Theo kế hoạch, loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới này sẽ bay thử nghiệm vào năm 2025 và trang bị cho Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2030.
Tuy nhiên, quan chức quốc phòng Trung Quốc chưa chứng thực thông tin này. Để có được dự án này, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã phải mất 5 năm để vượt qua những trở ngại kỹ thuật của loại máy bay ném bom tàng hình kiểu mới, trong đó tập trung vào tốc độ và tính năng tàng hình.
Nhiều hơn, xa hơn
Hiện nay, các loại máy bay ném bom của Trung Quốc tương đối lạc hậu, về tính năng tổng hợp còn kém xa so với máy bay ném bom chiến lược của Mỹ và Nga. Chẳng hạn máy bay ném bom “Kong-6K” (K-6K) của PLA hiện nay xét về lượng bom có thể mang theo và tầm hoạt động chưa thể sánh với máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ và TU95 của Nga. Vì thế, Trung Quốc cần có máy bay ném bom chiến lược tầm xa với lượng bom mang theo nhiều hơn, bán kính tác chiến mở rộng và uy lực hủy diệt mạnh hơn.
Các nhà quan sát quân sự Trung Quốc tiết lộ, trong những năm vừa qua, trên phương diện nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, Trung Quốc đã từng bước vượt qua được các cửa ải kỹ thuật về động cơ, vật liệu, còn về tính năng tàng hình thì được nâng cấp từ loại máy bay chiến đấu tàng hình Tiêm-20 (Jian-20/J-20), Tiêm-31 (Jian-31/J-31) mà Trung Quốc đã có trong tay.
Thậm chí có những phân tích cho rằng, tính năng tàng hình của các loại máy bay chiến đấu hiện đã được trang bị cho PLA chính là phiên bản tàng hình thu nhỏ của máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới của Trung Quốc trong tương lai.
Căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế hiện nay, mục tiêu chủ yếu trong việc nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom tàng hình kiểu mới là mở rộng bán kính tác chiến của không quân PLA lên đến 10.000km. Tuy nhiên, nếu bán kính tác chiến không đạt 10.000km, Trung Quốc có thể trên cơ sở của máy bay vận tải Yun-20 (Y-20), phát triển máy bay tiếp dầu trên không tầm xa. Như vậy, ngay cả khi bán kính tác chiến của máy bay ném bom chiến lược tàng hình kiểu mới của Trung Quốc chỉ đạt từ 7.000-8.000km cũng có thể là chấp nhận được.
Nhu cầu… bức thiết?
Đó là nhận định của các nhà phân tích quân sự Trung Quốc đối với máy bay ném bom chiến lược tầm xa, nên thời gian nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều khả năng sẽ được rút ngắn. Thực tế đã chứng minh, Trung Quốc trong việc nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo vượt đại châu, vũ khí siêu thanh, tên lửa chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo chống hạm, máy bay chiến đấu tàng hình, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu tuần tra tên lửa và tàu sân bay… đều rút ngắn được thời gian nghiên cứu chế tạo.
Từ đó có thể thấy, máy bay ném bom chiến lược tàng hình kiểu mới của Trung Quốc sẽ sớm bay thử nghiệm và đưa vào sử dụng, có thể trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2025.
Bình luận về thông tin này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lợi cho rằng, nhu cầu Trung Quốc tiến hành nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới là điều không cần tranh luận. Theo quy luật thông thường, máy bay ném bom cỡ lớn từ khi nghiên cứu chế tạo đến khi đưa vào sử dụng sẽ mất khoảng từ 20-30 năm. Tuy nhiên, thời gian phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định Lực lượng Không quân của Trung Quốc.
Nếu như xác định là không quân chiến lược thì lực lượng này nhất định phải sớm được trang bị máy bay ném bom thế hệ mới. Bởi vì, không quân chiến lược có hai tiêu chí: thứ nhất có một lượng lớn máy bay vận tải và chủ yếu là máy bay vận tải chiến lược tầm xa, như vậy mới có thể nhanh chóng điều động lực lượng hỗ trợ đến bất kỳ nơi nào; thứ hai là phải có máy bay ném bom chiến lược tầm xa thế hệ mới.
