Nổi tiếng nhờ “gánh đỡ” cảnh quay
Nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Sài Gòn. Thân phụ của bà là một doanh nhân Pháp sang Việt Nam làm ăn, không may bị bạo bệnh qua đời khi bà mới 4 tuổi. Thân mẫu của bà không thể tiếp tục sự nghiệp làm ăn ở đô thị, đã đưa cả gia đình bốn người về sống tại Sa Đéc - ngày ấy chỉ là một thị trấn nhỏ.
Mẹ dạy học tại trường Tiểu học Sa Đéc còn Marguerite Duras vẫn phải lên Sài Gòn học nội trú. Cuộc sống của Marguerite Duras trôi qua trĩu nặng với người mẹ đã khô cạn khát vọng, người anh nghiện ngập và người em trai yếu đuối. Sự tẻ nhạt và túng quẫn ấy đã thay đổi khi Marguerite Duras gặp người đàn ông Hoa kiều giàu có trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long trong một lần về thăm nhà và quay lại Sài Gòn đi học.
Trong tác phẩm Người tình của Marguerite Duras, người đàn ông Hoa kiều giàu có ấy không được viết rõ ràng danh tính, nhưng những chi tiết và những tình huống đã được soi chiếu vào thực tế và độc giả dễ dàng nhận ra là Huỳnh Thủy Lê.
Huỳnh Thủy Lê là con trai của thương nhân Huỳnh Cẩm Thuận. Ngôi nhà của họ tại Sa Đéc, Đồng Tháp là một ngôi nhà cổ tuyệt đẹp. Ngôi nhà này được ông Huỳnh Cẩm Thuận bỏ công, bỏ của xây dựng từ năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách cố hương Quảng Châu.
Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương thì ngôi nhà gỗ được bọc thêm kiểu dáng phương Tây bên ngoài. Chính sự kết hợp này mang lại cho biệt thự một nét riêng khá độc đáo. Hiện nay ngôi nhà đã trở thành địa điểm du lịch và mang tên là “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê”.
Tại sao đang nói về nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ lại chuyển sang nói về nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc, xin thưa rằng điều đó có lý do. Bởi nhân vật Huỳnh Thủy Lê ngoài đời đã có một thời gian cư ngụ không ngắn tại đây khi ông còn trẻ và sau này ngôi nhà được ông thừa kế từ cha mình - thương nhân Huỳnh Cẩm Thuận.
Thực tế, cái tên gọi “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê” cũng cách gọi ăn theo tác phẩm Người tình, bởi chính danh chủ nhân ngôi nhà vẫn là cha ông - thương nhân Huỳnh Cẩm Thuận. Hay nói cách khác, nếu không có tác phẩm Người tình thì có lẽ giờ đây thiên hạ chắc chắn gọi đúng tên của nó là nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận.
Trong tiểu thuyết Người tình, mối tình say đắm nhưng đầy trái ngang giữa Marguerite Duras và Huỳnh Thủy Lê rơi vào bẽ bàng. Hai trái tim lãng mạn không thể gắn kết với nhau vì Huỳnh Thủy Lê phải cưới vợ theo sự sắp xếp môn đăng hộ đối của người cha, còn Marguerite Duras trở về Pháp năm 18 tuổi.
Sau khi cưới vợ theo sự lựa chọn của cha, Huỳnh Thủy Lê được thừa kế gia sản và có 5 người con. Huỳnh Thủy Lê sống chủ yếu ở Sài Gòn nhưng vẫn giữ ngôi nhà cổ ở Sa Đéc như một kỷ niệm. Năm 1972, Huỳnh Thủy Lê qua đời, 5 người con của ông cũng ra nước ngoài lập nghiệp. Ngôi nhà ở Sa Đéc được Nhà nước quản lý từ năm 1975.
Khi quay phim Người tình, có một trường đoạn Huỳnh Thủy Lê về thưa chuyện với cha mình để thương lượng ý định tiến xa hơn với cô gái da trắng, chứ không đám cưới theo hôn nhân định trước. Nhưng khi đạo diễn bộ phim là ông JJ.Annaud tìm đến Sa Đéc và chứng kiến ngôi nhà cổ của thương nhân Huỳnh Cẩm Thuận năm xưa trở nên nhỏ bé và kém bắt mắt vì bị bủa vây và xâm lấn bởi các hộ dân chen chúc xô bồ, ông quyết định phải tìm một ngôi nhà cổ khác để “gánh đỡ” cảnh quay. Và ngôi nhà cổ Dương Chấn Kỷ ở quận Bình Thủy, Cần Thơ vẫn thường gọi là “Nhà cổ Bình Thủy” đã được chọn.
Trong bộ phim, đạo diễn JJ.Annaud đã lấy hình ảnh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và nhà cổ Bình Thủy để tạo tác tư gia họ Huỳnh. Khán giả xem phim phải rất tinh ý mới nhận ra cảnh nào của nhà cổ Sa Đéc và cảnh nào của nhà cổ Cần Thơ. Thế nhưng, sòng phẳng mà nhận xét, hình ảnh nhà cổ Cần Thơ có phần ấn lướt hình ảnh hơn nhà cổ Sa Đéc trong trường đoạn trên phim Người tình.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước Người tình, nhà cổ Bình Thủy đã rất có cơ duyên với nghệ thuật thứ bảy. Nơi đây, từng là phim trường của rất nhiều bộ phim của các đạo diễn lừng danh trong nước như “Bão U Minh” mở màn vào năm 1985, tiếp theo là “Bẫy ngầm”, “Đội nữ biệt động mùa thu”, “Dòng sông hoa trắng”, “Những nẻo đường phù sa”, “Công tử Bạc Liêu”, “Vòng hoa Chôm pay”, “Nợ đời”, “Con nhà nghèo”, “Chuyện cổ tích Việt Nam”… Hiện ở nhà cổ vẫn lưu giữ nhiều bút tích của các diễn viên đóng phim như Việt Trinh, Mỹ Uyên...
