Những bài hát đậm tình mẫu tử
Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có lần tâm sự rằng: “Đề tài phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng thường trực trong tôi. Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng phụ nữ là phái yếu, nhưng nhiều khi chính sự mềm mại, dịu dàng ấy lại là đòn bẩy lợi hại tạo nên sức mạnh khiến ta phải yêu mến, kính phục”.
Hình ảnh người mẹ trong bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” một thời là bài hát ra trận của nhiều người con. Người mẹ Hà Bắc, cụ thể là làng quê Đa Mai (nay là phường Đa Mai, TP Bắc Giang) là hình ảnh khái quát của người mẹ Việt Nam. Bài hát ra đời từ tình yêu mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dành cho mẹ mình và với ông, dù qua bao thập niên bài hát này khi được cất lên vẫn làm ông xúc động.
Đầu kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về làm Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền ở huyện Thanh Chương (Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ), ông đưa mẹ, chị và các em tản cư về đó làm ăn, sinh sống để mình được thoát ly hoạt động. Đời sống gia đình ông hồi đó không đủ ăn, thế mà có anh bộ đội nào đi qua nhà mẹ ông cũng gọi vào nhà cho ăn cơm. Chị ông vốn tính căn cơ thường ta thán về chuyện đó nhưng mẹ ông thường bảo: “Mình cho con người ta ăn thì con mình ở xa người ta lại cho con mình ăn”. Mẹ ông tin sắt đá như thế mà quả đúng là thế, thuở ấy bộ đội ai mà chẳng sống nhờ dân những lúc xa đơn vị, xa nhà.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại: “Tôi đi bộ đội chẳng có gì mang về cho mẹ. Chỉ có một cái áo trấn thủ, áo có lót bông, vải vàng, chần quả trám để mặc trong những ngày đông giá, tôi để dành và mang về tặng bà. Mặc đến khi bông đã rách ra từng mảng, bà vẫn vá víu để mặc lót trong chiếc áo nâu mỏng ở ngoài. Có lần tôi về thăm nhà, chị tôi bảo: “Đẻ (mẹ) còn tiếc cái tã ấy nên còn đeo mãi thế đấy”. Tôi thầm trách chị vì không hiểu hết lòng mẹ. Tôi biết mẹ tôi mặc áo ấy trong mình, một là để chống rét, cái rét như cắt ruột của miền Bắc những mùa đông, hai là để có hơi ấm của con mình. Phải chăng đó cũng là cách nhớ của những người mẹ, nhớ con đi bộ đội xa nhà. Tình thương âm thầm lặng lẽ ấy mấy ai mà hiểu hết…”.
Năm 1973, mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời và hình ảnh chiếc áo trấn thủ ấy đã đi vào lòng ông. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong lần về Hà Bắc sáng tác đã chứng kiến những bà mẹ làng Đa Mai ngồi khâu hàng ngàn chiếc áo cho chiến sĩ. Ông xúc động không nói thành lời và bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” ra đời. Nhạc sĩ sáng tác dựa trên chất liệu dân ca tạo nên giai điệu đằm thắm, làm xốn xang triệu triệu trái tim. Những ca từ “Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/Đời mẹ nghèo trông áo rách, áo rách nên thương/Các con ra đi đã mấy chiến trường/Mang theo cả tình thương của mẹ… khiến người nghe nghẹn ngào, xúc động. Hình ảnh bà mẹ trong bài hát vừa có hình ảnh người mẹ thân yêu đã sinh ra ông, vừa là những bà mẹ Hà Bắc kết tinh thành bà mẹ Việt Nam nhân hậu, giàu tình thương con và hy sinh cho cách mạng. Hình ảnh người mẹ Việt Nam vá áo cho các chiến sỹ quân đội trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thể hiện tinh thần dân tộc, cả nước đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn để kháng chiến giành thắng lợi.
Sinh thời, ông kể nhớ nhất bài “Mẹ yêu con”, bởi: “Đó không phải là người mẹ riêng của tôi hay của ai mà là hình ảnh người mẹ chung của dân tộc Việt Nam”. “Mẹ yêu con” ra đời năm 1956, nói về niềm tin của một người thương từ khi thai nghén trong lòng... Mấy nắng sớm rồi mưa chiều, chín tháng so chín năm...”. Ca khúc khép lại bằng câu “à á ru hời ới hời ru”, để lại dư âm sâu lắng với nhiều thế hệ. Hay bài “Mẹ yêu con” mang âm hưởng hát ru của dân tộc và cũng được xem như một bài hát ru mẫu mực. Sau mỗi lời ru, người mẹ lại chuyện trò với con đang say ngủ, hay độc thoại với chính mình: “Mẹ thương con có hay chăng?”, “Tương lai con đẹp lắm. Mẹ hát muôn lần”...
