Nhạc sĩ Quốc Dũng: Một người lãng mạn đã bay theo mây trắng

(PLVN) - Người yêu nhạc vừa tiếc thương nhạc sĩ Quốc Dũng ra đi trong lặng lẽ sau một thời gian chống chọi với bệnh tật. Ông được mệnh danh là người viết tình ca bay bổng nhất cho những người yêu nhau mà không cùng một con đường...
Nhạc sĩ Quốc Dũng. (Ảnh tư liệu)
Nhạc sĩ Quốc Dũng. (Ảnh tư liệu)

“Một vùng mây trắng bay đi tìm nhau”

Người yêu nhạc đã nghe quá nhiều ca khúc của ông như: “Mai”, “Đường xưa”, “Cơn gió thoảng”, “Chuyện ba người”, “Hoang vắng”, “Bài ca Tết cho em”, “Điệp khúc mùa xuân”, “Biển mộng”, “Thư tình không gửi”, “Ru tôi giấc mộng”, “Trái tim tội lỗi”, “Kẻ đau tình”, “Chuyện hợp tan”... nhưng ca khúc mà được hát nhiều nhất, ca sĩ thu âm nhiều nhất phải là: “Em đã thấy mùa xuân chưa”, lại là khúc ca khi ông viết lúc còn trẻ tuổi.

Theo sử nhạc ghi lại thì nhạc sĩ năm 10 đến 11 tuổi, Quốc Dũng tập sáng tác nhạc, bắt đầu với ca khúc “Em đã thấy mùa xuân chưa”. Khi ấy, ông chỉ thảo giai điệu, viết ra phần nhạc không lời. Đến năm 17 tuổi, cảm xúc yêu đương đầu đời giúp nhạc sĩ bồi đắp thêm ca từ giàu chất rung cảm: “Vì mình xa nhau, nên em chưa biết xuân về đấy thôi/Ngày xuân vẫn trôi, rừng còn ngây dại mơ bóng hình ai”.

“Đầu cư xá phía Thoại Ngọc Hầu, đối diện hẻm 15 Thoại Ngọc Hầu là nhà nhạc sĩ Hoài An. Đầu cư xá phía Trương Minh Ký, vô hẻm nay mang số 337 Lê Văn Sỹ chừng chục mét là nhà nhạc sĩ Quốc Dũng của “Mai”, “Cây cầu dừa”, “Đường xưa”, “Cơn gió thoảng”, “Chuyện ba người”… Vị nhạc sĩ này phát lộ âm nhạc khá sớm khi 15 tuổi đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Thậm chí, bản nhạc đầu tiên của ông được viết khi là “thằng bé” 11 tuổi: một nhạc phẩm không lời. Và đến năm 1968, 17 tuổi, chàng thiếu niên Quốc Dũng mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay “Em đã thấy mùa xuân chưa?” (Trích Sài Gòn một thuở).

Và từ đó, những khúc ca được ông viết thành một thứ trang điểm cho tuổi trẻ thời đó, dù đất nước còn nhiều bộn bề của thời chiến. Ai yêu thầm trộm nhớ nhau mà không hát, viết tặng một khúc ca của Quốc Dũng. Nhiều bài hát của ông đã trở thành giai thoại thú vị, như ca khúc: “Mai”.

Quốc Dũng còn đóng phim và là ca sĩ hát chung với cô ca sĩ xinh đẹp Thanh Mai. Họ kết hợp thành một đôi song ca làm mê đắm những trái tim mới lớn mơ mộng ở các trường học. Họ hát chung với nhau những ca khúc tươi trẻ của Quốc Dũng tự sáng tác như “Quê hương và mộng ước” hoặc “Bên nhau ngày vui”. Nhưng Quốc Dũng cho rằng không phải ca khúc này ông dành cho Thanh Mai mà là “một cô Mai nào đó”.

