Nhạc kịch Việt sẽ thu hút khán giả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật.

Nhạc kịch dậy sóng

“Sóng” là vở nhạc kịch thuần Việt dự kiến công diễn buổi đầu tiên ngày 18/3 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh. “Sóng” do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - làm Tổng đạo diễn.

Vở nhạc kịch “Sóng” thu hút khán giả yêu nghệ thuật.

Vở nhạc kịch “Sóng” thu hút khán giả yêu nghệ thuật.

Ca khúc “Thuyền và biển” là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh được “âm nhạc hóa” như: “Sóng”, “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa”, “Tự hát”, “Mắt của trời xanh”, “Nhà chật”... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.

Thực tế cho đến nay vẫn chưa có một khoa hay trường nào đào tạo về nhạc kịch, vì thế làm nhạc kịch ở Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc: “Chúng ta thiếu đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn, nhạc sĩ của loại hình nhạc kịch. Ngay Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM vẫn chưa có lớp dạy nhạc kịch. Vì thế, các đơn vị dựng loại hình này phải ép diễn viên hát, ép đạo diễn viết nhạc, ép đủ mọi khâu để làm nên nhạc kịch, chất lượng vở diễn khó đạt như mong muốn”.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Minh Đạo: “Chúng tôi muốn qua những bài thơ của Xuân Quỳnh để tái hiện một giai đoạn rất khó khăn nhưng mang lại rất nhiều giá trị và tạo thành động lực để nhiều người lớn lên trong giai đoạn đó trưởng thành và thành công, trở thành những người trụ cột cho đất nước bây giờ”. Nhạc sĩ Minh Đạo cho rằng với anh, mỗi dự án đều là một thách thức không hề đơn giản, phải thật tập trung mới có thể giải quyết.

Anh chia sẻ: “Với nhạc kịch “Sóng”, có hai phần nhạc khí và ca khúc. Với ca khúc thì lời là chất liệu văn học - những bài thơ Xuân Quỳnh, có sự thuận lợi nhất định khi viết nhạc. Biên kịch Kim Thùy đã chọn những bài thơ phù hợp với mạch của vở kịch để chúng tôi chuyển thành âm nhạc. Có những bài chúng tôi giữ nguyên bản gốc, chẳng hạn như bài “Con yêu mẹ”, lời thơ rất hay rồi, tôi không can thiệp, chỉ điệp lại câu thơ ở những cung bậc, giai điệu khác nhau để tăng chiều sâu cho ý thơ và cũng là phát triển âm nhạc hơn”.

Nhà hát Tuổi Trẻ đặt mục tiêu xây dựng “Sóng” là vở nhạc kịch mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt. Nhà hát cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất, dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt Nam.

Nhạc kịch kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay vẫn luôn luôn là một loại hình nghệ thuật cao cấp, không phải thể loại mang tính đại chúng. Có lẽ vì lý do đó, nhạc kịch tại Việt Nam kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên đến nay đã gần 60 năm cũng vẫn còn là khái niệm mới.

Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch Việt Nam là vở “Cô Sao” do cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác. “Cô Sao” được công diễn tại Thủ đô Hà Nội nhân dịp 20 năm Quốc khánh nước Việt Nam (1965) với hơn 150 nhạc công, diễn viên. Đến nay, “Cô Sao” đã 57 tuổi nhưng vở nhạc kịch quy mô này chỉ mới biểu diễn sân khấu vài lần ít ỏi. Rất lâu sau khi “Cô Sao” ra mắt, công chúng Việt mới có thêm cơ hội để thưởng thức những vở nhạc kịch khác.

Chục năm trở lại đây, với nỗ lực, tâm huyết đem đến cho khán giả Việt những vở nhạc kịch, vũ kịch, balet danh tiếng quốc tế và thuần Việt của những nghệ sĩ, các nhà hát trong Nam, ngoài Bắc đã công diễn nhiều vở nhạc kịch đặc sắc.

Có thể kể tới, “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “High School Musical & Chicago”, “Cây sáo thần”, “Chuyện chàng dũng sĩ”, “Cuộc sống Paris”, “Cô bé bán diêm”, “Những người khốn khổ”, “Bầy chim thiên nga”, “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng”, “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, “Tấm Cám” và “Trót yêu”, “Tôi đọc báo sáng nay”, “Trại hoa vàng”, “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Hà Nội xưa và nay”, “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời”…

Vở nhạc kịch “Nhà thờ Đức Bà Paris”...

Vở nhạc kịch “Nhà thờ Đức Bà Paris”...