Theo chuyên gia Lý Lợi, hiện nay, máy bay ném bom K-6 của Trung Quốc tuy có tiềm năng cải tiến nhất định nhưng không thể phù hợp với tiêu chuẩn của máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới. Cùng quan điểm trên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác thừa nhận, máy bay ném bom K-6K của Không quân Trung Quốc hiện nay từng nhiều lần vượt qua chuỗi đảo thứ nhất nhưng bán kính tác chiến cũng chỉ dừng lại ở tầm trung là 3.000-4.000km, chưa thể coi là máy bay ném bom chiến lược. Cho nên, nhu cầu đối với loại máy bay ném bom chiến lược thế mới của không quân Trung Quốc là có thực.
Máy bay ném bom chiến lược là loại máy bay lớn được thiết kế với mục đích thả khối lượng bom lớn xuống mục tiêu ở khoảng cách xa với mục đích làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh của đối phương. Khác với máy bay ném bom chiến thuật thường được sử dụng ở khu vực chiến trường để tấn công quân đội và thiết bị chiến tranh, máy bay ném bom chiến lược được chế tạo để ném bom vùng đất sâu trong lãnh thổ đối phương, phá huỷ các mục tiêu chiến lược như các cơ sở quân sự chủ chốt, các nhà máy thiết yếu và các thành phố quan trọng.
Máy bay ném bom chiến lược cũng có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ mang tính chiến thuật. Còn Quân đội Trung Quốc định nghĩa, máy bay ném bom chiến lược tầm xa là một phương tiện có thể chở hơn 10 tấn đạn dược và có thể di chuyển tối thiểu 8.000km không cần tiếp nhiên liệu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cách đây ít lâu đã cho hay, Bắc Kinh cần phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa để tấn công các đối thủ ở xa bờ biển nước này trong trường hợp xảy ra xung đột. Lực lượng không quân của Trung Quốc được coi là “lực lượng chiến lược” và máy bay ném bom chiến lược tầm xa cho phép lực lượng không quân tấn công xa hơn vào Thái Bình Dương, đến cả “chuỗi đảo thứ hai”.
Theo các nhà chiến lược Trung Quốc, “chuỗi đảo thứ nhất” là vòng cung kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan, trong đó bao gồm nhiều căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản; chuỗi đảo thứ hai đề cập đến các đảo xa hơn ở phía đông Thái Bình Dương, bao gồm cả quần đảo Marianas, Carolines, và lãnh thổ Guam của Mỹ - nơi căn cứ không quân Andersen tọa lạc; còn “chuỗi đảo thứ ba” bao gồm Hawaii.
Theo China Daily, khả năng tấn công “chuỗi đảo thứ hai” sẽ gây trở ngại cho quân đội nước ngoài khi can thiệp trong các “trường hợp khẩn cấp hoặc xung đột”. Tạp chí công nghệ quốc phòng của Trung Quốc có tên Aerospace Knowledge phân tích trong một loạt bài viết mới đây cho rằng, Trung Quốc cần một máy bay ném bom tầm xa tàng hình.
“Một máy bay ném bom tầm trung không thể sửa chữa những thiếu sót cơ bản trong lực lượng không quân của PLA trong các cuộc tấn công và răn đe chiến lược”, China Daily trích dẫn một trong những bài viết của Aerospace Knowledge.
“Vì vậy, lực lượng không quân rất cần một máy bay ném bom chiến lược liên lục địa có khả năng thâm nhập hệ thống phòng không của đối phương”. Phó Tổng Biên tập của Aerospace Knowledge, ông Wang Yanan cho hay, loại máy bay ném bom nói trên đòi hỏi “một công nghệ tiên tiến, cấu hình khí động học cũng như một động cơ phản lực hiệu suất cao”…