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Dũng thì đó là khoảng năm 1971, khi Phượng Mai mới 15 tuổi, đi hát trong ban Tùng Lâm nổi tiếng. Thời điểm đó bà ngoại của Phượng Mai thường cho cô đi theo các ban nhạc lưu diễn khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Trong ban Tùng Lâm này có ban nhạc của Quốc Dũng (lúc này mới 20 tuổi). Ban ngày nhạc sĩ Quốc Dũng dạy nhạc ở nhà của danh hài Tùng Lâm, còn cuối tuần hoặc mỗi đêm thì đi lưu diễn theo đoàn Tùng Lâm. Họ đã cùng sinh hoạt trong ban Tùng Lâm này một thời gian ngắn và nhạc sĩ Quốc Dũng nảy sinh tình cảm với Phượng Mai.

Phượng Mai cho biết lúc đó cô còn rất nhỏ, nghịch ngợm. Một hôm nhạc sĩ mời cô đi ăn, dù không thích nhưng cô lại chọc nghẹo và nhận lời rồi lại không đến. Vì việc này mà Quốc Dũng buồn tình và nghỉ dạy nhạc ở nhà Tùng Lâm 3 ngày liên tục, làm cho danh hài Tùng Lâm phải trách mắng Phượng Mai. Sau đó 1 tuần, nhạc sĩ Quốc Dũng gửi bài hát “Mai” viết nhạc bằng tay đến nhà Phượng Mai, với những lời nhạc mang nội dung trách buồn cô gái:

“Mai! Anh đã quen em một ngày/Anh đã yêu em một ngày/Một tình yêu quá không may/Mai! Anh nhớ môi em miệng cười, Anh nhớ môi em ngọt lời/Dù lời yêu thương chưa nói/Mai! Anh đã yêu em thật rồi/Anh đã yêu em thật nhiều/Một tình yêu quá cô liêu/Mai! Em đã cho anh hẹn hò/Nhưng đã cho anh đợi chờ/ Để rồi không đến bao giờ…”.

Mối tình Quốc Dũng - Bảo Yến: Tiếng hát với cung đàn

Nhạc sĩ Quốc Dũng tìm thấy ca sĩ Bảo Yến như là định mệnh sau ngày đất nước thống nhất và tiếng hát của chị em Bảo Yến, Nhã Phương đã làm sống động đời sống tinh thần của người Việt sau hậu chiến còn khó khăn. Lê Hựu Hà từng tìm lại được nguồn cảm hứng với tiếng hát Nhã Phương, qua các ca khúc như: “Ngỡ đâu tình đã quên mình”, “Trả hết cho người”… còn với Quốc Dũng khi kết hợp với Bảo Yến đã tạo nên những “cơn sốt” với thị trường âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Quốc Dũng đã bắt đúng mạch tự tình dân tộc khi tung ra loạt ca khúc thành công sau năm 1980. “Thời đó, bạn bè cùng lứa gọi Dũng là thiên tài”, nhạc sĩ Bảo Chấn nhớ lại. Tuy nổi tiếng sớm nhưng ai cũng thích tính tình rất mực khiêm tốn của ông.

Năm 1982, Bảo Yến và em gái Nhã Phương lần gặp gỡ đầu tiên gặp gỡ nhạc sĩ Quốc Dũng tại Đài Truyền hình TP HCM khi tới thu âm cho một chương trình ca nhạc. Nét trầm tư, sâu lắng của Bảo Yến đã hớp hồn nhạc sĩ Quốc Dũng, trong khi chị cũng nhanh chóng phải lòng ông. “Lúc ấy tôi là ca sĩ, còn anh làm biên tập, hòa âm phối khí. Để bày tỏ tình yêu dành cho tôi, anh viết tặng tôi ca khúc “Bài ca Tết cho em” khiến tôi vô cùng cảm động” - nữ ca sĩ chia sẻ. “Tết này anh không thèm chơi đánh bài, vì trong vòng tay anh đã có em ngọc ngà. Tết này anh cũng chẳng chơi hoa, vì môi em cười chan chứa cả mùa xuân”. Lời bài hát thật thú vị và ấm áp, hạnh phúc. Tác phẩm ra đời năm 1982, được xem là món quà đánh dấu cột mốc yêu đương của Quốc Dũng dành cho Bảo Yến.

