếu kiến thức lịch sử - văn hóa, đạo văn, viết sai ngữ pháp tiếng Việt…
Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, đó là tiểu thuyết lịch sử đã có nhiều hình thức biểu hiện mới, nhiều chủ đề mới, cho dù là tiếp thu một cách học thuật và bài bản từ các tiểu thuyết lớn trên thế giới hay là học hỏi từ các xu hướng tiểu thuyết thịnh hành ở các nước bạn như đạo mộ, ngôn tình, cung đấu… Tôi cho rằng, phát triển đa dạng là điều tốt, tác phẩm hay sẽ còn đọng lại với độc giả, tác phẩm dở sẽ bị thời gian sàng lọc.
Xu thế người trẻ viết dã sử có phải là mốt hay là khám phá mới?
- Năm 2004, khi cuốn tiểu thuyết dã sử đầu tiên “Điệu nhạc trần gian” của tôi được xuất bản, tôi là tác giả trẻ duy nhất bước vào lĩnh vực này. Ngẩng đầu lên, toàn là các cây đại thụ như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Võ Thị Hảo…
Còn bây giờ, số lượng các cây viết trẻ viết tiểu thuyết dã sử đã đông tới mức không thể thống kê được. Họ không chỉ xuất bản sách mà còn đăng tải sáng tác của mình trên mạng xã hội. Có thể nói rằng, giờ đây, viết tiểu thuyết dã sử thực sự như một thứ mốt thời thượng.
Đôi khi, mong muốn của họ phát triển kỳ lạ đến mức sáng tác truyện hoặc phim lấy chất liệu từ sử Việt mà lại như tiểu thuyết mạng của nước khác Một phần có lẽ bởi văn hóa Việt Nam và nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng, một phần bởi họ đang trong quá trình học các thủ pháp của tiểu thuyết mạng nước bạn. Tôi cho rằng điều này dễ hiểu và không nên quá lên án nhưng cũng không nên cổ vũ, mà nên khuyến khích họ có những sáng tạo của riêng mình, thay vì bắt chước.
Chất lượng tiểu thuyết lịch sử có gì đáng báo động hay gợi mở ra điều thú vị cho văn học Việt Nam?
- Tôi không cho rằng chất lượng tiểu thuyết lịch sử hiện nay là đáng lo ngại, nhưng còn về sự gợi mở thì tôi không dám chắc, vì để tiểu thuyết lịch sử có những bước tiến lớn đóng góp cho nền văn học Việt Nam đương đại thì đòi hỏi nhiều yếu tố lắm. Trước hết là cách nhìn nhận của các nhà phê bình văn học.
Họ sẽ dựa trên tiêu chí gì để đánh giá một tiểu thuyết lịch sử hay, có giá trị? Thứ nữa là trình độ và tầm cỡ của các tác giả trẻ. Họ sẽ chọn cách là người minh họa lại lịch sử hay là người mượn lịch sử như một bối cảnh để các ý tưởng của mình được thể hiện? Họ sẽ đánh đổi những gì để phản ánh một quan điểm lịch sử trong cuốn tiểu thuyết của mình?
Cho nên, tôi chỉ ghi nhận rằng có một hiện tượng người trẻ hứng thú với tiểu thuyết lịch sử, còn về hậu quả của hiện tượng ấy sẽ dẫn đến điều tốt hay điều xấu thì không thể đánh giá một chiều được.
Sao Thủy Nguyên lại chọn con đường tiểu thuyết lịch sử, phải chăng lịch sử có nhiều điều cần mở ra?
- Tôi cảm thấy gần gũi với những bối cảnh, những cá tính, những nỗi niềm của người thời xưa hơn là thời nay. Thứ nữa, khi đọc lịch sử, có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều giả thuyết nảy ra trong đầu tôi, nhưng tôi lại không thể viết chúng ra với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử được, bởi vì khi viết với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi phải đảm bảo các yếu tố khoa học khách quan. Vì vậy, viết tiểu thuyết lịch sử là lựa chọn hợp lý nhất để tôi phản ánh quan điểm của mình về một sự kiện lịch sử.
Tiểu thuyết “Thiên địa phong trần” mới ra mắt của em phải chăng mở ra nhân vật Vua Lê Chiêu Thống, một nhân vật được gán ghép là “bán nước”?
- Tôi bắt đầu viết “Thiên địa phong trần” sau 10 năm tạm rời xa tiểu thuyết lịch sử để thử nghiệm với nhiều thể loại khác, và cũng để trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức khác về triết học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, chính trị…, cùng một điều quan trọng khác: vốn sống. Những gì tôi trải qua đã dạy cho tôi thấy một điều rằng, một sự việc cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Người ta nói rằng Lê Chiêu Thống bán nước, nhưng khái niệm “bán nước” cần phải xem xét, thế nào là “bán nước”?
Nếu ông ta thực sự bán nước, tại sao vẫn có nhiều bậc trung can nghĩa đảm sẵn sàng trung thành với ông ta, họ ngu trung cả ư? Về sau, tôi được đọc cuốn “Lê mạt sự ký” của Nguyễn Duy Chính, tôi càng thấy rằng xoay quanh ông vua bán nước này quả thực là một tấn bi kịch lớn.
Nhưng tôi viết “Thiên địa phong trần” không chỉ để minh oan cho Lê Chiêu Thống, tôi viết để cố cắt nghĩa về thời loạn và phân tích cách lựa chọn thái độ của các trí thức trước thời loạn. Đó là lý do tôi chọn Nguyễn Gia Thiều, tác giả của “Cung oán ngâm khúc” làm nhân vật chính chứ không phải là Lê Chiêu Thống.
Nếu anh hỏi tôi rằng có phải cuốn sách sẽ gợi mở ra điều gì đó về Lê Chiêu Thống, thì tôi phải trả lời rằng tôi mong muốn gợi mở ra nhiều điều hơn thế. Trước hết là về các nhân vật lớn của thời đại nhưng lại bị lịch sử bỏ qua như Nguyễn Khản, Nguyễn Gia Thiều, Ngô Thì Chí… Sau là tôi mong muốn người đọc có cái nhìn nhận khác về loạn thế.
Loạn thế không phải chỉ là chiến tranh xung đột mà là lòng người không còn quan tâm tới điều đúng đắn nữa và những con người tốt đẹp thì chỉ là nạn nhân thậm chí là tác nhân của loạn.
Trong thời gian gần tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sẽ đi theo hướng nào?
- Tôi không muốn tiên tri về hướng đi của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, bởi vì dự đoán chính là góp một phần vào thúc đẩy theo chiều hướng nào đó. Nhưng tôi có thể nói tiểu thuyết lịch sử cần gì. Tiểu thuyết lịch sử cần những cây viết sẵn sàng mạo hiểm vào những đề tài khó, những đề tài vượt ra ngoài khuôn khổ của các cuốn chính sử, thậm chí vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Và cho dù các cây viết khác có sẵn lòng lao vào các khó khăn này không thì tối thiểu sẽ có tôi lao vào đó, trong một tương lai gần thôi.
Xin cảm ơn Thủy Nguyên và chúc em thành công!