Nhắc nhau đừng quên Ngày Pháp luật

(PLO) - Cuộc sống bộn bề với bao điều suy tính, đôi lúc mỗi con người cũng xao nhãng việc này, chuyện kia nhưng một năm có một “Ngày Pháp luật” thì hầu như ai cũng biết. Chỉ có điều, nhiều người không nhớ rõ “Ngày Pháp luật” là ngày nào, ý nghĩa ra sao? Nhưng rồi người biết nhiều giải thích cho người biết ít, người nhớ sẽ nhắc nhở người quên để mọi người ai cũng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. 
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tư vấn cho bà con xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tư vấn cho bà con xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, Cao Bằng.
Công bằng từ những chính sách dân sinh
Năm nay là năm đầu tiên thực hiện Hiến pháp 2013 - một bản Hiến pháp được người dân đặt rất nhiều kỳ vọng. Trong gần trăm triệu con dân Việt Nam, ai ai cũng phấn chấn và tự hào vì quyền công dân, quyền con người đã được Hiến pháp mở rộng và đề cao. Tiếng nói của người dân chưa bao giờ được coi trọng đến thế; mối quan hệ giữa người dân với các cơ quan công quyền cũng được bình đẳng hơn. Nhìn vào nội dung của bản Hiến pháp mới có thể thấy Nhà nước ta đã thực sự là của dân, do nhân dân làm chủ.
Không chỉ đề cao quyền con người trong đạo luật gốc, ngay cả các chính sách dân sinh cũng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Minh chứng là chỉ trong vòng 3 tháng (từ cuối tháng 7/2014 đến nay), giá xăng dầu trong nước đã 7 lần được điều chỉnh giảm với tổng mức giảm cao hơn tổng mức tăng. Người dân vui vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu mà họ buộc phải sử dụng hàng ngày, hàng giờ; giá xăng giảm đồng nghĩa với túi tiền chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các thành viên trong gia đình dư thêm vài đồng tiết kiệm: bà nội trợ có thể mua thêm mớ rau, con tép cải thiện bữa ăn; bác xe ôm có thêm tiền mua vài tờ báo để cập nhật tình hình trong nước và thế giới, qua đó cũng giúp bác nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật. 
Dù rằng việc hạ giá xăng trong thời gian qua vẫn chưa tương đồng với mức giảm của giá xăng trên thế giới nhưng động thái giảm giá liên tiếp cũng phần nào thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ thị trường của những doanh nghiệp vốn được coi là “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm này, từ đó cũng thể hiện pháp luật về kinh doanh, thương mại đã được họ thực thi một cách sòng phẳng hơn. 
Ngoài chuyện xăng dầu, việc giảm lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng làm cho người dân nhẹ bớt nỗi lo. Chính sách trên đã tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức và người dân nghèo có thêm cơ hội mua được nhà để “an cư lạc nghiệp”. Có thể nói, trong gần chục năm trở lại đây, hiếm có thời điểm nào mà các ngân hàng thương mại lại mở rộng vòng tay để đón nhận các khách hàng là những người thuộc tầng lớp “thường thường bậc trung”, thậm chí là người thu nhập thấp trong xã hội. Tất cả những việc làm này thể hiện Chính phủ đã nghe thấu những mong ước bình dị của người dân, do chính sách pháp luật đã được triển khai một cách thực chất vào cuộc sống - thực sự công bằng, dân chủ và văn minh.
Không có ngoại lệ với những quan chức làm sai
Càng gần đến Ngày Pháp luật, sự tin tưởng vào lẽ phải, vào sự công bằng trong nhân dân càng được củng cố khi hàng loạt sai phạm của những vị cựu quan chức cấp cao bị lôi ra ánh sáng. Đó là việc Cơ quan điều tra VKSNDTC ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm - nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TANDTC - về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm. Rồi việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Xã đội trưởng xã Phong An, huyện Phong Điền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế do kê khai không đúng thành tích để được phong tặng danh hiệu cao quý này. 
Điều đáng nói, để đưa ra ánh sáng sự gian dối của vị cựu quan chức từng đứng đầu đất kinh thành xưa, những cựu binh, những người nông dân chân đất một thuở đã phải chịu nhiều sức ép và đe dọa, nhưng không vì thế mà họ lo sợ và nao núng tinh thần, ngược lại họ càng quyết tâm hơn. Có được tinh thần thép này bởi họ tin vào lẽ phải, vào sự trong sạch của Đảng, và trên hết là tinh thần thượng tôn pháp luật - “luật pháp bất vị thân”. Pháp luật không có ngoại lệ với bất kỳ ai, kể cả khi người đó đảm trách chức “quan” to đến mấy.
Nhưng, bên cạnh sự phấn khởi và kỳ vọng, người dân cũng có đôi chút băn khoăn khi công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước thời gian qua vẫn còn nhiều điều phải lo lắng. Nạn tham nhũng     công vẫn còn nghiêm trọng, tình trạng các cán bộ “quên” trả nhà công vụ còn phổ biến mà chưa có cách nào giải quyết triệt để; việc bức cung, dùng nhục hình gây nên những vụ án oan sai chưa có chiều hướng giảm… Phải nói ra những điều này để đối diện với thực tế, không thể né tránh sự thật. 
Nhân dân cả nước đang mong mỏi các cán bộ, quan chức hãy biết đặt lợi ích công lên lợi ích cá nhân, coi nỗi đau và nỗi oan của các bị can, bị cáo như chính nỗi oan của mình và quan trọng hơn là các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật phải biết tìm ra “liều thuốc đắng” để góp phần duy trì xã hội trong trật tự, bảo vệ lợi ích của đất nước, của cộng đồng và quyền lợi chính đáng của mỗi người dân.
Suy cho cùng, các quy định của pháp luật đều phải dựa trên nguyên tắc vì lợi ích chính đáng của nhân dân và vì nhân dân. Có thể còn có người chưa hiểu hết ý nghĩa của “Ngày Pháp luật”, nhưng rồi người biết nhiều sẽ giải thích cho người biết ít, người nhớ sẽ nhắc nhở người quên để mọi người ai cũng sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. 
Cũng bởi vì pháp luật là để bảo vệ những giá trị và chuẩn mực của cuộc sống nên việc tuân thủ pháp luật cũng là cách để tôn trọng chính mình và tôn trọng mọi người.

Đọc thêm