Đánh giá về ba đột phá chiến lược được thể hiện tại dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong chiến lược phát triển đất nước, vấn đề rất quan trọng là đồng thời với việc xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ toàn diện thì cần phải tìm ra trong các nhiệm vụ, giải pháp đó cái gì là trọng điểm cần phải tập trung.
Quan trọng hơn là từ những nhiệm vụ đó chỉ cho ra những khâu đột phá chiến lược. Đột phá thì ngành nào, địa phương nào cũng có khâu đột phá, nhưng nhìn trên tầm toàn thể đất nước thì cái quan trọng là phát triển cho đúng đột phá chiến lược.
Từ Đại hội XI, Đảng ta đã xác định đúng ba khâu đột phá chiến lược: đột phá vào thể chế, đột phá vào nguồn nhân lực và đột phá vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Đại hội XII tiếp tục khẳng định ba khâu đột phá chiến lược này. Và trong 10 năm qua, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện các khâu đột phá này đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa thật đáp ứng đầy đủ. Về thể chế, chúng ta đã có những bước tiến trong việc tạo ra môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng hơn. Tuy nhiên việc sử dụng, phát huy các nguồn lực chưa tốt và môi trường cũng chưa thật là minh bạch, thông thoáng. Vấn đề phân cấp, phân quyền cho các cấp từ Trung ương đến địa phương chưa tốt. Vấn đề kiểm soát quyền lực để hạn chế tiêu cực chưa chuyển biến bao nhiêu.
Về nguồn nhân lực, tuy tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên, nhưng chúng ta chưa có những đột phá để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế giới đánh giá là lao động Việt Nam cần cù, thông minh nhưng còn ít kinh nghiệm tiếp cận và triển khai nền sản xuất hiện đại. Về hệ thống kết cấu hạ tầng, chúng ta làm được rất nhiều.
Tuy nhiên tính kết nối đồng bộ chưa cao và chất lượng hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn. Như thế, chúng ta xác định ba khâu đột phá chiến lược là đúng nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế. Do vậy dẫn đến hệ quả là chúng ta dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vẫn chưa thực hiện được.
Lần này, trong dự thảo văn kiện tiếp tục khẳng định là ba đột phá chiến lược đã được xác định là đúng đắn, có ý nghĩa lâu dài. Nhưng vấn đề là trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó.
Rút kinh nghiệm của 10 năm vừa qua thực hiện chiến lược 2011-2020, chúng ta xác định rõ hơn nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược. Ví dụ, lần này nói về đột phá thể chế, chúng ta nhấn 3 điểm. Một là tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế phát triển để tạo một môi trường thông thoáng hơn, hiệu quả hơn cho sản xuất kinh doanh, cho thu hút đầu tư.
Thứ hai là hệ thống thể chế phải làm thế nào để khai thác, phát huy, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực phát triển. Thể chế phải làm thế nào để khai thác, sử dụng, phát huy tốt hơn nguồn lực. Thứ ba, thể chế này làm sao phải phát huy được vai trò tự chủ, sáng tạo của các cấp, các ngành.
Do đó, phải có một thể chế để phân định rõ việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; phát triển tốt hơn sự chủ động, sáng tạo của địa phương; đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Như vậy, thể chế là tập trung vào 3 điểm đó. Ba điểm mà hiện nay có thể nói là những điểm vẫn còn nghẽn trong phát triển của đất nước.
Cho ý kiến về những giải pháp được đề ra trong đột phá chiến lược thứ nhất (là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực), ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khẳng định, giám sát quyền lực - nhất là giám sát quyền lực do nhân dân tiến hành đã giúp cho Đảng và Nhà nước ngăn chặn một bước thoái hoá, biến chất.
Điều này cho thấy cần quan tâm, đẩy mạnh giám sát quyền lực. “Hầu hết các vụ án điểm vừa rồi đều do dân phát hiện, báo chí đưa tin, các cơ quan chức năng mới vào cuộc… Tôi thấy rằng giám sát quyền lực kỳ này đặt ra mạnh hơn so với những kỳ trước.”- ông Nguyễn Túc nhận định.
Theo ông Túc, nhân dân phải giám sát quyền lực mạnh hơn nữa. Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đối với đại biểu Quốc hội và HĐND cần có quy chế mạnh mẽ hơn hiện nay. Bên cạnh đó, khi giám sát phải thực hiện từ đồng chí cao nhất; giám sát đầu tiên là giám sát tại địa bàn dân cư. Các đại biểu Quốc hội muốn tham gia ứng cử thì Mặt trận hiệp thương lựa chọn, giới thiệu nhưng trước hết phải lấy ý kiến ở địa bàn dân cư.
“Nếu các đồng chí đó ở địa bàn dân cư không được 50% số phiếu - tức là dân đóng góp ý kiến, chúng tôi xem xét và loại ra không đưa ra hiệp thương bàn bạc. Tôi nghĩ rằng trong kỳ này đóng góp với Trung ương nên đóng góp quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát những người dân đã cử ra và có trách nhiệm đối với người đó”- ông Túc nói.
Đề cập đến vấn đề “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” được quy định trong các dự thảo văn kiện, ông Túc cho biết, 5 năm qua có một bước tiến lớn về trách nhiệm của Đảng với dân, đồng thời niềm tin của dân đối với Đảng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như trong quá trình xây dựng Đảng ngày càng được củng cố.
“Bây giờ nhân dân đóng góp vào Dự thảo thì nên đóng góp gì? Tôi nghĩ rằng nên xem quyền của dân hiện nay có những cái gì còn cản trở, bên cạnh đó cũng phải thấy trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Đóng góp là trách nhiệm của chúng ta.”- ông Túc chia sẻ.