Nỗ lực của các nghệ sĩ

Một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường, đòi hỏi kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh đều phức tạp mà kỹ thuật ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Diễn viên nhạc kịch phải là những người đa năng và hội tụ nhiều kỹ năng như: ca hát, diễn xuất, vũ đạo, trong khi Việt Nam vẫn chưa có chuyên ngành đào tạo diễn viên nhạc kịch. Đa số là những ca sĩ, diễn viên vì đam mê nhạc kịch nên tham gia vào các vở diễn. Ngoài ra, nếu tham gia một vở nhạc kịch nước ngoài, diễn viên còn phải có khả năng ngoại ngữ tốt để hát hoặc thoại. Ðó là thực tế mà khi dựng nhạc kịch nhiều đạo diễn đã “kêu trời” vì tìm diễn viên cho các vai diễn như “mò kim đáy biển”.

Ngoài ra, nhạc kịch rất chú trọng phần nhạc, thế nhưng chi phí để mời những nhạc sĩ tên tuổi sáng tác vẫn còn quá lớn, trong khi việc sáng tác những bản nhạc cho một vở nhạc kịch không hề đơn giản. Hơn nữa, còn những khó khăn khác cho nhà đầu tư nhạc kịch như: tiền bản quyền cao, chi phí trang thiết bị, nhân lực…

Những vở nhạc kịch ra mắt công chúng thời gian gần đây, cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà hát, nhiều nghệ sĩ. Như chia sẻ của NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, tổng đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” - chính chị cũng chuẩn bị tâm thế có thể phải “bán nhà” đề bù đắp vào những chi phí quá lớn khi bắt tay thực hiện vở nhạc kịch này.

Đó là chưa kể, khi bắt tay thực hiện vở nhạc kịch nổi tiếng này, cũng là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát. Nhiều lúc các nghệ sĩ không thể gặp nhau để tập luyện mà phải tập online để “vỡ” bài. Sau khi dịch tạm lắng mới tập trung và miệt mài cả sáng, chiều, tối…

NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - Tổng đạo diễn “Sóng” bộc bạch: Sản phẩm nghệ thuật “Sóng” sản xuất với quy trình đồng bộ, từng khâu casting, đào tạo, tập luyện. 3 lần giãn cách xã hội, 1 lần đỉnh dịch, có những khi tôi tự hỏi là hay dừng lại vì khó khăn nhiều quá? Sau tất cả, tôi nhìn thấy sự đam mê, cống hiến của các em, chúng tôi tổ chức dạy và học online, tập luyện miệt mài từ hát, diễn xuất... Chưa có ngày nào chúng tôi được tập hoàn toàn 100% diễn viên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vậy mà chúng tôi đã vượt qua những khó khăn”.

Tuy nhạc kịch chưa mấy quen thuộc với khán giả, nhưng nhiều nghệ sĩ thấy được tiềm năng phát triển loại hình nghệ thuật đẳng cấp này tương lai gần. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy là người từng dàn dựng phiên bản chuyển ngữ của các vở nhạc kịch kinh điển của thế giới, đồng thời theo đuổi nhạc kịch thuần Việt cũng có cái nhìn lạc quan. Anh cho rằng: “Nhạc kịch không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Nó hoàn toàn có thể ăn khách tại Việt Nam bởi tính giải trí cao. Và sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả trong thời gian qua cho thấy nhạc kịch có thể phát triển và “sống khỏe” tại Việt Nam, nếu đi đúng hướng và khai thác đúng cách”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Nguyễn Khắc Duy, NSƯT Trần Ly Ly nhận định: “Nếu không nhìn thấy tiềm năng thì tôi đã không bao giờ làm. Tôi nhìn thấy tiềm năng ngay khi chưa hề có dấu hiệu gì. Tôi nghĩ đó là con mắt nhìn cần có của một người đứng đầu. Tất nhiên, trong quá trình mình làm không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ, trôi chảy như mình tính toán, dự liệu… nhưng nhìn thấy tiềm năng là vấn đề cơ bản để mình quyết tâm làm và có cơ sở thuyết phục các đồng sự cùng dấn thân, cống hiến cho nghệ thuật”.

Với tâm huyết của nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn và các nhà văn hóa, mong rằng, những vở nhạc kịch sẽ thu hút nhiều khán giả yêu thích nghệ thuật. Nhạc kịch sẽ nhanh chóng có chỗ đứng xứng đáng và bền vững trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt.

Nhạc kịch là một loại hình sân khấu rất được yêu thích và ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Âu, trong đó phổ biến nhất là tại Vương quốc Anh. Tại Việt Nam, không có nhiều người, biết và hiểu về nhạc kịch, thậm chí còn nhầm lẫn loại hình nghệ thuật này với opera, nhạc giao hưởng… Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó có sự kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung của nhạc kịch có cả bi và hài. Thông qua ngôn ngữ là âm nhạc, cùng với sự biểu cảm trong diễn xuất và nhảy múa tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Đọc thêm