Trong nhiều lần, Bảo Yến tâm sự dù hát “Bài ca Tết cho em” rất nhiều lần, nhưng lần nào cô cũng đều cảm thấy vui, ấm áp trong lòng và cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như lúc trái tim cô rung động trước lời tỏ tình của Quốc Dũng.

Giai điệu và lời hát ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến, cùng cách tổ chức của nhạc sĩ Quốc Dũng đã khiến loạt bài hát Gò Công như: “Chiều hạ vàng”, “Mẹ Gò Công”, “Thương một người ở xa”, “Chuyện tình hoa muống biển”, “Huế tình yêu của tôi”… như dòng nước mát rót vào đời sống đang tha thiết mong được thưởng thức thật sự. Đó là những khúc ca mà chúng ta nghe khắp thành phố cho đến làng quê, khi tinh thần đổi mới của đất nước đang lớn lên từng ngày.

Vợ chồng Quốc Dũng, Bảo Yến.

Vợ chồng Quốc Dũng, Bảo Yến.

Ca sĩ Bảo Yến từng tâm sự rằng: “Băng nhạc Gò Công đó đã biến tôi từ một ca sĩ vô danh tiểu tốt thành ngôi sao nổi tiếng. Khán giả bất ngờ khi lâu lắm mới được nghe băng nhạc Bolero trữ tình hay đến thế nên thích, tên tuổi tôi nổi như cồn. Từ đó, tôi đi show tỉnh nhiều quá trời. Trước đó, tôi chỉ hát ở thành phố, thu nhập cũng có nhưng không nhiều như đi tỉnh. Nếu không có anh Quốc Dũng, tôi chỉ nổi tiếng được phần nào thôi, nhờ anh ấy mà tôi được chắp cánh nổi đình đám”.

Cùng với Quốc Dũng, Bảo Yến thăng hoa trong nghệ thuật, thể hiện thành công nhiều ca khúc của chồng. Có thể nói, những ca khúc của Quốc Dũng như: “Em đã thấy mùa xuân chưa”, “Đường xưa”, “Rừng thu quên lối”... đã góp phần tạo nên tên tuổi của Bảo Yến, giúp nữ ca sĩ tên tuổi của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.

Khi được hỏi người ảnh hưởng nhiều nhất tới phong cách của mình trong âm nhạc, Bảo Yến từng khẳng định đó chính là nhạc sĩ Quốc Dũng: “Anh Dũng giỏi lắm, giỏi về mọi mặt, về cả lời, nhạc, hòa âm. Khi tôi hát, anh góp ý để tôi bớt phiêu lại, chứ không tôi phiêu nhiều quá thì cũng không hay”.

Quốc Dũng đã sống một đời âm nhạc đầy ân sủng của đời. Anh viết nhạc tình hay, lại có người vợ hát đầy da diết, thao thức các nhạc phẩm của mình thì quả là hạnh phúc. Với thế hệ chúng tôi trưởng thành từ bao cấp cho đến đổi mới, tiếng hát Bảo Yến là cả một khung trời kỷ niệm mà mỗi lần nghe lại vẫn thao thức, nhớ nhung.

Tiểu sử của ông có ghi tên đầy đủ là Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi Quốc Dũng 3 tuổi, gia đình ông về nước. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn; năm 16 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh. “Khi sáng tác, tư tưởng trong mỗi bài hát của tôi phải là một cốt truyện. Một bài nào đó giống hoặc gần giống những sáng tác cũ là tôi không chịu đựng được. Đó là lý do tôi luôn cố gắng làm cho những sáng tác càng về sau của mình phải hay hơn những gì trước đó. Nếu như tôi có cảm giác nó không hay hơn thì cảm xúc đó không xứng đáng để ghi ra thành một bài hát”. Nhạc sĩ Quốc Dũng chia sẻ. Cách đây 10 năm, nhạc sĩ Quốc Dũng bị tai nạn giao thông khi đi xe máy vào đêm 7/6/2013. Ông được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau đó, sức khỏe của ông đã yếu đi nhiều.

Đọc thêm