Đạo diễn JJ. Annaud chỉ đạo hai diễn viên chính phim Người tình trên trường quay |
Cảm nhận được chút… mùi hương của mỹ nhân
Đó là mong muốn của đạo diễn người Pháp JJ.Annaud khi ông hài lòng với bối cảnh quay và trước khi rời Cần Thơ đã tặng lại gia chủ của nhà cổ Bình Thủy (nhà cổ Bình Thủy nay vẫn thuộc quyền sở hữu và quản lý của con cháu dòng họ Dương) một món quà là mảnh màn cửa bằng gấm nơi nữ diễn viên chính trong phim Jane March từng lướt qua với hy vọng gia chủ cảm nhận được chút… mùi hương của mỹ nhân.
Khi đến thăm ngôi nhà cổ Bình Thủy bên cạnh những lời giới thiệu về ngôi nhà, tôi đã được nghe người hướng dẫn viên say sưa kể về những kỷ niệm liên quan đến bộ phim Người tình trong những ngày bộ phim được quay ở đây.
Rằng, đạo diễn người Pháp JJ.Annaud từng ở trong ngôi nhà suốt một tuần lễ chỉ đạo những cảnh quay trong bộ phim, để rồi sau này ông tâm sự, những ngày ở tại nhà cổ Bình Thủy là ngày rất đẹp trong cuộc đời làm phim của ông. Vẻ đẹp cổ kính và sang trọng của ngôi nhà đã khiến ông đạo diễn khó tính phải sửng sốt và khẳng định chính nội thất của ngôi nhà đã nâng thêm giá trị cho bộ phim.
Rằng, khi đạo diễn người Pháp JJ. Annaud chọn đây làm cảnh quay, nhà Nam Bộ học Sơn Nam phải tham gia sắp xếp cảnh trí mất cả tuần. Cầu kỳ đến mức trước khi phim ra mắt công chúng, đạo diễn người Pháp còn phải thốt lên với bạn bè: "Tôi choáng ngợp bởi sự đẹp lộng lẫy rất ấn tượng của ngôi nhà này. Hy vọng rằng, qua bộ phim, ngôi nhà sẽ được nổi danh khắp thế giới".
Rằng tại nhà cổ Bình Thủy vẫn còn lưu giữ bút tích của người đạo diễn tài ba người Pháp và không ít du khách trong và ngoài nước tìm đến đây đã phải thừa nhận họ biết đến ngôi nhà qua bộ phim “Người tình” và khi đến thăm quan nơi này thấy phong cảnh rất đẹp, càng hiểu rõ giá trị của bộ phim, hiểu thêm bối cảnh lịch sử mà bộ phim đề cập…
Rằng khi Người tình hoàn thành vào năm 1991, đạo diễn JJ.Annaud đã chọn Việt Nam là nơi công chiếu đầu tiên như lời tri ân với vùng đất đã làm nên cuốn tự truyện và bộ phim…
Như vậy, sẽ không sai khi nói rằng Người tình đã làm nổi tiếng hai ngôi nhà cổ. Về phần mình, năm 1984, khi nữ sĩ Marguerite Duras đặt dấu chấm hết cho dòng cuối cùng của Người tình ở ngoại ô Paris, chính bà cũng không thể ngờ đó là cuốn sách rực rỡ nhất trong số hơn 40 tiểu thuyết của mình.
Ban đầu Người tình được xếp vào thể loại hư cấu, nhưng câu chuyện và không gian của Người tình khiến độc giả tin rằng yếu tố sự thật lấn lướt hoàn toàn yếu tố tưởng tượng. Sau khi Người tình được trao giải thưởng Gouncourt uy tín và được dịch ra gần 50 ngôn ngữ trên thế giới, nữ sĩ Marguerite Duras sau đó cũng lên tiếng thừa nhận đó là tự truyện về thời thiếu nữ của bà ở Việt Nam.
Và, nữ sĩ Marguerite Duras cũng không ngờ cuốn sách hé lộ giai đoạn bí mật nhất trong cuộc đời của mình đã làm cho hai ngôi nhà cổ ở Việt Nam là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc và nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ trở nên nổi tiếng. Một nổi tiếng vì đã từng là nơi sinh sống của “người đàn ông Hoa kiều giàu có mà Marguerite Duras gặp trên chuyến phà Sa Đéc - Vĩnh Long” và một nổi tiếng vì trở thành bối cảnh cho bộ phim cùng tên được dựng từ tiểu thuyết.
Đôi điều về nhà cổ Bình Thủy
Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam Bộ khoảng cuối thể kỷ 18, tính đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3) là người quyết định chọn vùng đất gần vàm rạch Bình Thủy làm nơi xây dựng cơ nghiệp. Ngôi nhà được ông Dương Văn Vị xây dựng lần đầu tiên bằng gỗ, lợp ngói vào năm 1870 để thờ tổ tiên, sau thời gian sử dụng trên 30 năm ông đã cho thiết kế xây dựng lại. Năm 1904, sau khi ông mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ (một điền chủ giầu có) đã tiếp tục công việc này đến khoảng năm 1911 mới hoàn thiện. Công trình có hình khối kiến trúc độc đáo vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã. Đây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn lại khá nguyên vẹn ở Bình Thủy (Cần Thơ) nên người dân thường gọi là nhà cổ Bình Thủy.