Cũng như phần lớn tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời trong bối cảnh này, “Mẹ yêu con” ví như chiếc khăn thêu đan cài khéo léo giữa tình mẫu tử và tình yêu quê hương, đất nước. Người mẹ trong ca khúc sinh con ra không chỉ trong cảnh khó khăn túng thiếu, mà còn, trong bức tranh xám màu bom đạn thời loạn ly khói lửa. Từ nỗi cơ cực của tự thân, người mẹ mong con mình lớn lên được sống trong cảnh đất nước thanh bình, độc lập. Từng lời ca rất đỗi dung dị nhưng thăm thẳm bên trong như mở ra không gian âm hưởng rộng lớn của Đồng bằng Bắc Bộ thanh bình. Vượt qua phạm trù của một ca khúc thuần túy, “Mẹ yêu con” như chuyên chở một khoảng trời ký ức vùng thôn quê có ruộng lúa nương dâu, con sông uốn khúc, khóm trúc hàng cau, cây đa mái đình... Từng chi tiết nhỏ bé lồng vào những điều hùng vĩ và thiêng liêng, tạo nên khúc sử thi về tình mẫu tử của dân tộc.
Hình ảnh tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa. (Ảnh tư liệu) |
Người phụ nữ kiên cường
Từng lời ca rất đỗi dung dị nhưng thăm thẳm bên trong như mở ra không gian âm hưởng rộng lớn của Đồng bằng Bắc Bộ thanh bình. Vượt qua phạm trù của một ca khúc thuần túy, “Mẹ yêu con” như chuyên chở một khoảng trời ký ức vùng thôn quê có ruộng lúa nương dâu, con sông uốn khúc, khóm trúc hàng cau, cây đa mái đình...
Có lẽ ở Việt Nam, chẳng có xứ sở nào lại có địa lý độc đáo như Bến Tre nằm gọn trên ba cù lao lớn là An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh. Trong 9 cửa sông Cửu Long thì Bến Tre đã có tới bốn của là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Và ngày 17/1/1960, trang sử sáng ngời trên đất Mỏ Cày của Bến Tre. Trang sử ấy đã tạo nên một từ mới cho từ điển cách mạng Việt Nam. Đó là “Đồng Khởi”.
“Dáng đứng Bến Tre” mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, ra đời năm 1980 trong chuyến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về thăm quê hương Đồng Khởi. Bài “Dáng đứng Bến Tre” xuất phát từ ý quý trọng nhân dân miền Nam, sau là viết cụ thể nhân dân của một địa phương và nhất là tình cảm đối với cây dừa. Trong những lần công tác về Bến Tre, tâm hồn người nhạc sĩ từng xúc động mạnh và chảy nước mắt trước hình ảnh cây dừa thân mình đầy thương tích nhưng vẫn sống hiên ngang. Ông từng xúc động: “Bến Tre là đất của dừa, ở Bến Tre có những cây bị thương tích nhiều lắm, tôi có đề nghị phong cho một cây dừa danh hiệu “chiến sĩ diệt Mỹ”… Với tôi, cây dừa mang linh hồn của con người. Thấy những vết thương ấy tôi thương lắm, tôi chảy nước mắt”.
“Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre/Con gái của Bến Tre/Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về/Ôi những con người làm nên Đồng khởi/Ơi những cây dừa để lại cho ta bóng quê/Ơi tóc ai dài để lại dáng đứng Bến Tre…”. Ca khúc ngắn gọn, miêu tả tinh thần bất khuất của người con gái Bến Tre trong chiến tranh qua vài nét chấm phá, khi mới phát sóng được khán giả Đài Tiếng nói Việt Nam yêu thích. Bây giờ nói đến Bến Tre, ngoài cái từ mà tổ tiên định danh cho cái xứ sở quê dừa này, người ta còn gọi đây là “Quê hương Đồng Khởi” mà Nguyễn Văn Tý đã viết câu “tóc dài bay trong gió” để chỉ “Đội quân tóc dài” rất dũng cảm của Bến Tre. Người con gái Bến Tre vô cùng nữ tính nhưng rất gan dạ, kiên cường. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã làm cho người nghe rung động trước hình ảnh cô gái thoắt ẩn, thoắt hiện giữa quá khứ và tương lai, giữa thực tại và liên tưởng đã làm nên “Dáng đứng Bến Tre”.
Có thể thấy, ở trong những bài hát của ông, dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, quê hương, luôn có dáng dấp người phụ nữ... Tất cả đều toát lên được sự dung dị, một lòng chung thủy, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1925 trong một gia đình truyền thống âm nhạc. Cha ông là trùm một phường bát âm ở Vĩnh Phú (hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay), thạo cả hát Văn, hát Chèo và hát Ả đào. Trong các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người yêu nhạc nhớ nhiều đến những ca khúc bất hủ như: “Dư âm”, “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Bài ca năm tấn”, “Cô nuôi dạy trẻ”... Đó là những giai điệu thiết tha về tình yêu quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, về tình cảm mẫu tử, phụ tử, về những vùng đất, con người Việt Nam. Sau thời gian lâm bệnh, ngày 26/12/2019, ông đã qua đời tại nhà riêng (TP Hồ Chí Minh), hưởng thọ 96 tuổi.