Nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập Hiến và lập pháp

(PLVN) - Các ý kiến tham dự Tọa đàm khẳng định nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập Hiến và lập pháp nhưng trong thực tiễn, chưa thể hiện đầy đủ quyền này của nhân dân, nhất là quyền đề xuất sáng kiến xây dựng luật của công dân, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân...
Quang cảnh Tọa đàm.
Quang cảnh Tọa đàm.

Chiều 17/5, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Tọa đàm về chủ đề “Đổi mới lập pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề về đổi mới quy trình lập pháp; tổ chức, hoạt động của Quốc hội; hoàn thiện pháp luật bầu cử.

Về đổi mới quy trình lập pháp, có ý kiến cho rằng cần tăng tính chủ động của Quốc hội, hạn chế tối đa việc ủy quyền lập pháp, giao nhiều điều khoản cho Chính phủ quy định; đảm bảo luật ban hành có hiệu lực trực tiếp. Trường hợp ủy quyền, cần ghi rõ trong luật phạm vi, nội dung ủy quyền, khắc phục tình trạng quy định chung chung “Chính phủ quy định chi tiết thi hành” khi ủy quyền trong mỗi điều, khoản của luật.

Hay về hoàn thiện pháp luật bầu cử nhằm bảo đảm tốt hơn quyền bầu của của nhân dân và nâng cao chất lượng đại biểu dân cử là nội dung được các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng Đề án và nhiều chuyên gia, nhà khoa học về nhà nước pháp quyền quan tâm vì đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng phản ánh bản chất dân chủ của nhà nước.

Ông Phan Đình Trạc kết luận Tọa đàm.

Ông Phan Đình Trạc kết luận Tọa đàm.

Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ, qua thảo luận, về lập pháp, các ý kiến khẳng định nhân dân là chủ thể tối thượng của quyền lập Hiến và lập pháp nhưng trong thực tiễn, chưa thể hiện đầy đủ quyền này của nhân dân, nhất là quyền đề xuất sáng kiến xây dựng luật của công dân, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân...

Cần nâng cao tính chuyên nghiệp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong xây dựng pháp luật; ủy quyền lập pháp và phân quyền, kể cả cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ và chính quyền địa phương nên hạn chế, tiến tới tới bỏ việc ủy quyền lập pháp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hạn chế phạm vi ủy quyền lập pháp cho Chính phủ và địa phương...

Nhiều ý kiến cho rằng phạm vi của một dự án luật nên hẹp để dễ thảo luận sâu; đề xuất bỏ chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhưng Chính phủ cần có chương trình xây dựng luật để tăng tính chủ động; tiếp tục đổi mới quy định lập pháp, phân định rõ quy định lập pháp với quy định lập quy; xác định rõ mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành...

Về tổ chức của Quốc hội, các ý kiến cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức Quốc hội; quyết định nhất trong hoạt động của Quốc hội là đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Quốc hội phải hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp; cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách, có cơ chế đánh giá đại biểu Quốc hội; tăng vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, hoạt động thường xuyên kể cả trước, trong và sau kỳ họp; xây dựng quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Về bầu cử, các ý kiến đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ quyền bầu cử của công dân trong đó có quyền giới thiệu ứng cử viên, quyền tự ứng cử, quyền lựa chọn, quyền bỏ phiếu...; đổi mới cơ cấu và tiêu chuẩn của đại biểu dân cử; đổi mới mạnh mẽ việc hiệp thương giới thiệu ứng cử viên; có cơ chế vận động bầu cử và cơ chế cung cấp thông tin về từng ứng cử viên; nâng cao vai trò của Hội đồng Bầu cử Quốc gia...

Đọc thêm