Dự báo, tuần này và tuần tới thực sự thách thức rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp đưa ra giải pháp phù hợp. Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm, cũng như mua thuốc điều trị tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian qua, một số nơi có tình trạng người dân xếp hàng xin xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly, gây bức xúc, tạo “sức ép” không đáng có.
Có nên lo lắng, có nên chen lấn mua test nhanh, dẫn đến khan hiếm trên thị trường?
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà, cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí; không gây hoang mang; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức nào. Điều đó là cần thiết, lo lắng vì thiếu hiểu biết là điều không nên. Một người lo lắng cả gia đình bất an, một nhà bất an, cả khu phố sẽ thiếu bình an.
Để chủ động ứng phó, Sở Y tế Hà Nội đã lập Tổ công tác liên ngành với đầu mối gọn nhẹ nhất để báo cáo hàng ngày về: hướng dẫn thích ứng, kiểm soát nhóm nguy cơ cao; số liệu chuyển tầng, điều trị tại cơ sở y tế hàng ngày; biện pháp thích ứng với việc đi học trực tiếp của học sinh... Lãnh đạo thành phố cũng giao các đơn vị liên quan có biện pháp giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là thủ tục xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm... Hệ thống y tế cơ sở đã định lượng một nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0, từ đó tính toán nhân lực mỗi ngày để điều phối, hỗ trợ kịp thời.
Với “Chiến lược vaccine”, sau khi bao phủ được 2 mũi vaccine cho người lớn và đến mũi thứ 3 chúng ta đã thấy rõ hiệu quả của vaccine mang lại. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách rất sáng suốt và kịp thời. Sắp tới, trên 10 triệu trẻ em sẽ được tiêm vaccine. Đây là “mảnh ghép” cuối cùng để Việt Nam thực sự có miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo các chuyên gia y tế, cuối cùng, bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến COVID-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được.
Rõ ràng, nhận biết, thái độ của từng người dân có ý nghĩa rất quan trọng để cuộc sống hồi sinh “hậu COVID-19”.